(VnMedia) – Các đồng minh của Mỹ ở Châu Á đang đau đầu vì vấn đề liên quan đến chiếc chiến đấu cơ tối tân F-35 của Lầu Năm Góc. Họ đang trông chờ sớm được nhận những chiếc máy bay chiến đấu đỉnh cao này để thay thế cho những phi đội chiến đấu cơ già nua. Đây là một phần trong kế hoạch nhằm tăng cường khả năng đối phó với Trung Quốc.
Tuy nhiên, điều khiến các đồng minh của Mỹ ở Châu Á lo ngại là họ có khả năng phải “dài cổ” ngóng đợi thêm ít nhất 7 năm nữa mới có được trong tay những chiếc F-35 làm vũ khí răn đe chiến lược trước Trung Quốc.
Máy bay chiến đấu F-35 |
F-35 - lựa chọn tốt nhất?
Một sĩ quan quân đội cấp cao nhất của Nhật Bản hôm qua (27/3) tuyên bố, chiến đấu cơ F-35 của hãng Lockheed Martin, Mỹ, là lựa chọn tốt nhất cho nhu cầu quốc phòng của cường quốc Châu Á này.
Phát biểu trên được ông Shigeru Iwasaki - Tổng Tham mưu trưởng Liên quân Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, đưa ra sau khi có thông tin một số nước từng đặt hàng F-35 của Mỹ đang có ý định xem xét lại kế hoạch của họ.
Ông Iwasaki cho biết: “Khi tôi đứng đầu Lực lượng Không quân, tôi đã đưa ra quyết định mua F35 của Mỹ. Chúng tôi đã lên kế hoạch và sau đó Bộ trưởng Quốc phòng đã phê duyệt”. Ông Iwasaki vốn từng là một cựu phi công lái máy bay chiến đấu F-15 – máy bay chiến đấu trụ cột hiện nay của Nhật Bản.
"Có rất nhiều ứng cử viên khác nhau. Tuy nhiên, tôi vẫn tin tưởng F-35 là chiến đấu cơ tốt nhất khi chúng tôi nghĩ đến tương lai an ninh quốc gia", Tổng Tham mưu trưởng Liên quân Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản cho hay.
Ngoài Nhật Bản, một loạt nước Châu Á khác cũng đang đặt hàng những chiếc phi cơ chiến đấu thiện chiến F-35 của Mỹ. Australia đã đặt hàng mua đến 100 chiếc F-35 của Mỹ trong khi Singapore có mong muốn mua hơn một chục chiếc phi cơ chiến đấu tối tân này.
Sở dĩ các đồng minh Châu Á của Mỹ thèm khát có được những chiếc F-35 vì nó được đánh giá là một trong 10 máy bay chiến đấu đáng gờm nhất thế giới hiện nay.
Chiến đấu cơ F-35 do hãng Lockheed Martin thiết kế và phát triển dựa trên phiên bản máy bay X-35 trước đó, nằm trong dự án hợp tác phát triển chiến đấu cơ tiêm kích giữa Anh, Mỹ và một số chính phủ liên minh khác. Đây là loại chiến đấu cơ tiêm kích đa năng tàng hình hiện đại và cơ động bậc nhất thế giới. Máy bay này được phát triển để thực hiện các nhiệm vụ như tấn công các mục tiêu trên mặt đất, trinh sát và phòng không.
Các thông số kỹ thuật của F-35 cho thấy đây là một thế hệ máy bay tàng hình vượt bậc, với chiều dài khoảng 15m, có sức chứa trong hơn 7.200 lít nhiên liệu và có thể bay với tốc độ lên tới hơn 1.920 km/h. Vũ khí mà F-35 được trang bị cũng hết sức tối tân, bao gồm 1 khẩu pháo GAU-12/U 25 mm - gắn từ 180 quả đạn đến 220 quả đạn tùy phiên bản nâng cấp. F35 được trang bị tên lửa, bom nhiều hơn và một thùng nhiên liệu phụ. Trong thân máy bay, tối đa có 4 tên lửa đối không AIM-120 AMRAAM, AIM-9X Sidewinder hay AIM-132 ASRAAM hoặc 2 tên lửa đối không và 2 tên lửa đối đất.
Tập đoàn Lockheed Martin của Mỹ từng tự tin tuyên bố loại máy bay tiêm kích tàng hình F-35 mới của họ có thể tiêu diệt các hệ thống tên lửa phòng không S-300 của Nga - một trong những hệ thống tên lửa phòng không hiện đại nhất trên thế giới.
Khi các khách hàng Châu Á đặt hàng F-35, các cuộc tranh chấp lãnh thổ ở khu vực này vẫn chưa nổi lên. Gần đây, Trung Quốc và Nhật Bản có cuộc đối đầu quyết liệt vì tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông. Trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng tăng cường sức mạnh quân sự và ngày càng hiếu chiến hơn trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ thì nhu cầu có được trong tay vũ khí át chủ bài như F-35 càng trở nên lớn hơn với Nhật Bản. Bản thân các nước Châu Á đang đặt mua F-35 cũng mong muốn hợp đồng này được triển khai nhanh bởi họ cảm thấy ngày càng bất an trước một Trung Quốc lớn mạnh và “hung hăng”.
Châu Á dài cổ đợi F-35
Tuy nhiên, các nước đồng minh của Mỹ ở Châu Á càng ngóng trông F-35 thì có vẻ như viễn cảnh mà họ có được trong tay vũ khí tối tân này ngày càng trở nên xa hơn. Dự án 400 tỉ USD của Mỹ đang phải đối mặt với một loạt những trục trặc về kỹ thuật, sự trì hoãn và chi phí đội lên rất nhiều. Hiện giờ, Mỹ đang tích cực cắt giảm ngân sách cho quốc phòng. Điều này khiến Washington có nguy cơ phải cắt giảm chính cả hợp đồng của mình. Trước đó, Lầu Năm Góc có ý định đặt hàng tới gần 2.500 chiếc chiến đấu cơ F-35 của tập đoàn Lockheed Martin Corp. Nếu thành công, Lockheed Martin sẽ trở thành công ty chế tạo vũ khí quân sự đạt được hợp đồng lớn nhất trong lịch sử với tổng giá trị khoảng 323 tỉ USD.
Ngoài chính Mỹ, các nước khác cũng đang có ý định xem xét lại kế hoạch đặt mua F-35 do giá cả bị đội lên và sự trục trặc, trì hoãn của dự án này. Hà Lan được cho là một trong số những nước đang xem xét cắt giảm số lượng chiến đấu cơ F-35 mà họ đặt mua từ Mỹ. Lý do mà Hà Lan đưa ra cho sự cắt giảm này là do giá cả của F-35, sự chậm chễ của dự án cũng như vấn đề liên quan đến cắt giảm ngân sách quốc phòng đang diễn ra khắp Châu Âu và tính không ổn định trong chiến lược quốc phòng của Hà Lan.
Australia cũng đang có ý định giảm số lượng F-35 đặt mua từ Mỹ. Thay vì 100 chiến đấu cơ F-35 như ý định ban đầu, Australia sẽ đặt từ 50-70 chiếc.
Việc các nước có ý định cắt giảm hoặc ngừng mua F-35 đang khiến các quan chức Mỹ thực sự lo ngại bởi điều đó có thể gây ra “cái chết” cho dự án vũ khí lớn nhất của Lầu Năm Góc. Ở trường hợp lạc quan hơn, dù dự án phát triển F-35 không “chết” thì tình trạng ít đơn đặt hàng hơn đồng nghĩa với việc chi phí sẽ tiếp tục đội lên và sự trì hoãn sẽ còn tiếp tục. Cái vòng luẩn quẩn này cứ tiếp tục và các nước Châu Á tiếp tục phải dài cổ chờ đợi thứ vũ khí mà họ hy vọng có thể làm đối trọng với Trung Quốc.
Ý kiến bạn đọc