Mỹ, Nhật, Úc tập trận đối phó với Trung Quốc

06:55, 09/02/2013
|

(VnMedia) - Một loạt chiến đấu cơ của Mỹ và hai đồng minh thân thiết Nhật, Australia hôm qua (7/2) đã gầm rú trên bầu trời Tây Thái Bình Dương trong phần diễn tập chiến đấu trong khuôn khổ cuộc tập trận định kỳ hàng năm nhằm đối phó với Trung Quốc và các mối đe dọa tiềm năng khác.

 

Cuộc tập trận Cope North được tổ chức nhằm mục đích huấn luyện cho các lực lượng không quân Mỹ, Nhật Bản và Australia có thể chiến đấu bên cạnh nhau trong trường hợp xảy ra một cuộc khủng hoảng quân sự. Cuộc tập trận này cũng được cho là lời nhắc nhở rõ ràng với Bắc Kinh rằng, liên minh của Mỹ trong khu vực Châu Á rất mạnh và vững chắc. Theo kế hoạch, cuộc tập trận Cope North sẽ sớm có thêm sự tham gia của nhiều nước trong khu vực.

 

Mặc dù Mỹ, Nhật Bản và Australia được tin là đang tập trận nhằm thị uy Trung Quốc nhưng các quan chức chỉ huy cuộc tập trận vẫn khẳng định, họ không hề có ý định trêu ngươi gì quân đội Trung Quốc.

 

"Các cuộc diễn tập của chúng tôi không nhằm vào bất kỳ nước cụ thể nào như Trung Quốc”, Trung tướng Masayuki Hironaka thuộc Lực lượng Phòng vệ Trên không của Nhật Bản cho biết. “Tuy nhiên, tôi tin rằng, thực tế về mối quan hệ liên minh lành mạnh và phát triển của chúng tôi với Mỹ và Australia là một thông điệp hết sức mạnh mẽ”, ông Hironaka phát biểu.

 

Chiến đấu cơ của Mỹ, Nhật Bản và Australia bắt đầu diễn tập cùng nhau từ hồi đầu tuần xung quanh vùng lãnh thổ Guam của Mỹ trong bài tập cứu trợ nhân đạo. Ngày hôm qua (7/2), đội ngũ máy bay chiến đấu của 3 nước đã được tăng cường sức mạnh bởi sự tham gia của máy bay ném bom, máy bay vận tải quân sự và máy bay tiếp nhiên liệu. Những chiếc máy bay này đã quần thảo bầu trời khu vực Tây Thái Bình Dương. Lần đầu tiên, máy bay tiếp nhiên liệu của Nhật Bản tham gia các cuộc tập trận.

 

Các quan chức Mỹ cho biết, họ sẽ mời thêm nhiều nước đồng minh trong khu vực tham gia vào cuộc tập trận Cope North định kỳ, trước mắt sẽ là New Zealand Philippines .

 

Những cuộc tập trận chung kiểu như trên là một phần quan trọng trong chiến lược chuyểnhướng từ Trung Đông sang Thái Bình Dương của Mỹ. Washington đang hối hả xúc tiến kế hoạch rút quân khỏi Afghanistan và các cuộc chiến tranh mặt đất khác để tập trung nhiều hơn cho Châu Á và cho khả năng xảy ra cuộc đối đầu trên không và trên biển với một quân đội Trung Quốc đang được hiện đại hóa nhanh chóng. Bắc Kinh đang gây lo ngại cho các nước láng giềng nói chung và Mỹ nói riêng bằng việc tăng cường sức mạnh quân sự và dùng sức mạnh đó để hậu thuẫn cho các cuộc tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng, đẩy khu vực rơi vào tình hình căng thẳng cao độ.

 

Theo chiến lược hướng trọng tâm vào Thái Bình Dương, Mỹ sẽ đưa thêm nhiều máy bay, tàu chiến hiện đại và tối tân hơn đến khu vực này trong vòng vài năm tới. Đồng thời, Mỹ cũng trải rộng hàng nghìn quân ra nhiều nước trong khu vực. Hiện tại, quân Mỹ đang chủ yếu đóng tại Nhật Bản và Hàn Quốc. Mới đây, lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ bắt đầu được triển khai đến Darwin , phía bắc Australia . Khoảng 9.000 lính thủy đánh bộ Mỹ cũng sẽ được chuyển từ đảo Okinawa của Nhật Bản đến hòn đảo nhỏ bé ở Australia , Hawaii và các vị trí khác.

 

Tất cả những bước đi trên đã phản ánh mối quan ngại chiến lược sâu sắc của Mỹ trước sự nổi lên của Trung Quốc như một cường quốc quân sự có khả năng thách thức sức mạnh của Mỹ trong việc can thiệp vào một cuộc khủng hoảng trong khu vực, đặc biệt là trong vấn đề Đài Loan cũng như vấn đề Philippines và Nhật Bản.

 

Việc Mỹ tập trung vào thiết lập các liên minh vững chắc thông qua cuộc tập trận như Cope North cũng cho thấy nỗi lo lắng của Lầu Năm Góc về việc cắt giảm ngân sách quốc phòng sẽ khiến họ khó gánh vác được gánh nặng kiềm chế Trung Quốc.

 

Chỉ huy Lực lượng Không quân Thái Bình Dương của Mỹ - ông Herbert Carlisle cho biết, ông tin rằng việc cắt giảm ngân sách có thể đe dọa đến vị trí siêu cường của Mỹ. Ông này nhấn mạnh, quân đội Trung Quốc, đặc biệt là Hải quân, đang được “củng cố sức mạnh dồn dập” và đang dần trở thành một thách thức thật sự đối với các đồng minh của Mỹ. Vì thế, các liên minh chiến lược đang đóng một vai trò quan trọng hơn bao giờ hết đối với Washington.

 

Chiến lược hướng trọng tâm vào Châu Á của Washington cũng nhận được sự đón chào nhiệt thành của các đồng minh mạnh của Mỹ như Nhật Bản và Australia bởi họ cùng chia sẻ nỗi quan ngại với Mỹ về viễn cảnh, sự thay đổi cán cân lực lượng trong khu vực có thể làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của Châu Á.

 

Đối với Nhật Bản, nước này còn có nhu cầu khẩn thiết hơn để liên kết chặt chẽ với Mỹ. Các tàu và máy bay chiến đấu của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản đang phải triển khai thường xuyên ở vùng biển Hoa Đông trong những tháng gần đây để đối phó với sự hiện diện ngày càng tăng của phía Trung Quốc quanh quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Cuộc tranh chấp lãnh thổ giữa Bắc Kinh và Tokyo đang gây tổn hại lớn cho mối quan hệ ngoại giao, thương mại giữa hai nước.

 

Theo một hiệp ước chung đã ký cách đây nhiều năm, Mỹ có nghĩa vụ phải trợ giúp Nhật Bản nếu nước này bị tấn công hoặc bị chiếm đóng bởi một bên thứ ba.


Kiệt Linh - (theo CBS News)

Ý kiến bạn đọc