Sau đe doạ, các cường quốc quay ra “nịnh” Iran?

19:03, 21/02/2013
|

(VnMedia) - Các cường quốc đã sẵn sàng đưa ra “một đề xuất nghiêm túc và đáng kể” cho Iran để đổi lại sự nhượng bộ của nước này trong vấn đề hạt nhân, một nhà ngoại giao phương Tây hôm qua (20/2) cho biết.
 

 Ảnh minh họa

 Chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran khiến các cường quốc đau đầu


Nguồn tin trên từ chối không cho biết chi tiết về lời đề nghị trên nhưng thái độ “mềm mỏng” bất thường của các cường quốc được cho là một nỗ lực nhằm tìm kiếm một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran thông qua việc nối lại các cuộc đàm phán rơi vào bế tắc bao lâu nay.
 
"Chúng tôi sẽ đem theo một đề xuất. Đó sẽ là một đề xuất nghiêm túc và đáng kể. Đây là một đề xuất mà chúng tôi nghĩ là có nhiều nhân tố mới quan trọng trong đó", nguồn tin ngoại giao phương Tây tiết lộ.
 
Phương Tây đã áp đặt một loạt các biện pháp trừng phạt kinh tế nặng nề nhằm vào Iran để gây sức ép buộc nước này phải từ bỏ tham vọng hạt nhân. Phương Tây tin rằng nước Cộng hoà Hồi giáo đang theo đuổi việc sản xuất vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, Tehran đã bác bỏ cáo buộc này, khẳng định chương trình hạt nhân của họ là vì mục đích hòa bình.
 
Mặc dù đã “tung” ra hết đòn trừng phạt này đến đòn trừng phạt khác nhưng các cường quốc hoàn toàn bất lực trước một Iran đầy thách thức. Thay vì buộc Iran từ bỏ chương trình hạt nhân, các biện pháp trừng phạt của phương Tây càng khiến nước Cộng hòa Hồi giáo quyết tâm theo đuổi đến cùng chương trình hạt nhân của họ.
 
Liên tiếp trong thời gian gần đây, có nhiều thông tin tình báo cho rằng, Tehran sắp sửa chế tạo thành công vũ khí hạt nhân. Điều này thực sự khiến phương Tây, đặc biệt là Mỹ, lo ngại. Đây có thể là lý do khiến các cường quốc tìm hướng tiếp cận mới nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân mang tên Iran.
 
Theo nguồn tin ngoại giao giấu tên từ phương Tây, "các nhà ngoại giao đã cam kết tìm kiếm một giải pháp ngoại giao nhưng chính phủ Iran phải thực sự thể hiện rằng họ sẽ thực hiện những điều họ nói".
 
5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc gồm Anh, Mỹ, Pháp, Nga, Trung Quốc cùng với Đức (còn được gọi là P5+1) sẽ tiến hành các cuộc đàm phán hạt nhân với Iran ở Almaty vào ngày 26/2 tuần tới.
 
Các quan chức phương Tây ở thủ đô Washington của Mỹ tiết lộ với hãng tin Reuters rằng, họ có kế hoạch đề nghị sẽ nới lỏng các biện pháp trừng phạt như việc cấm giao dịch bằng vàng và các kim loai quý khác để đổi lấy việc Iran đóng cửa nhà máy làm giàu uranium Fordow. Lời đề nghị này đã từng bị Tehran bác bỏ.
 
Nguồn tin ngoại giao phương Tây từ chối bình luận cũng như không cho biết trong tuần tới, lời đề nghị trên sẽ được đưa cho Iran theo cách thức có gì khác hay không.
 
Một nhà ngoại phương Tây khác cho biết, không nên đặt quá nhiều hy vọng vào cuộc gặp gỡ sắp tới giữa P5+1 với Iran nhưng đây sẽ là cơ hội để các cường quốc thương lượng với nước Cộng hòa Hồi giáo. “Đó là một lời đề nghị mở và tích cực. Chúng tôi hy vọng, họ sẽ có câu trả lời cho chúng tôi”, nguồn tin trên nói.
 
Hy vọng của phương Tây
 
Các nhà ngoại giao phương Tây lập luận rằng, một loạt biện pháp trừng phạt của họ đang gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế của Iran. Vì thế, các nước này hy vọng, nỗ lực ngoại giao mới sẽ thành công chứ không thất bại liên tiếp như trước đây.
 
Các cuộc đàm phán được P5+1 tổ chức sau khi có lời đề xuất được đưa ra về việc Mỹ sẽ chấp nhận đàm phán trực tiếp với Iran nếu nước này thể hiện thái độ nghiêm túc trong việc kiềm chế chương trình hạt nhân.
 
Bất kỳ cuộc đối thoại chính trị nào rộng hơn giữa Mỹ và Iran đều là nhằm giảm sự thiếu tin cậy, nghi ngờ lẫn nhau giữa hai nước sau sự kiện cuộc cách mạng Iran năm 1979 và việc các sinh viên Iran bắt hàng chục nhân viên Đại sứ quán Mỹ làm con tin trong một thời gian dài. Một cuộc đối thoại như thế sẽ là một phương tiện tạo thêm động lực cho các cuộc đàm phán hiện nay về chương trình hạt nhân của Iran.
 
Cho đến thời điểm này, Iran đưa ra rất ít dấu hiệu về việc họ sẽ mang gì đến bàn đàm phán ở Almaty tuần tới.
 
Tehran đã bác bỏ đề xuất về việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt về giao dịch vàng để đổi lấy việc nước này đóng một nhà máy làm giàu uranium. Nước Cộng hòa Hồi giáo miêu tả đó là một đề xuất không thể chấp nhận. Giới phân tích nhận định, khả năng Iran đưa ra những nhượng bộ đáng kể trong vấn đề hạt nhân là rất hạn chế trong thời điểm trước khi diễn ra cuộc bầu cử tổng thống ở nước này vào tháng 6.
 
Tuy nhiên, Iran đã bắt đầu khởi động lại công việc biến những số lượng nhỏ uranium được làm giàu ở mức độ cao hơn thành nhiên liệu. Đây là một động thái làm chậm lại quá trình tích lũy, dự trữ nguồn uranium cho vũ khí hạt nhân nếu nó được làm giàu ở mức độ cao hơn nữa.
 
Các nhà ngoại giao cũng cho biết, Iran còn hoãn đưa thêm các máy ly tâm vào hoạt động ở nhà máy Fordow – nơi đang thực hiện việc làm giàu uranium ở cấp độ tinh khiết 20%. Uranium được làm giàu ở mức độ này có thể nhanh chóng biến thành “nguyên liệu” cho vũ khí nguyên tử.
 
Những bước đi trên của Iran cho thấy nước này đã bắt đầu thể hiện một lập trường “dịu” hơn trong vấn đề hạt nhân. Vì vậy, người ta có thể hy vọng vào một kết quả khả quan hơn trong các cuộc đàm phán hạt nhân sắp tới.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc