Trung Quốc dọa không để yên cho Nhật Bản

07:44, 22/02/2013
|

(VnMedia) - Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong một cuộc trả lời phỏng vấn gần đây đã nói rằng, chính phủ Trung Quốc có nhu cầu đã trở thành “thâm căn cố đế” trong việc tăng cường các cuộc xung đột với Nhật Bản và các nước Châu Á khác như một cách để đảm bảo sự ủng hộ của người dân cho sự lãnh đạo của họ.

Đáp lại, Trung Quốc tuyên bố sẽ không “để yên cho Nhật Bản bóp méo chính sách ngoại giao” của họ cũng như “đưa ra những động thái thù địch liên quan đến tranh chấp chủ quyền”.

 

 Ảnh minh họa

 
Thủ tướng Shinzo Abe


Phát biểu gây sóng gió của Thủ tướng Nhật Bản

 
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo sẽ có chuyến thăm đến Mỹ và gặp gỡ Tổng thống Barack Obama trong ngày hôm nay (22/2) trong một nỗ lực nhằm củng cố quan hệ đồng minh Mỹ-Nhật trước mối đe dọa ngày càng tăng từ Trung Quốc. Trước thềm chuyến thăm, ông Abe đã trả lời phỏng vấn tờ Washington Post của Mỹ, trong đó ông đã đưa ra một số phát biểu khiến Bắc Kinh "nổi giận đùng đùng".
 
Trong cuộc trả lời phỏng vấn nói trên, ông Abe cho rằng, Trung Quốc có nhu cầu “thâm căn cố đế” trong việc tăng cường các cuộc xung đột với Nhật Bản và các nước láng giềng Châu Á vì tranh chấp lãnh thổ bởi giới lãnh đạo nước này “muốn sử dụng các cuộc tranh chấp đó để duy trì sự ủng hộ mạnh mẽ trong nước”.
 
Theo lời Thủ tướng Abe, những cuộc đối đầu với các nước láng giềng, đặc biệt là Nhật Bản, sẽ giúp giới lãnh đạo Trung Quốc thu hút sự ủng hộ của người dân bởi hệ thống giáo dục Trung Quốc nhấn mạnh đến tình yêu nước và “tình cảm chống Nhật”.
 
Ông Abe đã chỉ ra cái mà ông gọi là “động cơ đằng sau những hành động hiếu chiến của Trung Quốc gần đây” trong các cuộc tranh chấp biển để lý giải cho việc tại sao ông này dồn nỗ lực nhiều hơn vào việc chống Trung Quốc thay vì làm hòa với nước này. Thủ tướng Nhật nghĩ rằng, cuộc tranh chấp nóng bỏng giữa nước ông với Trung Quốc xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông sẽ không sớm kết thúc.
 
Trong những phát biểu được cho là “bất thường” của ông Abe về Trung Quốc, ông này cũng đã nói chi tiết về những thách thức mà giới lãnh đạo ở Bắc Kinh sẽ phải đối mặt nếu các quốc gia Châu Á khác do cảm thấy bất an trước sự bành trướng trên biển của Bắc Kinh quyết định giảm thương mại và các mối quan hệ kinh tế khác với Trung Quốc. “Chính phủ Trung Quốc sẽ bị tổn thương trước những động thái như thế bởi không có sự phát triển kinh tế, Trung Quốc sẽ không thể kiểm soát được 1,3 tỉ dân dưới sự lãnh đạo của họ”, ông Abe nói.
 
Thủ tướng Nhật Bản cũng đưa ra một loạt kế hoạch răn đe, ngăn chặn, trong đó bao gồm việc tăng chi tiêu ngân sách quốc phòng, củng cố quan hệ với Thái Lan, Indonesia và nhiều nước khác có chung mối quan ngại về Bắc Kinh. Ông Abe nhấn mạnh, sự hiện diện của Mỹ ở Châu Á “có tính sống còn” trong việc ngăn chặn Trung Quốc “chiếm các vùng lãnh thổ đang nằm trong sự kiểm soát của các nước khác”.
 
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đóng vai trò ngày càng náo nhiệt ở Biển Đông khi đòi hỏi chủ quyền đối với hầu hết khu vực biển chiến lược và giàu tài nguyên này. Đối với Nhật Bản, Trung Quốc tập trung vào cuộc tranh chấp ở một quần đảo trên biển Hoa Đông mà Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư còn Tokyo gọi là Senkaku.
 
Thủ tướng Abe cho rằng, “điều quan trọng trước tiên là phải làm cho Trung Quốc nhận thấy rằng, họ sẽ không thể thay đổi được luật chơi hoặc chiếm lãnh thổ của nước khác bằng cách ép buộc hay dọa dẫm”.
 
Bắc Kinh nổi giận
 
Những phát biểu mạnh mẽ và cứng rắn của Thủ tướng Abe đã khiến Bắc Kinh thực sự nổi giận. Một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm qua (21/2) đã tuyên bố, Nhật Bản cần phải làm rõ và có lời giải thích về những phát biểu vừa được Thủ tướng Abe đưa ra liên quan đến Trung Quốc.
 
"Phía Trung Quốc cảm thấy rất kinh ngạc trước những phát biểu kiểu đó. Việc lãnh đạo của một nước thẳng thừng tấn công nước láng giềng và khích động sự thù địch là điều rất hiếm”, phát ngôn viên Hồng Lỗi cho biết tại một cuộc họp báo định kỳ. Theo ông này, những hành động như thế đi ngược lại ý chí của cộng đồng quốc tế.
 
Trong một phát biểu thể hiện sự phản đối mạnh mẽ hơn, phát ngôn viên Hồng Lỗi cảnh báo, Trung Quốc cam kết phát triển quan hệ với Nhật Bản nhưng sẽ “không ngồi yên để nhìn Nhật Bản bóp méo chính sách ngoại giao của Trung Quốc hoặc có những hành động thù địch liên quan đến các vấn đề tranh chấp lãnh thổ”.
 
Sau vài ngày lắng dịu, cuộc tranh chấp lãnh thổ ở biển Hoa Đông giữa Trung Quốc và Nhật Bản có khả năng sẽ bị “khuấy động” trở lại khi Thủ tướng Nhật Bản Abe đến thăm Mỹ nhằm củng cố mối quan hệ liên minh then chốt giữa hai nước như một tiền đồn chống lại tham vọng hạt nhân của Triều Tiên và sự tranh chấp lãnh thổ của Trung Quốc.
 
Trong khi Mỹ luôn khẳng định không đứng về bên nào trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ ở Châu Á thì nước này vẫn tuyên bố quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang nằm dưới sự quản lý của Nhật Bản và vì vậy thuộc phạm vi trong thỏa thuận an ninh song phương Mỹ-Nhật. Cụ thể, theo thỏa thuận này, Mỹ phải có nghĩa vụ bảo vệ Nhật Bản nếu nước này bị một bên thứ ba tấn công.
 
Mỹ đặc biệt lo ngại về cuộc tranh chấp Trung-Nhật. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, cuộc tranh chấp đó “khiến Washington quan ngại sâu sắc bởi đó là một cuộc khủng hoảng có thể vượt ra khỏi ngoài tầm kiểm soát. Một nước này hoặc nước kia có thể sẽ hành động theo một cách làm cho cuộc khủng hoảng trở nên trầm trọng hơn”.
 
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, mặc dù Mỹ muốn khẳng định quan hệ đồng minh với Nhật là mạnh mẽ nhưng nước này “cũng không muốn cuộc tranh chấp Trung-Nhật đi quá xa theo hướng có thể gây khiêu khích cho Bắc Kinh. Đó là một tình huống thực sự nguy hiểm”.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc