Thăng trầm số phận của các cựu đệ nhất phu nhân

10:22, 14/02/2013
|

(VnMedia) - Nếu nói rằng phu nhân của người đứng đầu một quốc gia luôn được coi là biểu tượng cho sự sang trọng và quý phái thì điều này quả là không sai bởi họ chính là hình ảnh đại diện của quốc gia đó.

Vị trí là đệ nhất phu nhân của một nước có thể làm thay đổi số phận của những người phụ nữ này, đem lại cho họ danh tiếng và cả quyền lực nhưng cũng có thể lấy đi của họ tất cả một khi gia đình họ lâm vào tình cảnh thất thế.

 
Cựu Đệ nhất phu nhân Ai Cập – Suzanne Mubarak

 

Suzanne Mubarak hay cái tên thời con gái là Suzanne Thabet, ngay từ nhỏ đã sống trong một gia đình thuộc tầng lớp trung lưu. Cha bà là một bác sĩ, còn mẹ người gốc xứ Wales (Anh) là một y tá. Lớn lên thêm chút nữa, gia đình của Suzanne đã dọn đến sinh sống ở khu phố sang trọng Heliopolis thuộc Thủ đô Cairo . Khi Suzanne tròn 17 tuổi, một lần tình cờ cô đã gặp gỡ chàng sĩ quan quân đội 30 tuổi tên là Hosni Mubarak, tình yêu tình cờ đã ươm thành trái ngọt: họ có hai cậu con trai xinh xắn tên là Alaa và Gamal


Ảnh minh họa

 

Sau khi chồng trở thành Phó Tổng thống Ai Cập và các con trai đi học đại học thì tham vọng và sự tò mò trong con người Suzanne cũng tăng theo. Bà đã đăng ký theo học ngành Khoa học chính trị tại Đại học Mỹ ở Cairo , sau đó nhận được bằng Thạc sĩ Xã hội học. Suzanne có ý thức trong lĩnh vực giáo dục nhưng sự quan tâm đến nhà nước lại đến đầu tiên. Tầm nhìn của Suzanne Mubarak ngày một lớn mạnh sau khi Hosni Mubarak trở thành Tổng thống Ai Cập vào năm 1981.

Trong suốt 30 năm cầm quyền của chồng mình, gia đình Mubarak sống một cuộc sống vương giả với việc sở hữu được một khoản tài sản khổng lồ mà theo như các nhà điều tra nước này lên đến chục tỷ USD bao gồm tài khoản tại các ngân hàng quốc tế, 40 biệt thự hạng sang cùng nhiều bất động sản khác. Cũng theo như các nhà điều tra thì những tài khoản đáng ngờ tại các tổ chức phi lợi nhuận và cơ quan văn hoá của Suzanne - một nhà báo đã cáo buộc cựu đệ nhất phu nhân đang kiểm soát một tài khoản trị giá 145 triệu USD liên quan đến Thư viện Bibliotheca Alexandrina.

 

Sau khi Hosni Mubarak thoái vị, cựu đệ nhất phu nhân Ai Cập cũng lui về hậu phương của chồng, song cũng kể từ đó bà dường như "biến mất" khỏi tầm mắt của cư dân và công luận. Và thực tế là vào tháng 5/2011, Suzanne gần như rơi vào trạng thái hoảng loạn sau khi bản thân bị chính quyền mới giam giữ và thẩm vấn về những khoản tài sản bị nghi là phi pháp. Và cưối cùng bà đã phải ngậm ngùi đóng khoản tiền phạt lên tới 3,4 triệu USD và một biệt thự ở Cairo để nhanh chóng được phóng thích.

 

Liệu rằng cuộc sống hiện tại của cựu đệ nhất phu nhân Ai Cập giàu có này có bị đảo ngược không?


Sau bao nhiêu thăng trầm của đời sống chính trị cùng chồng trong khoảng thời gian dài trước đó, hôm nay cựu đệ nhất phu nhân Suzanne Mubarak đang yên ả trong một biệt thự xinh đẹp toạ lạc ở ngoại ô Cairo, hằng ngày bà cùng tài xế lái xe riêng đến thăm chồng khi ông đang đợi ngày ra phiên toà xét xử. Theo luật sư riêng của gia đình Mubarak thì nhà chức trách Ai Cập thanh toán tiền viện phí, thăm khám, thuốc men cho cựu Tổng thống Hosni Mubarak, trong khi đó phu nhân Suzanne sống nhờ đồng lương hưu của chồng, ước tính vào khoảng 15.500 USD/tháng, một số tiền quá cao khi mà thu nhập trung bình của một người làm công ăn lương ở Ai Cập chỉ vào khoảng 100 USD/tháng.

 

Cựu Đệ nhất phu nhân Lybia - Safia Farkash.

 

Safia Farkash al-Baraasi sinh tại thành phố al-Baida thuộc miền đông Libya , xuất thân từ bộ lạc al-Baraaesa. Bước ngoặt cuộc đời đến với Safia Farkash năm 1971, khi Muammar Gaddafi nhập viện để phẫu thuật ruột thừa và bà là y tá chăm sóc cho ông. Họ kết hôn cùng năm đó và đã có với nhau bảy người con, bao gồm sáu trai và cô con gái Ayesha.


Ảnh minh họa

 

Những năm đầu của cuộc hôn nhân, bà Farkash hiếm khi xuất hiện trên các phương tiện truyền thông. Chỉ năm năm gần đây, bà mới bắt đầu tham gia các hoạt động xã hội như tham dự lễ kỷ niệm cuộc cách mạng năm 1969 đã đưa chồng bà lên nắm quyền, hoặc tham dự lễ tốt nghiệp của các nữ cảnh sát vào năm 2010.

Năm 2008, bà Farkash được bầu làm Phó chủ tịch Tổ chức các đệ nhất phu nhân châu Phi (AFLO) tại cuộc họp của các nhà lãnh đạo Liên minh châu Phi tại thành phố Sharm al-Sheikh nằm bên bờ Hồng Hải của Ai Cập, dù bà không tham dự cuộc họp và cũng chưa bao giờ tham gia các hoạt động liên quan tới AFLO. Bà Farkash điều hành hãng với sự phê chuẩn của chồng, dù đó là địch thủ với hãng hàng không quốc gia Libya và chiếm độc quyền vận chuyển người hành hương Libya .

 

Tin tức về của cải của bà Farkash rất đa dạng, nhưng không ai biết rõ con số tài sản mà người phụ nữ tỉ phú này nắm giữ. Một số nguồn tin được báo chí dẫn và cho là đáng tin cậy nói: bà có nguồn tài sản trị giá khoảng 30 tỉ USD, đồng thời sở hữu 20 tấn vàng.

 

Kể từ khi làn sóng bạo loạn nổ ra tại Libya ngày 17/2/2011, bà Farkash gần như “biến mất”. Một số website đưa tin bà Farkash cùng con gái Ayesha đã sang Đức lánh nạn vào ngày 20/2/2011, nhưng tin trên chưa được kiểm chứng.

Cựu Đệ nhất phu nhân Tunisia - Leila Trebelsi

Leila Trabelsi (tên thời con gái) là vợ thứ hai của ông Ben Ali. Từ một cô gái làm nghề uốn tóc, một bước trở thành đệ nhất phu nhân. Bà Leila có đến 10 anh chị em và hàng chục đứa cháu. Dòng họ Trabelsi nổi tiếng tham nhũng nhất xứ, dùng thế lực của tổng thống Ben Ali chi phối các ngành ngân hàng, kinh doanh bất động sản, các hệ thống siêu thị lớn, ngành viễn thông, truyền thông, hải quan... Nói chung, truyền thông trong nước coi bà Leila là biểu tượng của tham nhũng ở Tunisia , tham tàn hơn cả chồng.


Ảnh minh họa


Bà là đệ nhất phu nhân nổi tiếng nhất trong thế giới Arab về lối sống xa hoa, tiêu tiền như nước, ăn mặc toàn đồ hiệu, thích lái xe hơi thể thao (gia đình bà có hơn 50 chiếc), thường đi mua sắm ở Dubai, mỗi lần tiêu hàng trăm nghìn USD. Chính vì vậy, bà có biệt danh là “Imelda Marcos của thế giới Arab”. Imelda Marcos là cựu đệ nhất phu nhân Phillipines, hiện là chính trị gia giàu thứ hai Phillipines, với số tài sản được cho là có được nhờ tham nhũng trong thời kỳ cầm quyền của chồng.

Bà Leila còn có biệt danh khác là “Marie Antoinette của Tunisia ” với những sở thích kiêu kỳ. Bà thường sai người ở lấy máy bay riêng đến St. Tropez, thành phố nghỉ dưỡng nổi tiếng của giới siêu giàu ở Pháp, mua kem và các món ăn xa xỉ chở về dinh thự của bà ở bãi biển Tunisia.

Tháng 1/2011 có lẽ là quãng thời gian thay đổi số mệnh của gia thế nhà cựu tổng thống Zine El Abidine Ben Ali khi ông từ chức ngày 14/1 và tiếp sau đó là những tháng ngày phải lưu vong sang Ả-Rập Xê-út của gia đình. Nhiều công ty và bất động sản của 114 người thân của ông Ben Ali đã bị tịch thu. 33 thành viên của gia đình Ben Ali bị bắt lúc vượt biên.

Vợ chồng cựu tổng thống Tunisia đã sống lưu vong tại Ả-Rập Xê-út kể từ sau phong trào nổi loạt lật đổ, chấm dứt 23 năm cầm quyền của ông hồi tháng 1 năm ngoái. Ông Ben Ali và vợ bị kết án 35 năm tù vì tội biển thủ công quỹ với 93 tội danh sau khi người ta phát hiện tiền mặt, vũ khí, nữ trang và ma túy trong dinh tổng thống sau cuộc nổi dậy. Vẫn còn 35 bản án khác về những tội danh như ám sát và tra tấn dành cho cựu tổng thống và các thuộc cấp. 


Trịnh Quân - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc