Tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông: Bộ trưởng Philipines tuyên bố đầy thách thức

07:34, 23/02/2013
|

(VnMedia) - Bộ trưởng Quốc phòng Philippines hôm nay (23/2) tuyên bố đầy thách thức rằng, việc Trung Quốc từ chối tham gia tiến trình giải quyết cuộc tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông tại tòa án quốc tế sẽ có lợi cho Philippines.
 

 Ảnh minh họa

 Một cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Philippines ở Biển Đông


Theo lời ông Gazmin, quyết định của Trung Quốc sẽ làm dấy lên các câu hỏi tại sao nước này lại không muốn đối mặt với tòa án quốc tế. “Như vậy, đó sẽ là điều thuận lợi cho chúng tôi nếu họ từ chối tham gia vào phiên tòa này”.
 
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines cho rằng, việc đặt ra câu hỏi về lý do tại sao Trung Quốc không muốn đến tòa án quốc tế giải quyết tranh chấp là “phản ứng tự nhiên của mọi người”.
 
“Tiến trình giải quyết tranh chấp thông qua tòa án quốc tế sẽ được tiếp tục dù Trung Quốc bác bỏ điều này. Chúng tôi sẽ xúc tiến thực hiện các thủ tục để đưa cuộc tranh chấp ra giải quyết tại Liên Hợp Quốc bất chấp việc Trung Quốc có tham gia hay không”, ông Gazmin khẳng định.
 
Tháng trước, Philippines đã ra “đòn” bất ngờ và gây choáng váng cho Trung Quốc khi công khai tuyên bố sẽ đưa vụ tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông giữa hai nước ra giải quyết tại tòa án quốc tế theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS). Cụ thể, Manila muốn tòa án quốc tế phân xử việc Bắc Kinh đòi chủ quyền thái quá trên Biển Đông.
 
Trung Quốc đòi chủ quyền đối với hầu hết khu vực Biển Đông chiến lược và giàu tài nguyên bằng cách đưa ra bản đồ đường 9 đoạn hay còn gọi là đường lưỡi bò. Theo đường lưỡi bò này, Trung Quốc xâm lấn vào nhiều vùng lãnh thổ của các nước trong khu vực, đòi chủ quyền đối với hơn 100 hòn đảo lớn nhỏ, bãi đá và rặng san hô.
 
Philippines cùng với nhiều nước trong khu vực cũng như cộng đồng quốc tế tin rằng, đường 9 đoạn đòi hỏi chủ quyền đối với 90% lãnh thổ Biển Đông của Trung Quốc là hết sức phi lý và không thể chấp nhận được.
 
Manila hy vọng, tòa án quốc tế sẽ tuyên bố đường 9 đoạn vô lý của Trung Quốc là bất hợp pháp, đi ngược lại với UNCLOS 1982, từ đó sẽ ra phán quyết yêu cầu Bắc Kinh tôn trọng các quyền chủ quyền của Philippines đối với những vùng lãnh hải, lãnh thổ thuộc chủ quyền của nước này.
 
Philippines cũng yêu cầu Trung Quốc ngừng ngay lập tức các hành động bất hợp pháp, vi phạm chủ quyền và quyền tài phán của nước này.
 
Giải thích cho quyết định đưa cuộc tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông ra tòa án quốc tế, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cho biết, Manila đã sử dụng mọi biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp nhưng không thành công và vì vậy họ đã tìm đến con đường pháp lý.
 
Mới đây, hồi đầu tuần, Trung Quốc đã chính thức tuyên bố bác bỏ đề nghị đưa cuộc tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông giữa họ với Philippines ra giải quyết theo UNCLOS 1982, nhấn mạnh nước này muốn giải quyết tranh chấp trên cơ sở đàm phán song phương.
 
Trung Quốc luôn khăng khăng đòi giải quyết các cuộc tranh chấp giữa họ với các nước láng giềng ở Biển Đông thông qua đàm phán, đối thoại song phương. Người ta tin rằng, với tư cách là nước lớn, Trung Quốc không muốn quốc tế hóa vấn đề tranh chấp Biển Đông mà muốn giải quyết trực tiếp với từng nước nhỏ để dễ bề gây áp lực, giành thế thượng phong trong các cuộc tranh chấp nóng bỏng này.
 
Theo Phụ lục VII của UNCLOS, nếu một bên từ chối không tham gia vào tiến trình pháp lý thì tiến trình này vẫn có thể được tiếp tục cho đến khi tòa án quốc tế đưa ra một phán quyết cuối cùng. Như vậy, Philippines có thể tiếp tục theo đuổi vụ kiện tại tòa án quốc tế mà không cần sự đồng ý cũng như tham gia của Trung Quốc.
 
Nghị sĩ Mỹ khen ngợi Philippines
 
Trong một diễn biến có liên quan, một nghị sĩ Mỹ hôm qua đã lên tiếng khen ngợi Manila về sự “kiềm chế” trong việc giải quyết cuộc tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông. Nghị sĩ Jeff Miller cho biết, ông hy vọng phía Trung Quốc sẽ “hiểu sự cần thiết” phải sớm giải quyết cuộc tranh chấp lãnh thổ lâu dài giữa nước này với các nước láng giềng trong khu vực ở Biển Đông.
 
Ông Miller đang dẫn đầu một phái đoàn nghị sĩ gồm 5 thành viên đến thăm Philippines. Trong chuyến thăm 3 ngày này, ông Miller đã tái khẳng định sự ủng hộ của chính phủ Mỹ đối với việc tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho các cuộc tranh chấp lãnh thổ nóng bỏng ở khu vực Châu Á hiện nay. Đây là vấn đề mà Mỹ cực kỳ quan tâm trong bối cảnh nước này đang thực hiện chiến lược chuyển hướng trọng tâm quân sự vào Châu Á-Thái Bình Dương, nghị sĩ Miller cho hay.
 
“Chúng tôi đánh giá cao sự kiềm chế mà chính phủ Philippines đã thể hiện trong việc đưa cuộc tranh chấp lãnh thổ ra giải quyết tại tòa án quốc tế. Tôi hy vọng Trung Quốc sẽ hiểu được sự cần thiết phải giải quyết vấn đề này càng sớm càng tốt”, ông Miller đã nói như vậy với tờ Inquirer.
 
Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario đã có cuộc gặp với phái đoàn nghị sĩ Mỹ và đã thông báo ngắn gọn diễn biến tình hình ở Biển Đông hiện nay cho các vị khách đến thăm. Trong cuộc gặp này, phía Philippines đã giải thích động thái đưa Trung Quốc ra tòa án quốc tế là nhằm để “vô hiệu hóa” đường lưỡi bò của Trung Quốc đồng thời để ngăn chặn các vụ xâm nhập từ phía Trung Quốc vào lãnh thổ, lãnh hải của Philippines ở Biển Đông.
 
Từ tháng 4 năm ngoái đến giờ, Trung Quốc và Philippines đã rơi vào một cuộc tranh chấp lãnh thổ căng thẳng và quyết liệt ở Biển Đông. Trong cuộc tranh chấp này, Manila thể hiện một lập trường cứng rắn, quyết không lùi bước trước nước láng giềng khổng lồ của mình. Sở dĩ Philippines trở nên mạnh mẽ hơn rất nhiều so với trước đây một phần là do nước này có được sự ủng hộ, hậu thuẫn của đồng minh lớn là Mỹ cũng như sự thông cảm và đồng thuận từ phía Nhật Bản – một nước cũng đang có tranh chấp nóng bỏng với Trung Quốc ở biển Hoa Đông.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc