Trung Quốc nhăm nhe đưa trực thăng tuần biển

18:53, 09/02/2013
|

(VnMedia) - Tàu hải giám Trung Quốc năm ngoái rõ ràng đã chuẩn bị triển khai trực thăng bên trong vùng lãnh hải Nhật Bản. Đây là sự đe dọa trực tiếp đối với chủ quyền Nhật Bản và đặt Tokyo vào tình thế buộc phải tìm cách đối phó, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản – ông Satoshi Morimoto hôm qua (8/2) đã nói như vậy.

 

Thông thường việc các chính phủ nước ngoài trong một số tình huống có thể tự do đưa tàu thuyền vào vùng lãnh hải của các nước khác nhưng việc xâm nhập vào không phận của nước khác là một sự vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của một đất nước.

 

Trong vụ việc mới nhất khi tàu Trung Quốc chĩa radar tên lửa vào tàu chiến và trực thăng Nhật Bản, không trực thăng nào cất cánh. Tuy nhiên, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Morimoto cho biết, ông xem những động thái vừa rồi của Bắc Kinh là một phần trong những bước đi có tính toán nhằm làm leo thang căng thẳng trong vùng biển quanh quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.

 

Theo đánh giá của ông Morimoto, sự kiện tàu Trung Quốc chĩa radar tên lửa vào tàu khu trục và trực thăng của Nhật Bản là một bước đi khiêu khích tương tự như hành động xâm phạm không phận.

 

Ông Morimoto giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng từ tháng 6 đến tháng 12 năm 2012 dưới thời chính quyền do Đảng Dân chủ Nhật Bản dẫn dắt.

 

Trung Quốc và Nhật Bản đều đòi chủ quyền đối với một quần đảo ở biển Hoa Đông mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, còn Nhật Bản thì gọi là Senkaku. Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hiện đang nằm dưới sự quản lý của Tokyo .

 

Một nguồn tin từ chính phủ Nhật Bản cho biết, việc Trung Quốc cho trực thăng cất cánh bay vào không phận Nhật Bản là một kịch bản đáng lo ngại bởi đó là một cách Trung Quốc có thể xâm phạm chủ quyền của Nhật Bản mà ít bị trả đũa. Tokyo hiện chưa có phương tiện thực sự hiệu quả để ngăn cản trực thăng cất cánh từ một con tàu.

 

Từ năm 2010, chính phủ Nhật Bản đã cân nhắc nhiều cách để giải quyết kịch bản trên.

 

Nhìn về phía trước, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Morimoto cho biết, ông tin là Trung Quốc sẽ có thêm nhiều hành động khiêu khích và thông qua đó sẽ đo độ phản ứng của Tokyo .

 

"Trung Quốc thậm chí có thể chặn tàu của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản và bắt giữ các thành viên thủy thủ đoàn”, ông Morimoto nói.

 

Theo cựu Bộ trưởng Quốc phòng, Nhật Bản cần tăng cường các hoạt động tuần tra, giám sát. Ngoài ra, nước này cũng cần phải bảo đảm liên minh Mỹ-Nhật luôn phát huy hiệu quả tối đa. Trên bình diện tổng thế chung, Nhật cần tránh tạo cơ hội cho Bắc Kinh cáo buộc Tokyo nổ phát súng đầu tiên. “Tôi lo ngại rằng, Trung Quốc sẽ tiếp tục khiêu khích Nhật Bản” để thực hiện được ý đồ của họ, ông Morimoto nói thêm.

 

Nỗi quan ngại của ông Morimoto về sự đe dọa của trực thăng Trung Quốc là có cơ sở bởi hồi đầu tháng 1 vừa rồi, trong bối cảnh căng thẳng với Nhật Bản leo thang vì tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông, quân đội Trung Quốc đã ra lệnh cho các đơn vị trực thăng được vũ trang của nước này chuyển từ trạng thái phục vụ các nhiệm vụ hậu cần sang chế độ chiến đấu.

Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA) đã lên kế hoạch thay đổi chiến lược huấn luyện cho các đơn vị trực thăng của quân đội khi ngày càng có nhiều trực thăng được vũ trang tham gia vào lực lượng này, tờ Nhật báo PLA – cơ quan ngôn luận chính thức của quân đội Trung Quốc, đưa tin.

Trọng tâm của đơn vị trực thăng của quân đội sẽ được chuyển từ các nhiệm vụ hậu cần sang các nhiệm vụ chiến đấu, từ xây dựng năng lực cho các hành động quân sự không liên quan chiến đấu đến các hoạt động quân sự then chốt, hãng tin Tân Hoa xã dẫn nguồn tin từ tờ Nhật báo PLA cho biết.

Theo chiến lược mới, các đơn vị trực thăng sẽ tập trung vào những nhiệm vụ chính như tham gia các chiến dịch tầm xa, xa bờ có quy mô lớn; phối hợp tấn công cùng với các đơn vị khác; và tham gia vào các chiến dịch không quân lớn. Ngoài ra, các đơn vị trực thăng cũng sẽ được củng cố năng lực hoạt động dựa trên công nghệ thông tin.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc