Syria: Phe nổi dậy muốn đối thoại với chính quyền?

07:55, 05/02/2013
|

(VnMedia) - Lãnh đạo phe nổi dậy Syria đang phải hứng chịu “búa rìu” của sự chỉ trích gay gắt sau khi có thông tin ông này đã ngồi vào bàn đối thoại với hai đồng minh thân thiết nhất của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad. Diễn biến này một lần nữa phơi bày sự thật về mâu thuẫn và sự chia rẽ sâu sắc đang tồn tại trong nội bộ phe nổi dậy Syria. Và đây chính là điểm yếu lớn nhất khiến lực lượng này không thể tập hợp đủ sức mạnh để lật đổ được chính quyền của ông Assad.
 

 Ảnh minh họa

Ông Moaz Alkhatib – Lãnh đạo phe nổi dậy Syria, hôm qua (3/2) đã phải hối hả bay từ Đức về trụ sở của ông ở thủ đô Cairo để giải thích cho những thành viên đầy hoài nghi trong nội bộ phe nổi dậy về quyết định của ông khi ngồi vào bàn đàm phán với hai nước Nga và Iran.
 
Ngoại trưởng Nga và Iran cùng với Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã miêu tả việc Lãnh đạo Liên minh Quốc gia Syria – ông Alkhatib sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán với chính quyền Tổng thống Assad là một bước đi dài tiến tới việc giải quyết cuộc khủng hoảng kéo dài 2 năm qua ở đất nước Trung Đông.
 
"Nếu chúng ta muốn ngăn chặn tình trạng đổ máu, chúng ta không thể tiếp tục ngồi đổ lỗi cho bên này hoặc bên kia", Ngoại trưởng Iran- ông Ali Akbar Salehi hôm qua (3/2) cho biết. Ông này hoan nghênh lời đề nghị đàm phán của ông Alkhatib đồng thời nói thêm rằng, ông sẵn sàng tiếp tục đối thoại với phe nổi dậy Syria. Iran được biết đến là một lực lượng ủng hộ về mặt quân sự mạnh mẽ cho chính quyền của Tổng thống Assad.
 
Trong khi đó, theo Ngoại trưởng Nga, "bước đi của ông Alkhatib rất quan trọng. Đặc biệt bởi vì Liên minh Quốc gia Syria được thành lập dự trên cơ sở của sự phản đối bất kỳ cuộc đối thoại nào với chính quyền”. Nga cũng là một đồng minh thân thiết của chính quyền Syria.
 
Các chính khách đến từ Mỹ, Châu Âu và Trung Đông tham dự Hội nghị An ninh Munich ở Đức ngày hôm qua cũng đều lên tiếng khen ngợi “sự dũng cảm” của ông Alkhatib. Tuy nhiên, Nhà lãnh đạo này chắc chắn sẽ phải đối mặt với sự chỉ trích gay gắt từ trong nội bộ của ông này khi trở về Cairo.
 
Walid al-Bunni, một thành viên của bộ máy lãnh đạo gồm 12 thành viên của Liên minh Quốc gia Syria, đã miêu tả cuộc gặp giữa ông Alkhatib với Ngoại trưởng Iran như là một sự thất bại. “Cuộc gặp đã không thành công. Người Iran sẽ không làm bất kỳ điều gì có thể giúp sự nghiệp của Cuộc Cách mạng Syria”, ông Bunni, một cựu tù nhân chính trị, cho biết từ Budapest.
 
Theo lời ông Bunni, Liên minh Quốc gia Syria dự định sẽ chuẩn bị nhóm họp ở Cairo để bàn về những bước đi ngoại giao mới nhất của Nhà lãnh đạo Alkhatib tại hội nghị ở Munich vừa qua.
 
Trước đó, hôm 30/1, ông Alkhatib cũng đã gây “nổi sóng” trong nội bộ phe nổi dậy khi bày tỏ trên trang Facebook cá nhân rằng, ông sẵn sàng tiến hành các cuộc đàm phán trực tiếp với đại diện của chính quyền Syria trong một nỗ lực “nhằm ngăn chặn tình trạng đổ máu” và chuẩn bị cho một giai đoạn chuyển tiếp ở đất nước này.
 
Ngay sau khi phát biểu của ông Alkhatib được đưa ra, nó đã nhanh chóng bị các phe nhóm khác trong phe nổi dậy bác bỏ thẳng thừng. Hội đồng Quốc gia Syria – nhóm lớn nhất trong liên minh đối lập do ông Alkhatib đứng đầu, đã tuyên bố, họ phản đối việc đàm phán với “chính quyền tội phạm”. Thậm chí ngay cả liên minh đối lập cũng nói rằng, những phát biểu của ông Al- Khatib chỉ phản ánh quan điểm cá nhân chứ không thể hiện lập trường của liên minh này.
 
Việc các thành viên trong nội bộ phe nổi dậy không có chung quan điểm với người lãnh đạo của họ đã một lần nữa bộc lộ một thực tế khắc nghiệt là phe nổi dậy về bản chất vẫn đang mâu thuẫn sâu sắc với nhau.
 
Trong một diễn biến có liên quan, những người ủng hộ mạnh mẽ cho phe nổi dậy Syria như Thủ tướng Qatar Hamad bin Jassim al-Thani và Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain đã bày tỏ sự tức giận tại hội nghị Munich về việc cộng đồng quốc tế chần chừ chưa can thiệp vào cuộc xung đột ở Syria.
 
"Chúng tôi cho rằng, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc phải chịu trách nhiệm trực tiếp về thảm kịch đang diễn ra hiện nay đối với nhân dân Syria, với hàng ngàn mạng sống đã bị cướp đoạt và tình trạng đổ máu tiếp diễn dưới tay của lực lượng chính quyền Syria”, ông al-Thani đã phát biểu như vậy.
 
Phe nổi dậy lại đang thắng thế
 
Trong khi các nước còn đang tranh cãi nhau về cách thức xử lý cuộc khủng hoảng ở Syria thì giao tranh ở đất nước này vẫn diễn ra căng thẳng. Theo các nhà hoạt động, phe nổi dậy Syria hôm 2/2 đã chiếm được một khu vực chiến lược gần sân bay quốc tế Aleppo. Chiến thắng này giúp các chiến binh nổi dậy có thể kiểm soát một con đường chính mà quân đội chính quyền thường sử dụng để cung cấp lương thực và tiếp viện quân cho cuộc chiến ở thành phố lớn nhất Syria.
 
Lực lượng trung thành với Tổng thống Bashar al-Assad và phe nổi dậy đã bị mắc kẹt trong trận chiến đầy bế tắc ở Aleppo – thành phố lớn nhất và cũng là trung tâm thương mại của đất nước Syria, từ mùa hè năm ngoái. 7 tháng sau, phe nổi dậy Syria đã giành được quyền kiểm soát một phần lớn thành phố và khu vực ngoại ô của nó, bao gồm nhiều căn cứ quân sự. Tuy nhiên, quân nổi dậy không thể vượt qua được hoả lực mạnh mẽ của quân chính phủ.
 
Việc các chiến binh nổi dậy hồi cuối tuần vừa rồi đánh chiếm được khu vực Sheik Said, phía đông nam Aleppo được xem là một cú giáng mạnh vào chính quyền bởi khu vực này bao gồm một con đường chính nối từ thành phố phía bắc đến sân bay. Quân đội Syria đã sử dụng con đường này để tiếp viện quân cho chiến trường Aleppo.
 
Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria có trụ sở ở Anh cho biết, phe nổi dậy đã chiếm giữ khu vực Sheik Said sau nhiều ngày giao tranh ác liệt với lực lượng của chính quyền. Trước đó, phe nổi dậy đã thiết lập vòng vây xung quanh các thành phố lớn của Syria để đe doạ chính quyền, trong đó có cả khu vực gần thủ đô Damascus. Tuy nhiên, sau đó, lực lượng nổi dậy đã buộc phải rút lui khỏi nhiều vị trí do không thể chống cự được trước sức mạnh của máy bay chiến đấu và các đơn vị pháo binh của Syria.
 
Trong một nỗ lực nhằm đẩy lùi bước tiến của quân nổi dậy vào thành phố Aleppo, chiến đấu cơ của chính quyền mấy ngày nay đã tiến hành nhiều cuộc không kích vào khu vực Sheik Said. Tuy nhiên, hiện chưa có báo cáo gì về tình hình thương vong ở đây.
 
Ở các nơi khác, các cuộc đụng độ giữa quân chính phủ và phe nổi dậy diễn ra không ngừng nghỉ, cướp đi sinh mạng của hơn 60 người.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc