Không dễ hiện thực hóa giấc mơ

10:13, 31/03/2013
|

Tại hội nghị thượng đỉnh thường niên lần thứ 5 diễn ra hôm 26 - 27.3 vừa qua ở thành phố Durban, Nam Phi, các nhà lãnh đạo của nhóm 5 nền kinh tế mới nổi BRICS đã đạt thỏa thuận trên nguyên tắc về kế hoạch thành lập ngân hàng phát triển của nội khối. Trong bối cảnh nội bộ khối tồn tại những bất đồng, việc BRICS hiện thực hóa giấc mơ cho ra đời một tổ chức tài chính chung sẽ gặp không ít khó khăn.

Đây sẽ là tổ chức tài chính đầu tiên của BRICS kể từ khi diễn đàn chính thức của nhóm này được bắt đầu vào năm 2009. Bộ trưởng Tài chính Nam Phi Pravin Gordhan cho biết, ngân hàng phát triển của BRICS là mô hình mới để các nước thành viên chia sẻ nguồn lực, củng cố hợp tác và mang lại lợi ích cho các bên. Dần dần, những nước đang phát triển khác sẽ được mời tham gia ngân hàng này.

Trên thực tế, các nhà lãnh đạo của BRICS vẫn chưa đạt được sự đồng thuận về chi tiết của kế hoạch thành lập ngân hàng chung. Câu hỏi đầu tiên đặt ra là ngân hàng sẽ đóng trụ sở ở đâu? Nam Phi có thể nghĩ rằng quốc gia này nằm ở vị trí trung tâm, cửa ngõ để 4 nền kinh tế mới nổi còn lại vào châu Phi. Thế nhưng, rất có thể Nga cho rằng Moscow mới là nơi đắc địa nhất. Một vấn đề khác và cũng gây nhiều tranh cãi nhất là tỷ lệ góp vốn của mỗi nước thành viên bao nhiêu thì hợp lý? Con số được đề xuất là 10 tỷ USD mỗi thành viên sẽ không thành vấn đề đối với Trung Quốc, nhưng sẽ là một gánh nặng đối với nền kinh tế Nam Phi có quy mô nhỏ bé hơn rất nhiều. Lý do cơ bản đằng sau những tranh luận về tỷ lệ đóng góp vốn cho ngân hàng chung là nhằm bảo đảm tổ chức tài chính này trở thành sân chơi bình đẳng, không bị nước nào khống chế. Tuy nhiên, kinh tế Nam Phi chỉ chiếm chưa đến 3% kích thước của cả nền kinh tế BRICS. Trong khi đó, kích thước nền kinh tế của Trung Quốc lớn gấp 20 lần của Nam Phi và lớn hơn 4 lần so với của Nga hay Ấn Độ. Vì vậy, khó có thể có sự bình đẳng trong việc góp vốn ban đầu cho ngân hàng chung.

Bên cạnh đó, tại các cuộc thảo luận về kế hoạch thành lập ngân hàng phát triển, lãnh đạo các nước thành viên BRICS vẫn còn bất đồng về cách thức điều hành ngân hàng này. Tại cuộc họp trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh diễn ra ở Durban, tuy đã ủng hộ sáng kiến thành lập ngân hàng chung, song Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng cảnh báo, ngân hàng này cần phải hoạt động trên nguyên tắc thị trường.

Hiện, BRICS đại diện cho hơn 40% dân số thế giới và chiếm 17% mậu dịch toàn cầu. Một báo cáo gần đây của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) dự báo, đến năm 2020, đầu ra kinh tế tổng hợp của ba nước Brazil, Trung Quốc và Ấn Độ – sẽ vượt qua sản lượng gộp lại của Canada, Pháp, Đức, Italy, Anh và Mỹ. Song, nhóm các nền kinh tế mới nối lại đang bị chia rẽ vì một số vấn đề, trong đó có giá cả hàng hóa. Theo Ruchir Sharma, người chuyên trách các thị trường đang nổi lên của tập đoàn tài chính hàng đầu thế giới Morgan Stanley, Trung Quốc và Ấn Độ là những nước nhập khẩu khối lượng lớn hàng hóa muốn giá thấp hơn, còn những nước xuất khẩu như Brazil, Nga và Nam Phi lại đòi giá cao hơn. Bên cạnh đó, còn nhiều nguyên nhân khác gây căng thẳng trong nội bộ khối về mậu dịch. Hàng nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc vào Nam Phi được cho là đã phần nào gây ra suy thoái cho lĩnh vực sản xuất trong nước của quốc gia châu Phi này. Nam Phi cũng từng đưa vụ tranh chấp về gia cầm nhập khẩu từ Brazil ra Tổ chức Thương mại thế giới. Các luật lệ và tệ quan liêu ở Ấn Độ cũng gây quan ngại cho các thành viên BRICS.

Trong bối cảnh nội bộ tồn tại những bất đồng, các nhà lãnh đạo lại chưa thống nhất được nhiều chi tiết quan trọng liên quan tới kế hoạch lập ngân hàng chung. Giấc mơ ngân hàng phát triển của BRICS sẽ còn phải trải qua một quá trình thương thảo dài và nhiều khó khăn để trở thành hiện thực. Tuy nhiên, sự ra đời của ngân hàng phát triển chung phản ánh quyết tâm của BRICS muốn khẳng định vai trò của nhóm này trong giải quyết các vấn đề toàn cầu. Không chỉ dừng lại ở mục đích thúc đẩy hợp tác nội khối, BRICS mong muốn xây dựng một thể chế tài chính có khả năng đối trọng với các định chế tài chính như Ngân hàng Thế giới hay Quỹ Tiền tệ quốc tế, vốn bị chỉ trích là do Mỹ và châu Âu điều khiển.

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã một lần nữa kêu gọi các nước thành viên đoàn kết và hợp tác vì những mục tiêu chung. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố, “không quan trọng là tình hình quốc tế thay đổi thế nào, mà điều quan trọng là chúng ta cần đoàn kết để tiếp tục phát triển hòa bình và hợp tác trên tinh thần đôi bên cùng có lợi. Điều chúng ta cần là hòa bình và hợp tác chứ không phải là chiến tranh hay đối đầu”. Với những bước đi cụ thể, BRICS có thể tiến tới mục tiêu thiết lập một trật tự kinh tế toàn cầu công bằng hơn.


Báo Điện tử VnMedia

Ý kiến bạn đọc