Biển Hoa Đông nóng trước “đòn” khiêu khích mới của Trung Quốc

11:01, 04/03/2013
|

(VnMedia) - Nỗi quan ngại của Nhật Bản về một cuộc xung đột với Trung Quốc ở quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư ngày một tăng lên nhanh chóng khi Bắc Kinh tiếp tục có hành động khiêu khích mới. Theo đó, Trung Quốc đưa một loạt tàu mang theo trực thăng đến vùng lãnh hải quanh quần đảo tranh chấp ở biển Hoa Đông gần như hàng ngày.
 

 Ảnh minh họa

 Những chiếc tàu có khả năng mang theo trực thăng của Trung Quốc đang trở thành mối lo ngại của Nhật Bản.


Các quan chức ở Tokyo lo sợ rằng, nếu một tàu Trung Quốc cho trực thăng cất cánh trong khi đang xâm phạm vùng lãnh hải Nhật Bản thì hành động đó có thể đưa cuộc tranh chấp giữa hai cường quốc hàng đầu Châu Á leo lên một nấc thang mới.
 
Lực lượng Bảo vệ Bờ biển và Bộ Quốc phòng Nhật Bản hiện đang theo dõi chặt chẽ nhất cử nhất động các chuyến đi tuần tra, giám sát của tàu Hải giám 50 của Trung Quốc. Đây là con tàu có thể mang theo trực thăng của Trung Quốc.
 
Tàu Hải giám 50 thuộc sự quản lý của Cơ quan Giám sát Hàng Hải Trung Quốc – một đơn vị trực thuộc Cục Hải dương Nhà nước Trung Quốc. Con tàu này đã lượn lờ ở vùng tiếp giáp lãnh hải sát vùng biển của Nhật Bản quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trong suốt 10 ngày trong tháng 2. Trong số những chuyến đi tuần tra này, tàu Hải giám 50 đã xâm phạm vùng lãnh hải của Nhật Bản trong 4 ngày, phía Nhật Bản cho biết.
 
Phía Nhật Bản đã rất lo ngại trước một sự kiện xảy ra hôm 18/2 khi Hải giám 50 mở cửa khu vực để trực thăng khi con tàu này tiếp cận sát đến mức chỉ còn cách 1km về phía đông nam với đảo Uotsurishima – hòn đảo lớn nhất trong quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông.
 
Nếu một chiếc trực thăng cất cánh từ Hải giám 50 khi con tàu này đang ở vùng lãnh hải của Nhật Bản thì đây là sự tiếp nối thêm nữa trong một loạt hành động xâm phạm nghiêm trọng không phận Nhật Bản của máy bay Trung Quốc gần đây, các quan chức Nhật Bản cho biết. Trong một kịch bản đáng báo động hơn nữa, trực thăng của Trung Quốc đã có thể hạ cánh ở hòn đảo Uotsurishima, các quan chức Nhật nói thêm.
 
Đây không phải là lần đầu tiên tàu Hải giám 50 của Trung Quốc đe dọa triển khai trực thăng ở vùng tranh chấp với Nhật. Trước đó, hôm 25/12 năm ngoái, Hải giám 50 từng có động thái tương tự khi đi vào vùng tiếp giáp ngoài khơi quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
 
Nếu một máy bay Trung Quốc bay về phía không phận Nhật Bản, Lực lượng Bảo vệ Nhật Bản có thể áp dụng thực hiện đòn phản ứng tiêu chuẩn. Theo đó, Nhật Bản sẽ theo dõi máy bay Trung Quốc bằng hệ thống radar và sẽ phái một chiến đấu cơ cất cánh khẩn cấp từ căn cứ Naha cách đó 410km đến để chặn đầu máy bay Trung Quốc.
 
Tuy nhiên, nếu một chiếc trực thăng cất cánh từ một con tàu trong vùng lãnh hải của Nhật Bản thì Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản “chắc chắn sẽ không phản ứng kịp” để đối phó và đưa ra hành động đáp trả thích hợp, một quan chức Nhật Bản cho biết.
 
Ngoài Hải giám 50, tàu Yuzheng 206 – một trong những chiếc tàu hải giám lớn nhất được chuyển từ tàu hải quân hồi tháng 12 năm ngoái, cũng đã liên tục ra vào vùng tiếp giáp lãnh hải với Nhật Bản trong 8 ngày hồi tháng 2 vừa rồi. Yuzheng 206 đã xâm phạm vùng lãnh hải Nhật Bản 3 trong số 8 ngày nói trên.
 
Yuzheng 206 là tàu của Cục Ngư nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp Trung Quốc. Con tàu này cũng có thể mang theo trực thăng như Hải giám 50. “Vì tàu Yuzheng 206 có trọng tải 5.000 tấn nên có thể hoạt động bất chấp điều kiện thời tiết”, một quan chức của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản cho biết.
 
Những vụ xâm phạm lãnh hải của hai chiếc tàu Trung Quốc có thể mang theo trực thăng nói trên đang khiến Tokyo hết sức lo lắng. Vì đây không phải là những con tàu hải quân nên hành động của những con tàu này thuộc phạm vi xử lý của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản chứ không phải là Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản. Tuy nhiên, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản lại không được phép đáp trả trong trường hợp xảy ra một vụ xâm phạm không phận hay một máy bay của Trung Quốc hạ cánh tại một trong số những hòn đảo thuộc Senkaku/Điếu Ngư.
 
Tokyo được cho là đang phải lên kế hoạch đối phó với diễn biến mới, trong đó Trung Quốc liên tục đưa tàu hải giám có khả năng mang theo trực thăng vào vùng tranh chấp.
 
Đại sứ Trung Quốc vẫn “lạc quan” về quan hệ với Nhật
 
Trong khi cuộc tranh chấp ở biển Hoa Đông giữa Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục kéo dài dai dẳng với những diễn biến đáng lo ngại mới, Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản – ông Cheng Yonghua hôm qua (3/3) vẫn bày tỏ sự lạc quan về triển vọng phát triển quan  hệ song phương giữa hai nước trong tương lai.
 
Ông Cheng thừa nhận, nhiệm vụ của ông với tư cách là Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản “rất phức tạp, nhạy cảm và khó khăn” trong thời điểm hiện tại. “Tuy nhiên, tôi vẫn lạc quan rằng, về cơ bản, hai nước sẽ tiếp tục duy trì mối quan hệ thân thiện trong tương lai”, ông Cheng đã nói như vậy trong một bài trả lời phỏng vấn dành riêng cho tờ Tân Hoa xã.
 
Theo Đại sứ Cheng, "điều mà hai nước cần lúc này là tăng cường khả năng kiểm soát khủng hoảng và tránh để những diễn biến bất ngờ vượt ra khỏi tầm kiểm soát”. Ông Cheng hiện đang ở thủ đô Bắc Kinh để tham dự kỳ họp thường niên thứ nhất Quốc hội khóa 12 của Trung Quốc.
 
Sau những phát biểu lạc quan trên, Đại sứ Cheng không quên chỉ trích Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ông này cho rằng, cuộc tranh chấp quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư do Nhật Bản châm ngòi hồi cuối năm ngoái đã “không được xử lý tốt” bởi chính quyền của Thủ tướng Abe. Theo ông Cheng, cuộc tranh chấp hiện nay là “thách thức lớn nhất trong quá trình cải thiện quan hệ song phương Trung-Nhật”.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc