Trung Quốc "giật mình thon thót" vì Mỹ quan tâm?

08:22, 14/02/2013
|

(VnMedia) - Năm qua chứng kiến Mỹ tích cực đẩy mạnh các bước đi trong chiến lược chuyển hướng trọng tâm vào Châu Á, trong đó có hoạt động rầm rộ triển khai quân và vũ khí ở một loạt các nước trong khu vực. Diễn biến trên đã khiến Trung Quốc – cường quốc số 1 Châu Á, luôn ở trong trạng thái “giật mình thon thót”. Bắc Kinh tin rằng, Mỹ đang bủa vây, thắt chặt vòng “kiềm tỏa” xung quanh họ.
 

 Ảnh minh họa

Từ tuyên bố...

 
Ngay trong những ngày đầu tiên của năm 2012 (5/1), Tổng thống Mỹ Barack Obama đã công khai tuyên bố sẽ tiếp tục tăng cường sự hiện diện quân sự tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
 
"Chúng tôi sẽ tăng cường sự hiện diện quân sự ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và sự cắt giảm ngân sách sẽ không ảnh hưởng đến chiến lược của chúng tôi ở khu vực quan trọng này", ông Obama đã nói như vậy về chiến lược quốc phòng mới của Mỹ. Theo chiến lược này, Mỹ sẽ xây dựng một quân đội nhỏ gọn hơn nhưng tinh vi và thiện chiến hơn để tập trung đối phó với sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc.
 
Tổng thống Obama tuyên bố, Mỹ đã lật sang một trang mới, để lại đằng sau một thập kỷ chiến tranh ở Iraq, Afghanistan và chiến lược quốc phòng mới của Mỹ là hướng tới Châu Á – nơi giới tướng lĩnh Mỹ đang lo lắng về sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc.
 
Theo các chuyên gia và các nhà phân tích, sở dĩ Washington tập trung vào khu vực Châu Á là do nước này lo ngại sức mạnh ngày càng tăng của Hải quân Trung Quốc cũng như kho vũ khí tên lửa chống hạm của cường quốc đông dân nhất thế giới này. Washington e ngại kho tên lửa chống hạm của Trung Quốc có thể gây nguy hại cho vị thế thống trị về quân sự của Mỹ ở Thái Bình Dương.
 
... đến hành động
 
Sau khi công khai tuyên bố về chiến lược quốc phòng mới với trọng tâm hướng về Châu Á và đối phó với một Trung Quốc đang lên, giới quan chức Mỹ cả năm qua đã hối hả, cấp tập triển khai chiến lược này
 
Ngay trong tháng 2/2012, Mỹ đã có cuộc tập trận hoành tráng, “dương oai diễu võ” ngay trước cửa ngõ Trung Quốc. Cuộc tập trận đa quốc gia mang tên Hổ mang Vàng lớn nhất Đông Nam Á đã được tổ chức ở miền đông Thái Lan từ ngày 7-17/2.
 
Hổ mang Vàng là cuộc tập trận quân sự thường niên với sự tham gia chính của quân đội 2 nước Thái Lan, Mỹ cùng với sự góp mặt của nhiều nước trong khu vực Châu Á. Tuy nhiên, cuộc tập trận Hổ mang Vàng lần này có quy mô lớn nhất từ trước tới nay. Có tới 13.180 binh lính đến từ nhiều quốc gia khác nhau đến tham gia vào cuộc tập trận Hổ mang Vàng năm 2012. Mỹ là nước đóng góp nhiều binh lính nhất với gần 9.000 người. Đứng thứ hai là Thái Lan với hơn 3.600 binh lính. Ngoài ra, Singapore, Nhật Bản, Indonesia, Hàn Quốc và Malaysia đều đưa quân đến Thái Lan tham gia cuộc tập trận.
 
Ngoài yếu tố quy mô lớn nhất từ trước đến nay, cuộc tập trận Hổ mang Vàng lần này còn bao gồm các màn diễn tập bắn đạn thật.
 
Việc Mỹ tiến hành một cuộc tập trận rầm rộ ở Thái Lan cùng với nhiều nước trong khu vực, trong đó có những nước đang có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, đã khiến Bắc Kinh khó chịu và tức giận. Nhiều người Trung Quốc cáo buộc, cuộc tập trận trên đã “đặt Trung Quốc ngay mũi kiếm”.
 
Tuy nhiên, cuộc tập trận trên chỉ là hành động mở màn cho một loạt bước đi và động thái của Mỹ khiến Trung Quốc “đứng ngồi không yên”.
 
Trong những ngày đầu tháng 4, Mỹ đã bắt đầu triển khai việc đưa lính thủy đánh bộ đến Australia theo một thỏa thuận mà hai nước này đã đạt được hồi cuối năm 2011. Khoảng 200 lính thủy đánh bộ Mỹ đã đến Australia để thực hiện nhiệm vụ trong vòng 6 tháng. Đây là đợt triển khai quân đầu tiên trong số 2.500 binh lính sẽ được cử đến căn cứ Darwin như một phần của kế hoạch tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Châu Á-Thái Bình Dương.
 
Việc Mỹ đưa lính thủy đánh bộ đến phía bắc Australia đã làm Trung Quốc sôi sùng sục vì tức giận. Giới lãnh đạo Trung Quốc tin rằng, kế hoạch triển khai quân đến Australia của Mỹ là nhằm bao vây và kiếm chế sự nổi lên của nước này với tư cách là một cường quốc thế giới.
 
Cảng nhiệt đới Darwin nằm cách Indonesia khoảng 800km. Với sự hiện diện ở cảng Darwin, lính thủy đánh bộ Mỹ có thể phản ứng nhanh chóng với bất kỳ vấn đề an ninh và nhân đạo nào ở khu vực Đông Nam Á – nơi đang có một loạt cuộc tranh chấp nóng bỏng về chủ quyền ở Biển Đông.
 
Theo các nhà phân tích, dù số quân Mỹ triển khai đến Australia là nhỏ nhưng nó sẽ giúp Mỹ có nhiều lựa chọn hơn ở Châu Á bởi nước này đã có được một loạt các căn cứ ở các nước Châu Á khác gồm Hàn Quốc, Nhật Bản và thiết lập được mối quan hệ chiến lược với Singapore và Philippine.
 
Tiếp tục gây khó chịu cho Trung Quốc, hồi tháng 6 năm ngoái có tin, Mỹ núp bóng NASA để "ém" quân tại Thái Lan. Cụ thể, Lầu Năm Góc Mỹ được cho là đang ấp ủ một kế hoạch bí mật liên quan đến Trung Quốc ở căn cứ hải quân U-Tapao của Thái Lan. Đây là căn cứ mà chính phủ Thái Lan vừa mới đây đã cho phép NASA – Cơ quan Hàng Không Vũ trụ Mỹ, sử dụng.
 
Mặc dù các quan chức ở cả Mỹ và Thái Lan đều đã lên tiếng bác bỏ tin đồn trên nhưng Bắc Kinh không thể xóa bỏ những hoài nghi và không thể không cảm thấy bất an. Làm sao Bắc Kinh có thể tin rằng việc Mỹ đưa máy bay vào căn cứ trên đất Thái Lan không liên quan gì đến họ bởi động thái này diễn ra đúng trong thời điểm nhạy cảm khi Washington đang tích cực đẩy mạnh các hoạt động chuyển hướng trọng tâm vào Châu Á và thực hiện chiến lược đối phó với Trung Quốc.
 
Hành động tiếp nối hành động, năm 2012 quả là năm không “yên” của Trung Quốc. Trong tháng 9, giới quan chức Mỹ tiết lộ, họ đang có kế hoạch lần đầu tiên nối lại các chuyến thăm của tàu chiến Mỹ đến New Zealand kể từ năm 1984 đến giờ, tiến hành nhiều hơn các cuộc tập trận hải quân và huấn luyện chung ở Nam Thái Bình Dương.
 
Song song với các động thái trên, Mỹ tiếp tục đẩy mạnh sự hiện diện quân sự ở Nhật Bản, Philippines và kể cả Singapore. Lầu Năm Góc đang tái tổ chức lại 9.000 lính thủy đánh bộ thành 4 lực lượng đặc nhiệm đóng tại đảo Hawaii, đảo Okinawa của Nhật trên cơ sở luân phiên 6 tháng một lần. 3 phi đội máy bay chiến đấu tối tân F-22 – một loại chiến đấu cơ thiện chiến không thể thiếu khi đối đầu với Trung Quốc, cũng được Mỹ đưa vào kế hoạch triển khai đến khu vực Châu Á.
 
Hải quân Mỹ còn đưa 4 tàu chiến vũ trang hạng nhẹ loại mới đến Singapore. Những con tàu này sẽ hoạt động ở Eo biển Malacca chiến lược nằm giữa Malaysia và đảo Sumatra của Indonesia, và khu vực Biển Đông – nơi đang “dậy sóng” bởi những cuộc tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và các nước láng giềng.
 
Chính quyền Tổng thống Obama cũng đang đàm phán với chính phủ Philippines để có thể đưa quân Mỹ quay trở lại căn cứ hải quân ở Vịnh Subic và căn cứ không quân Clark.
 
Tất cả những động thái triển khai quân và vũ khí rầm rộ của Mỹ ở Châu Á đã khiến Trung Quốc thực sự lo lắng. Nước này liên tục cáo buộc Washington đang tìm cách bao vây, kiềm chế họ. Trung Quốc đã không ít lần lần lên tiếng chỉ trích, đe dọa và cảnh báo Mỹ nhưng một mặt Mỹ bác bỏ cáo buộc của Bắc Kinh, mặt khác vẫn tiếp tục đẩy mạnh triển khai kế hoạch bủa vây Trung Quốc.


Kiệt Linh

Ý kiến bạn đọc