(VnMedia) - Chi tiêu quốc phòng của khu vực Châu Á trong năm ngoái đã lần đầu tiên vượt qua mức chi tiêu quốc phòng của Châu Âu. Điều này phản ánh đúng thực tế về việc Trung Quốc đang mạnh tay chi tiêu cho quân đội trong khi Châu Âu phải cắt giảm ngân sách quốc phòng vì tình hình kinh tế yếu kém, Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) hôm nay (14/3) cho biết.
Trong bản báo cáo hàng năm về quân đội của các nước trên thế giới, IISS cho hay, mức tăng chi tiêu quốc phòng thực sự của Trung Quốc là vào khoảng 8,3% trong thời gian từ năm 2011 đến 2012. Và mức tăng chi tiêu quốc phòng trung bình của khu vực Châu Á nói chung trong năm ngoái là 4,94%.
Trong khi đó, chi tiêu quốc phòng năm 2012 của các nước thành viên NATO ở khu vực Châu Âu đã giảm xuống mức của năm 2006 do các nước đều phải cắt giảm chi tiêu quốc phòng vì lý do kinh tế, bản báo cáo “Cán cân Quân sự 2013” của IISS cho biết.
"Trên thực tế, mức tăng chi tiêu quốc phòng ở Châu Á tăng quá nhanh cùng với chính sách thắt chặt chi tiêu quân sự của Châu Âu quá khắc khổ đến mức chi tiêu quốc phòng trong năm 2012 của Châu Á không chỉ vượt tổng chi tiêu quốc phòng của các nước NATO trong Châu Âu mà vượt cả tổng chi tiêu quốc phòng của toàn bộ khu vực Châu Âu, trong đó có các nước không phải là thành viên của NATO”, IISS cho biết thêm.
Theo IISS, Mỹ vẫn tiếp tục là nước có ngân sách quốc phòng lớn nhất, chiếm tới 45,3% tổng chi tiêu quốc phòng trên toàn cầu.
Dựa vào sự tăng trưởng kinh tế khá tốt, các nước Châu Á cũng đang đều đặn tăng chi tiêu quốc phòng để giúp quân đội nước này có thể đối phó với môi trường khu vực ngày càng phức tạp.
"Trung Quốc hiện tại đang là nước chi tiêu quốc phòng lớn thứ hai thế giới”, IISS cho biết đồng thời nói thêm rằng nếu nền kinh tế của nước đông dân nhất thế giới có thể duy trì sự tăng trưởng thì nước này có thể bắt kịp mức chi tiêu quốc phòng của Mỹ vào khoảng thời gian từ năm 2025 đến 2028.
Triều Tiên – nước vừa tiến hành vụ thử hạt nhân thứ ba – cũng tiếp tục tăng cường năng lực cho quân đội nước này.
Về phần mình, Ấn Độ vẫn giữ vị trí là một trong những thị trường nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới. New Delhi đang tăng cường phát triển sức mạnh của quân đội để đối phó với cả Pakistan lẫn Trung Quốc.
Trong khi đó, Nhật Bản và Hàn Quốc đang tìm cách củng cố khả năng phòng vệ trước mối đe dọa từ chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên.
Ý kiến bạn đọc