Quan hệ liên Triều: Tên lửa tầm xa đáp lại vũ khí hạt nhân

08:12, 14/02/2013
|

(VnMedia) - Bộ Quốc phòng Hàn Quốc hôm nay (13/2) tuyên bố sẽ đẩy mạnh phát triển quân sự cũng như triển khai các tên lửa hành trình có khả năng tấn công bất cứ khu vực nào trên lãnh thổ Triều Tiên để đối phó với những mối đe dọa từ kho vũ khí hạt nhân của quốc gia này.
 
Seoul đang nỗ lực tăng cường sức mạnh tên lửa sau khi ký kết một thỏa thuận hồi tháng 10 năm ngoái với Mỹ. Theo thỏa thuận này, Hàn Quốc sẽ nâng tầm bắn của tên lửa lên gấp ba lần, bởi Seoul cần phòng thủ trước sự phát triển tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên.

Việc tăng giới hạn không chỉ đưa tầm bắn tên lửa Hàn Quốc vươn tới hết biên giới Triều Tiên mà còn tới được cả một phần Trung Quốc và Nhật Bản.
 
"Chúng tôi sẽ đẩy nhanh việc phát triển tên lửa đạn đạo với tầm bắn 800km", người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Kim Min-Seok cho biết.

Ảnh minh họa

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc còn cho biết, nước này đã triển khai loại tên lửa hành trình tự chế có khả năng tấn công mọi “ngóc ngách” trên lãnh thổ Triều Tiên và cho biết sẽ sớm công bố thêm chi tiết về loại tên lửa này.
 
Bên cạnh đó, theo nguồn tin từ một số quan chức Hàn Quốc, Hải quân nước này đã lắp đắt các tên lửa hành trình tàu đối đất với tầm bắn lên tới 500-1000 km lên các tàu chiến Aegis và tàu khu trục. 

 
Chỉ huy Hải quân Hàn Quốc trước đó cũng tuyên bố, việc triển khai này sẽ được hoàn tất trong vài năm tới và sẽ có khả năng tấn công các kho tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên.
 
Quân đội Hàn Quốc cũng đang đẩy nhanh tiến độ phát triển một hệ thống đánh chặn tên lửa tối tân, được gọi là “chuỗi sát thương”, được thiết kế để dò tìm và phá hủy tên lửa.
 
Hệ thống này bao gồm các vệ tinh tình báo, máy bay do thám cũng như tên lửa và chiến đấu cơ, có khả năng phát hiện các mục tiêu đang bay tới và phá hủy chúng ngay trên không trung.

Theo dự kiến ban đầu, quân đội Hàn Quốc sẽ hoàn tất việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa trên vào năm 2015, nhưng kế hoạch này nhiều khả năng sẽ được đẩy nhanh hơn dự kiến sau vụ thử hạt nhân hôm qua của Triều Tiên.
 
Cùng ngày, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đã nhất trí sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt hà khắc hơn với Triều Tiên sau khi quốc gia này tiếp tục tiến hành một vụ thử hạt nhân bị nhiều nước chỉ trích.

Triều Tiên sẽ tự đưa mình tới chỗ sụp đổ

Trong một diễn biến liên quan khác, cũng trong hôm nay (13/2), Tân Tổng thống sắp nhậm chức của Hàn Quốc – bà Park Geun-hye tuyên bố rằng Triều Tiên đang tự mình tiến gần hơn tới sự sụp đổ nếu nước này tiếp tục phát triển khả năng hạt nhân bằng cách tiến hành thêm các vụ thử hạt nhân. Bà đe dọa, kho hạt nhân càng lớn thì nước này càng bị cô lập trong cộng đồng quốc tế.
 
Tuyên bố cứng rắn trên của bà Park được đưa ra một ngày sau khi Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân thứ ba, và chỉ hai tháng sau khi nước này tiến hành vụ phóng tên lửa tầm xa mang vệ tinh gây tranh cãi. 
 
Bà Park nói trong một cuộc họp về chính sách đối ngoại cùng với nhóm chuyển giao quyền lực rằng: “Bất kể Triều Tiên tiến hành bao nhiêu vụ thử hạt nhân để nâng cấp khả năng hạt nhân của mình, nước này sẽ tự đưa mình đến chỗ sụp đổ”.
 
Bà Park cũng cáo buộc Hàn Quốc đang cố tình tiến hành thử hạt nhân bất chấp sự phản đối kịch liệt cũng như những cảnh báo và những lời kêu gọi của cộng đồng quốc tế. Điều này cho thấy, “để xây dựng hòa bình và sự tin cậy trên Bán đảo Triều Tiên khó mức nào”, bà Park nói thêm.
 
Bà Park lên án mạnh mẽ vụ thử hạt nhân mới nhất của Triều Tiên, cáo buộc đó là “động thái gây hấn trắng trợn” đối với hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên và cũng như trên thế giới, khẳng định, Triều Tiên sẽ phải chịu trách nhiệm nghiêm túc cho hành động của mình. Bà thề sẽ không bao giờ dung thứ cho một nước Triều Tiên có sở hữu hạt nhân dưới mọi hình thức.
 
“Một số người nói rằng Trều Tiên có thể sẽ kêu gọi các vòng đàm phán cắt giảm vũ khí (hạt nhân), thay vì các vòng đàm phán phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên và tuyên bố nước này là một nhà nước hạt nhân. Tuy nhiên, đó là một tính toán hoàn toàn sai lầm”, bà Park nói.
 
Bà nói thêm rằng: “Dù Triều Tiên có tiến hành vụ thử thứ 4 hay thứ 5 thì điều đó cũng không làm tăng thêm sức mạnh đàm phán của nước này. Chỉ khi Bình Nhưỡng nỗ lực từ bỏ vũ khí hạt nhân thì sức mạnh đàm phán của họ mới có thể tăng lên”.

 
Trong chiến dịch tranh cử của mình, bà Park đã cam kết sẽ tìm kiếm cái gọi là “Tiến trình tin cậy trên Bán đảo Triều Tiên”, một chính sách trong đó kêu gọi đàm phán, thiết lập niềm tin và giảm thiểu căng thẳng dọc đường biên giới chia cắt hai miền Triều Tiên.

Hôm qua (12/2), Triều Tiên đã bất ngờ tiến hành vụ thử hạt nhân thứ 3 kể từ năm 2006 đến nay. Vụ thử hạt nhân dưới ngầm này đã vấp phải sự phản đối kịch liệt của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản. Ngay cả Trung Quốc, quốc gia đồng minh thân thiết của Triều Tiên cũng cảm thấy "choáng váng" trước động thái này.


Đan Khanh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc