Hải quân Trung Quốc và chiến lược “lấy thịt đè người”

19:52, 07/03/2013
|

(VnMedia) - Các tàu bán quân sự và tàu hải quân của Trung Quốc đang liên tục đổ ra vùng biển xung quanh quần đảo tranh chấp với Nhật Bản. Các chuyên gia tin rằng, Bắc Kinh đang áp dụng chiến lược dùng số lượng áp đảo tàu thuyền của mình để khiến Hải quân Nhật Bản “mệt mỏi và kiệt sức” vì phải căng sức đối phó.

 

 Ảnh minh họa

Gần như hàng ngày, báo chí đều cập nhật thông tin về những chuyến đi tuần tra, giám sát của tàu thuyền Trung Quốc ở biển Hoa Đông, những cuộc tập trận, sự ra mặt liên tục của những chiếc tàu chiến mới và cả những bài báo được đăng tải trên báo chí Trung Quốc kêu gọi quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.

 

"Mục tiêu của chiến dịch ở biển Hoa Đông là để làm cho Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản cũng như Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản trở nên kiệt sức”, ông James Holmes – một chuyên gia về chiến lược hàng hải của trường Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ, đã nhận định như vậy.

 

Chỉ đến khi Trung Quốc vướng vào cuộc tranh chấp lãnh thổ đầy nguy cơ với Nhật Bản ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư từ hồi cuối năm ngoái thì quân đội vốn nổi tiếng về tính bí mật của họ mới bắt đầu trở nên “cởi mở”.

 

Hiện tại, Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc hàng ngày đều công khai thông báo về các động thái của họ xung quanh quần đảo Senaku/Điếu Ngư. Các thông tin kiểu này cũng có giá trị tuyên truyền trong nước cho Bắc Kinh bởi nó thể hiện Đảng Cộng sản Trung Quốc có quyền lực, sức mạnh và quyết tâm để bảo vệ cái mà họ gọi là lãnh thổ của họ, các nhà phân tích chính trị cho biết.

 

Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo, việc cả Trung Quốc và Nhật Bản tăng cường triển khai liên tục tàu thuyền ở vùng tranh chấp sẽ làm tăng nguy cơ dẫn đến những tình huống bất ngờ hay sự tính toán sai lầm khiến xung đột bùng nổ.

 

Trong một sự kiện đáng lo ngại nhất từ trước đến nay, Tokyo hồi tháng trước đã cáo buộc, tàu chiến của hải quân Trung Quốc chĩa radar tên lửa về phía tàu khu trục và trực thăng của Nhật Bản ở biển Hoa Đông vào một ngày cuối tháng 1. Bắc Kinh phủ nhận cáo buộc này nhưng các sĩ quan quân đội Mỹ lại tin sự việc trên là có thật.

 

Các chuyên gia an ninh Nhật Bản và nước ngoài tin rằng, lực lượng Hải quân hùng mạnh của Nhật Bản và Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản đang chiếm ưu thế ở vùng tranh chấp nhưng điều này có thể thay đổi nếu Bắc Kinh đẩy mạnh các hoạt động tuần tra.

 

"Tôi tin, Trung Quốc trong thời gian trước mắt sẽ tập trung các nguồn lực vào Biển Đông bởi đây là vùng biển được họ đặt ưu tiên cao hơn. Tuy nhiên, nếu họ chuyển thêm nhiều nguồn lực sang biển Hoa Đông thì riêng mình Lực lượng Bảo vệ Bờ biển của chúng ta sẽ không thể xử lý được tình hình”, ông Yoshihiko Yamada, một chuyên gia về chính sách hàng hải và là một giáo sư tại trường Đại học Tokai của Nhật Bản, đã nhận định như vậy.

 

Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản đang bị căng sức

 

Có những bằng chứng cho thấy, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản đang thực sự cảm thấy áp lực từ những động thái liên tiếp gần đây của phía Trung Quốc.

 

Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản đã thành lập một đơn vị mới gồm 600 thành viên được trang bị 12 tàu tuần tra mới. Đơn vị này được tạo ra chỉ để thực hiện các nhiệm vụ quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang nằm trong tranh chấp với Trung Quốc. Ngoài ra, Tokyo còn tăng ngân sách cho việc mua sắm thêm tàu thuyền và máy bay mới trong năm tài chính mới bắt đầu từ tháng 4 tới.

 

Chưa hết, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản còn có kế hoạch bổ sung thêm 119 nhân sự trong tháng tới. Đây là lần bổ sung nhân sự lớn nhất của lực lượng này trong vòng 32 năm qua.

 

Khi căng thẳng tăng lên xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trước thời điểm ông Shinzo Abe quay trở lại cương vị thủ tướng, ông này từng đề xuất chuyển những con tàu hải quân hết hạn thành tàu tuần tra của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản.

 

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản – ông Itsunori onodera hôm qua (6/8) tiết lộ, Bộ của ông đang bàn bạc về đề xuất trên.

 

Bắc Kinh cho đến thời điểm này vẫn chưa để hải quân can thiệp trực tiếp vào cuộc tranh chấp với Nhật nhưng các tàu chiến của Trung Quốc đã thường xuyên lượn lờ, tuần tra gần các vùng biển và các tuyến đường biển xung quanh Nhật Bản.

 

Hải quân Mỹ cũng giám sát chặt chẽ các chiến dịch của hải quân và lực lượng bán quân sự Trung Quốc ở khu vực gần Nhật Bản. Một sĩ quan tình báo hải quân Mỹ - ông James Fanell hồi cuối tháng 1 tiết lộ, Trung Quốc từng phái nhóm 7 tàu nổi đến phía nam Nhật Bản. Bắc Kinh cũng từng triển khai số lượng tàu ngầm lớn nhất từ trước đến nay đến khu vực.

 

Bất chấp những áp lực về quân sự và ngoại giao ngày càng tăng từ phía Trung Quốc, chính phủ Nhật Bản không thể hiện bất kỳ dấu hiệu lùi bước. “Chúng tôi đơn giản không thể dung thứ cho bất kỳ thách nào trong hiện tại và cả trong tương lai. Không quốc gia nào nên tính toán sai lầm hoặc đánh giá thấp sự vững chắc trong quyết tâm của chúng tôi”, Thủ tướng Shinzo Abe đã tuyên bố như vậy ở thủ đô Washington , Mỹ gần đây.

 

Theo các chuyên gia nhận định, đối với Bắc Kinh, Nhật Bản là một thách thức khó khăn hơn rất nhiều so với các nước nhỏ hơn đang có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc như Philippines . Mặc dù nhỏ hơn về quy mô và số lượng so với lực lượng Hải quân Trung Quốc, Hải quân Nhật Bản được xem là lực lượng hùng mạnh nhất ở khu vực Châu Á với binh lính được đào tạo bài bản và được trang bị tàu chiến, tàu ngầm cũng như máy bay hiện đại nhất, tối tân nhất. Ngoài ra, Nhật Bản còn có mối quan hệ liên minh gắn bó chặt chẽ về mặt an ninh với Mỹ - cường quốc quân sự số 1 thế giới.


Kiệt Linh - (theo Reuters)

Ý kiến bạn đọc