BRICS hướng tới vai trò lãnh đạo thế giới

14:41, 30/03/2013
|

Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế mới nổi phát triển nhất thế giới BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) vừa kết thúc ở Durban (Nam Phi) đã hướng tới mục tiêu trở thành một trong những nhà lãnh đạo thế giới trong tương lai gần.

Quả vậy, Hội nghị Durban, với chủ đề BRICS và châu Phi: Đối tác vì Phát triển, Hội nhập và Công nghiệp hóa đã đánh dấu một bước chuyển mình mới và ngoạn mục của BRICS.  Theo nhận xét của phóng viên kinh tế công tác tại hãng tin BBC, tại hội nghị thượng đỉnh mới nhất, các nhà lãnh đạo 5 nước BRICS muốn nhấn mạnh trật tự kinh tế thế giới đang thay đổi và BRICS đã trở thành trung tâm của cuộc cách mạng này. Điều đó thể hiện ngay trong ngày họp đầu tiên, các nhà lãnh đạo BRICS đã đạt được thỏa thuận thành lập Ngân hàng Phát triển BRICS nhằm mục đích cung cấp tài chính cho các dự án hạ tầng kỹ thuật lớn của các nước thành viên.

Mặc dù nhóm vẫn cần phải đàm phán thêm trước khi hoàn thiện thỏa thuận, nhưng người ta không thể phủ nhận được rằng, việc thành lập ngân hàng riêng là một dự án lớn của BRICS và là bước đi đầu tiên của nhóm nhằm hợp nhất các chính sách kinh tế của 5 nền kinh tế mới nổi. Dự tính, ngân hàng mới sẽ được cấp vốn khoảng 50 tỷ USD, trong đó mỗi nước đóng góp 10 tỷ USD. Trong bối cảnh kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái, châu Âu ngày càng lún sâu vào khủng hoảng nợ công, việc ra đời ngân hàng phát triển chung của BRICS được cho là nhằm đối trọng với các định chế tài chính mà phương Tây thống trị suốt nhiều thập kỷ qua. Hiện các thể chế như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đều đang đứng trước những yêu cầu cấp bách phải cải cách mạnh mẽ để bảo đảm tốt hơn lợi ích của các nước đang phát triển và kém phát triển. Chính vì vậy, Ngân hàng Phát triển BRICS ra đời sẽ là một bước đi cụ thể nhằm hướng tới mục tiêu thiết lập một trật tự toàn cầu công bằng hơn. Một ngân hàng chung sẽ cho phép các nước BRICS có nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng và công cụ tín dụng để đối phó với các cuộc khủng hoảng như châu âu hiện đang phải đối mặt.

Bên cạnh đó, BRICS cũng thành lập một quỹ dự phòng khẩn cấp trị giá 100 tỷ USD. Trong số đó, Trung Quốc sẽ đóng góp 41 tỷ USD, chiếm khoảng 40%; Brazil, Nga và Ấn Độ mỗi nước đóng góp 18 tỷ USD, Nam Phi đóng góp 5 tỷ USD. Theo thỏa thuận ký kết giữa 5 nước, quỹ này sẽ được sử dụng cho các nhu cầu khẩn cấp, bất ngờ và có thể thay thế vai trò của IMF. Khoản đóng góp vào quỹ sẽ trở thành một phần dự trữ của ngân hàng trung ương các nước thành viên. Ngoài ra, BRICS cũng dự định thành lập Hội đồng Doanh nghiệp BRICS và Hội đồng Tư vấn BRICS. Nhóm còn thảo luận về việc xây dựng một tuyến cáp quang nối trực tiếp các nước thành viên với nhau dài 28.400km để “xóa bỏ sự phụ thuộc vào các nước phát triển như là những điểm kết nối”.

Không chỉ trong các vấn đề kinh tế, BRICS cũng đang từng bước khẳng định vai trò trong việc giải quyết các vấn đề chính trị toàn cầu mà thách thức trước mắt là cuộc khủng hoảng Syria, nơi cuộc nội chiến kéo dài hơn 2 năm qua ngày càng trở nên nghiêm trọng bất chấp những nỗ lực của cộng đồng quốc tế. Mới đây, trong một bức thư gửi tới  Hội nghị cấp cao của nhóm BRICS, Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã kêu gọi nhóm này giúp chính phủ của ông khôi phục an ninh và ổn định đất nước.

Có thể thấy, các nước BRICS mong muốn hợp tác với nhau là do lợi ích chung thúc đẩy. Nhưng những khác biệt đang tồn tại khiến họ khó có thể biến các lợi ích chung thành một kế hoạch hành động chung. Ngay cả vấn đề lập ngân hàng, mặc dù đã được nhất trí trên nguyên tắc về việc thành lập nhưng nhiều người cho rằng, Trung Quốc đang công khai tìm cách kiểm soát ngân hàng này khiến Ấn Độ và Nga khó chấp nhận. Tiếp đến là việc các nước BRICS dù không hài lòng về quy chế coi đồng USD như đồng tiền dự trữ của thế giới nhưng lại không nhất trí được về cách thức phản ứng trong vấn đề này. Cấu trúc BRICS giúp Trung Quốc có cơ sở để mở rộng vai trò quốc tế của đồng nhân dân tệ. Tuy nhiên, việc dùng đồng nhân dân tệ lại có thể ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường sản xuất tại các nước thành viên khác, nhất là ấn Độ và Brazil. Ngoài ra, các nước BRICS cũng cạnh tranh quyết liệt về thị trường xuất khẩu khi đều coi Mỹ, châu Âu và Nhật Bản là thị trường xuất khẩu chủ chốt của mình…

Dẫu vậy, kể từ khi được thành lập đến nay, không thể phủ nhận tốc độ lớn mạnh quá nhanh chóng của BRICS. Trong suốt 20 năm qua, các nước thành viên BRICS luôn dẫn đầu thế giới về tăng trưởng kinh tế. Điều đó có nghĩa là, BRICS hoàn toàn đủ khả năng trở thành “yếu tố quan trọng làm thay đổi cuộc chơi và ổn định thế giới” trong tương lai.

 Hiện, dân số các nước BRICS chiếm 42% tổng dân số thế giới, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chiếm 25% GDP thế giới và chiếm 15% tổng kim ngạch thương mại toàn cầu. Hội nghị thượng đỉnh BRICS được tổ chức mỗi năm một lần, bắt đầu từ năm 2009. Hội nghị lần thứ tư được tổ chức tại Ấn Độ và hội nghị tiếp theo sẽ được tổ chức tại Brazil vào năm 2014.


Báo Điện tử VnMedia

Ý kiến bạn đọc