Hệ thống giám sát vũ trụ của Nga, Mỹ tê liệt?

19:33, 21/02/2013
|

(VnMedia) - Sau trận mưa thiên thạch kinh hoàng ở Nga hồi tuần trước, cả Nga và Mỹ đều cảm thấy họ hoàn toàn không được bảo vệ trước các thảm họa từ vũ trụ bất chấp việc hai nước này là những cường quốc quân sự hàng đầu thế giới, sở hữu trong tay những trang thiết bị và vũ khí tối tân, hiện đại nhất hiện nay. Trận mưa thiên thạch hôm 15/2 đã khiến cả Nga và Mỹ đều cuống cuồng lo tìm cách đối phó với những thảm họa tương tự xảy ra trong tương lai.
 

 Ảnh minh họa

Không chỉ người dân Nga và người dân trên toàn thế giới đều không khỏi ngỡ ngàng, choáng váng trước tin, một thiên thạch nặng từ 7.000 đến 10.000 tấn, đã lao xuống trái đất với tốc độ 30km/giây, tạo ra xung lực tương đương với sức nổ của từ 20-25 quả bom nguyên tử ném xuống thành phố Hiroshima của Nhật năm 1945. Trận mưa thiên thạch dội xuống vùng Urals của Nga đã tạo ra một cảnh tượng không khác gì với những tưởng tượng của con người về Ngày Tận thế.
 
Điều đáng lo ngại hơn là người ta không hiểu vì sao, một cường quốc quân sự hàng đầu như Nga, được trang bị những hệ thống radar cực kỳ tối tân, lại không hề phát hiện trước được dù là một dấu hiệu nhỏ nhất về cơn mưa thiên thạch khủng khiếp nói trên. Rõ ràng, Nga hoàn toàn bị động và bất ngờ trước thảm họa thiên nhiên khiến hàng nghìn người dân nước này bị thương. Bản thân cường quốc quân sự và vũ trụ số 1 thế giới – Mỹ cũng không phát hiện ra điều gì bất thường từ vũ trụ. Có vẻ như, Trái đất đang ở trong tình trạng dễ bị tổn thương nhất trước những thảm họa dội về từ vũ trụ dù con người đã có không biết bao nhiêu năm nghiên cứu về nó.
 
Trước sự bị động của các nước trong việc phòng thủ, bảo vệ mình trước những thảm họa như mưa thiên thạch ở Nga vừa rồi, các nước bắt đầu cuống cuồng, hối hả lo tìm biện pháp đối phó, phòng vệ trước những sự kiện tương tự.
 
Nga phát triển hệ thống phòng thủ thiên thạch
 
Nga tất nhiên sẽ là nước đi đầu trong việc tìm kiếm các biện pháp bảo vệ đất nước trước những trận mưa thiên thạch có thể tái diễn trong tương lai. Chỉ huy Quân khu Phía Tây của Nga – Thiếu tướng Igor Makushev hôm qua (20/2) tuyên bố, Lực lượng Phòng thủ Vũ trụ Nga sẽ phát triển một loạt biện pháp nhằm bảo vệ nước Nga trước những trận mưa thiên thạch khủng khiếp hay những vật thể nguy hiểm khác từ vũ trụ.
 
“Lực lượng Phòng thủ Vũ trụ Nga đã nhận được lệnh phải xử lý vấn đề trên và đưa ra một kế hoạch cụ thể để bảo vệ Nga trước những thảm họa tương tự từ vũ trụ”, ông Makushev cho biết.
 
Thông báo trên được đưa ra vài ngày sau khi trận mưa thiên thạch tấn công vào bầu khí quyển của Trái đất mà không hề bị phát hiện bởi các phương tiện giám sát vũ trụ đang hoạt động hiện nay. Thiên thạch này đã lao xuống vùng Urals của  Nga với sức nổ lớn, làm vỡ tan hàng loạt cửa sổ của các tòa nhà, gây phá hoại cho hàng nghìn ngôi nhà ở thành phố Chelyabinsk và làm bị thương hơn 1.200 người trong khu vực.
 
NASA ước tính, thiên thạch có đường kính 15m đã lao xuống bầu khí quyển Trái đất với tốc độ nhanh hơn tốc độ âm thanh và đã phát nổ thành một quả cầu lửa sáng rực hơn cả mặt trời.
 
“Không hệ thống giám sát vũ trụ nào kể cả của Nga và Mỹ phát hiện được vật thể vũ trụ đó cho đến khi nó đi vào bầu khí quyển”, Giám đốc Viện Thiên văn học thuộc Học viện Khoa học Nga – ông Boris Shustov hôm qua cho biết.
 
Nhà khoa học Nga thừa nhận, việc phát hiện ra thiên thạch trên là không thể vì nó đi từ hướng của Mặt trời trong khi các hệ thống radar của họ được thiết lập để phát hiện những vật thể bay trong phạm vi tốc độ được định trước.
 
Ông Shustov cho biết, các nhà khoa học Nga ước tính xung lực được tạo ra vào thời điểm xảy ra vụ nổ là vào khoảng ít nhất 500 kiloton.
 
Ông Shustov cho biết, các nhà thiên văn học chỉ phát hiện và phân loại được 2% các vật thể vũ trụ nguy hiểm có kích cỡ khoảng 50m. Đây là những vật thể có thể gây nguy hiểm khủng khiếp hơn Sự kiện Tunguska. Sự kiện Tunguska là một vụ nổ xảy ra gần Sông Podkamennaya (Under Rock) Tunguska ở vùng Evenk Autonomous Okrug, Siberi thuộc Nga hiện nay. Vụ nổ tự nhiên lớn nhất trong lịch sử Trái đất cận đại này xảy ra vào hôm 30 tháng 6 năm 1908 khi một thiên thạch nổ tung phía trên dòng sông Tunguska. Sức nổ của nó ước tính gấp 1.000 đến 2.000 lần quả bom nguyên tử thả xuống Hiroshima. Vụ nổ đã san phẳng rừng cây với 60 triệu cây trong phạm vi bán kính 40 km và làm rung chuyển mặt đất với một cơn địa chấn dữ dội.
 
“Đó là một dấu hiệu cho thấy chúng ta còn thiếu hiểu biết về vũ trụ bởi đáng ra chúng ta cần phải giám sát được ít nhất là 90% nếu không nói là tất cả các vật thể như thế từ vũ trụ”, ông Shustov nói.
 
Mỹ hối hả đổ tiền vào nghiên cứu các tiểu hành tinh trên vũ trụ
 
Cùng với Nga, nước Mỹ cũng chứng kiến một loạt các dự án kính viễn vọng phát hiện tiểu hành tinh nhận được rất nhiều nguồn tài trợ vốn và đóng góp nhằm nâng cao năng lực của nước này trước việc phát hiện các vật thể từ vũ trụ. Diễn biến này là dấu hiệu cho thấy sự quan ngại đang tăng lên ở mức toàn cầu về sự nguy hiểm và khó dự đoán của những vật thể từ vũ trụ lao xuống Trái đất.
 
“Trong suốt cuối tuần qua, chúng tôi đã chứng kiến lượt truy cập vào trang web của mình tăng lên gấp khoảng 1.000 lần so với thường ngày. Điều đó có nghĩa là hàng chục ngàn USD tiền tài trợ trên khắp thế giới đang đổ về quỹ của chúng tôi”, bà Diane Murphy - phát ngôn viên của Quỹ B612 – một công ty phi lợi nhuận đang có mong muốn phát triển loại kính viễn vọng nghiên cứu thiên băn bằng tia hồng ngoại có khả năng phát hiện các tiểu hành tinh, cho biết.
 
Trong những tuần trước khi xảy ra trận mưa thiên thạch hôm 15/2, bà Murphy cho biết, thế giới chỉ tập trung chú ý vào tiểu hành tinh 2012 DA14 được phát hiện cách đây một năm bởi một nhà thiên văn học nghiệp dư. Đúng hôm xảy ra trận  mưa thiên thạch, tiểu hành tinh này đã đi qua Trái đất ở phạm vi rất gần (27.681km).
 
“Tuy nhiên, không ai dự đoán được trận  mưa thiên thạch ở Nga và nó đã tấn công xuống Trái đất. Tôi cho rằng, mọi người thực sự đã rất sốc và nhận thấy rằng trận mưa thiên thạch tương tự có thể xảy ra ở khu vực của họ và sẽ không ai phát hiện ra khi nó đến”, bà Murphy cho biết.
 
Đây là lý do khiến các tổ chức nghiên cứu thiên văn học như Quỹ B612 đang nhận được cơn mưa tiền tài trợ để đẩy mạnh các hoạt động giúp người dân thế giới phòng thủ trước những thảm họa dội về từ vũ trụ.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc