Khi Thủ tướng Lebanon Najib Makati tuyên bố từ chức hồi tuần trước, phe đối lập của người Hồi giáo dòng Sunni từ lâu đòi ông Makati ra đi đã không khỏi hân hoan. Nhưng lạ ở chỗ, ngay cả lực lượng chính trị đứng đầu là nhóm vũ trang Hồi giáo dòng Shiite Hezbollah, vốn đưa ông Makati lên nắm quyền cách đây hai năm, cũng có vẻ hài lòng.
Trên thực tế, toàn bộ tầng lớp chính trị ở Lebanon đều hoan nghênh động thái của ông Makati. Đây là một dấu hiệu nữa cho thấy tình hình Lebanon ngày càng xấu đi và cũng là cơn địa chấn mạnh nhất đối với nước này do ảnh hưởng từ cuộc nội chiến đang leo thang ở nước láng giềng Syria. Nguyên nhân trực tiếp buộc ông Makati từ chức là những vấn đề trong nước. Nhưng nguyên nhân sâu xa lại bắt nguồn từ Syria khi nhóm vũ trang Hezbollah, lực lượng đang nỗ lực giành quyền kiểm soát an ninh lớn hơn tại Lebanon, đang ngày càng lo ngại về số phận của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Kể từ khi cuộc xung đột ở Syria nổ ra cách đây hai năm, Lebanon đã theo đuổi chính sách “cách ly khỏi Syria”. Mặc dù vậy, trên thực tế, cả Hezbollah và phe đối lập của người Hồi giáo dòng Sunni đều chủ động tham gia cuộc xung đột này bằng cách ủng hộ lực lượng nổi dậy Syria. Ở trong nước, Hezbollah vẫn thận trọng, không tham gia quá sâu vào công việc nội bộ của đất nước và tránh kích động một cuộc nội chiến mới. Tuy nhiên, thái độ đó có thể đang thay đổi.
Quyết định từ chức của ông Mikati được đưa ra sau khi Chính phủ của ông không thể đạt được những thỏa thuận về việc thành lập cơ quan giám sát bầu cử cũng như việc kéo dài nhiệm kỳ của người đứng đầu Lực lượng An ninh Nội địa, Tướng Ashraf Rifi, người có thái độ thù địch với phong trào Hezbollah và chính quyền Assad. Lực lượng An ninh Nội địa của Lebanon cũng đã bị suy yếu sau khi người đứng đầu bộ phận tình báo của cơ quan này Wissam al-Hassan bị giết hại trong một vụ ám sát hồi tháng 10 năm ngoái mà Lebanon cho là có bàn tay của Chính quyền Syria. Trong khi đó, phe đối lập cho rằng, ông Rifi là một rào cản quan trọng đối với nỗ lực của phong trào Hezbollah nhằm kiểm soát tình hình an ninh ở Lebanon, do đó, sự ra đi của ông không phải là điều bình thường.
Những tranh cãi xung quanh quyết định kéo dài nhiệm kỳ của ông Rifi diễn ra đúng vào thời điểm nội bộ Lebanon có những bất đồng về luật bầu cử, trong bối cảnh nước này dự kiến tổ chức bầu cử Quốc hội vào mùa hè này. Tuy nhiên, cuộc bầu cử có thể không được tổ chức đúng theo kế hoạch do diễn biến mới trên chính trường và điều này có thể khiến các phe phái ủng hộ Syria hài lòng. Các chuyên gia cho rằng, phong trào Hezbollah muốn duy trì Chính phủ nhưng vấn đề an ninh và bầu cử còn quan trọng hơn. Cuộc chiến ở Syria có thể chỉ là một phần trong âm mưu lớn hơn của Qatar, Ảrập Xêút và Thổ Nhĩ Kỳ - những nước ủng hộ quân nổi dậy ở Syria, và phong trào Hezbollah có thể là mục tiêu tiếp theo của họ.
Lebanon hoàn toàn có thể kiểm soát được tình hình nếu nước này chỉ phải đối mặt với cuộc khủng hoảng trong Chính phủ đơn thuần mà không gặp bất kỳ khó khăn nào khác. Tuy nhiên, động thái này lại diễn ra đúng vào thời điểm mà tình hình bất ổn an ninh ngày càng gia tăng, khó khăn kinh tế chồng chất trong khi làn sóng người tị nạn Syria ngày càng đông, hiện đã vượt qua 375.000 người so với dân số 4 triệu người của Lebanon. Các phe phái ủng hộ và chống Syria liên tục đụng độ nhau ở thành phố miền Bắc Tripoli. Mặc dù quân đội được cho là đã giúp khôi phục trật tự trong vài ngày vừa qua, nhưng Bộ trưởng Nội vụ sắp mãn nhiệm Marwan Charbel cảnh báo, tình hình vẫn rất nguy hiểm đối với Tripoli cũng như cả nước.
Trong khi đó, các lực lượng của chính quyền Syria mới đây đã bắn tên lửa sang biên giới Lebanon và tuyên bố rằng mục tiêu là lực lượng nổi dậy chống Chính phủ. Hồi đầu tháng, 4 lãnh tụ Hồi giáo dòng Sunni của Lebanon đã bị tấn công trong các vụ riêng lẻ, buộc người đứng đầu quân đội nước này phải tuyên bố an ninh Lebanon đang ở trong tình trạng tồi tệ nhất trong nhiều năm qua.
Các chính trị gia ở Beirut lại lạc quan cho rằng, lo ngại về xung đột bè phái có thể hối thúc tất cả các đảng biến quyết định từ chức của ông Mitaki thành cơ hội hòa giải dân tộc và thực hiện triệt để hơn chính sách “cách ly khỏi Syria”. Tuy nhiên, ngay cả khi một Thủ tướng mới được bổ nhiệm, việc thành lập Chính phủ mới vẫn cần thời gian. Lebanon hiện đang rất cần một thỏa thuận chính trị lớn hơn, song điều này có thể sẽ phải đợi đến hồi kết ở Syria, điều mà không ai có thể biết được khi nào sẽ đến.
Ý kiến bạn đọc