(VnMedia) - Thủ đô New Delhi của Ấn Độ bị nhiều người gán cho cái tên “thủ đô hiếp dâm” hay là "nơi cứ ra đến cửa là sợ bị hiếp dâm". Vì sao một thành phố lớn, hiện đại và đang phát triển đầy nội lực ở một đất nước tràn sức sống như Ấn Độ lại bị gọi bằng một cái tên đáng xấu hổ như vậy. Tên gọi “thủ đô hiếp dâm” thực chất phản ánh một thực trạng đáng báo động xảy ra không chỉ ở thủ đô New Delhi mà trên toàn đất nước Ấn Độ. Đây là nơi mà phụ nữ hàng phút, hàng giờ bị quấy rối tình dục và bị cưỡng hiếp và New Delhi là thành phố “khắc tinh” với phụ nữ nhất.
21 phút xảy ra một vụ hãm hiếp phụ nữ
Hồi tháng 12 vừa rồi, không chỉ đất nước Ấn Độ mà cả thế giới bàng hoàng, rúng động trước tin một nữ sinh viên y khoa 23 tuổi bị hãm hiếp tập thể trên xe buýt, bị đánh dập dã man và bị ném ra khỏi xe trong tình trạng khoả thân, bị thương nặng cùng với người bạn trai của mình. Khi những thông tin về vụ hãm hiếp này được hé lộ dần, người ta không khỏi ghê rợn trước tính chất tàn bạo và độc ác của những kẻ phạm tội. Sau 13 ngày đấu tranh với sự sống, nữ sinh Ấn Độ đã chết tức tưởi tại một bệnh viện ở Singapore do chịu quá nhiều vết thương nghiêm trọng từ vụ bị cưỡng hiếp.
Vụ việc trên đã khiến công chúng chú ý đến nạn hãm hiếp từ lâu đã hoành hành ở Ấn Độ. Từ đây, một bức màn đã được mở ra và một phần đen tối của xã hội Ấn Độ được phơi bày.
Có thể nói, hầu như ngày nào, trên báo chí Ấn Độ cũng xuất hiện những thông tin kinh khủng như một bé 10 tháng tuổi bị hàng xóm hãm hiếp ở thủ đô New Delhi, một bé 18 tháng tuổi bị hiếp và bị bỏ lại trên đường ở Calcutta, một bé gái 14 tuổi bị hiếp và giết ở một đồn cảnh sát thuộc Uttar Pradesh, một người chồng “tạo điều kiện” để vợ mình bị hiếp dâm tập thể ở Howrah hay một cụ bà 65 tuổi bị hãm hiếp ở Kharagpur...
Tình trạng hãm hiếp phụ nữ ở Ấn Độ đã lên mức cực kỳ báo động. Theo các con số thống kê chính thức cho thấy, các vụ hãm hiếp ở Ấn Độ đã tăng gần 875% trong vòng 40 năm qua, từ 2.487 vụ năm 1971 leo lên 24.206 vụ năm 2011. Trung bình, cứ 21 phút lại xảy ra một vụ cưỡng hiếp phụ nữ.
Phụ nữ phải đối mặt với đủ các loại lạm dụng, quấy rối tình dục trên khắp đất nước Ấn Độ, từ việc huýt sáo chọc ghẹo trên đường, mò mẫm, sờ soạng trên các phương tiện giao thông đến cưỡng hiếp các nạn nhân.
Đặc biệt, trong tất cả các thành phố, thủ đô New Delhi – nơi được cho là hiện đại nhất, phát triển nhất đất nước lại chính là nơi có tỉ lệ xảy ra các vụ hãm hiếp phụ nữ cao nhất ở Ấn Độ. Thậm chí, nhiều người Ấn Độ còn cho rằng, thủ đô New Delhi là nơi cứ ra đến cửa là sợ bị hãm hiếp. Những người phụ nữ sống ở đây, đặc biệt là các nữ sinh, luôn cảm thấy không an toàn mỗi khi đi ra ngoài đường.
Vì sao New Delhi lại bị gọi là “thủ đô hiếp dâm”
Việc New Delhi bị gán cho cái tên “thủ đô hiếp dâm” hay bị gọi là nơi “cứ ra đến cửa là sợ bị hiếp dâm” là cách để người ta phản ánh thực trạng nạn tấn công tình dục phụ nữ hoành hành trên khắp đất nước Ấn Độ chứ không chỉ riêng gì khu vực thủ đô. Nhiều người đã ví thực trạng trên là “vết nhơ”, là “nỗi xấu hổ” của Ấn Độ - một đất nước đang vươn mình mạnh mẽ trên thế giới và đang được chờ đợi sẽ là một cường quốc lớn trong tương lai.
Có 3 lý do chính để tình trạng phụ nữ bị hãm hiếp, bị quấy rối tình dục “xảy ra như cơm bữa” ở Ấn Độ. Một trong những lý do đó là tình trạng trọng nam khinh nữ. Mặc dù Ấn Độ đang nỗ lực xây dựng một đất nước hiện đại hơn, tự do hơn và cởi mở hơn nhưng trong xã hội này vẫn đang tồn tại một quan niệm cổ hủ, xuất phát từ xa xưa. Phụ nữ trong xã hội Ấn Độ vẫn bị coi là “công dân hạng hai”, là tầng lớp thấp hơn so với nam giới. Thậm chí ngay cả trong những tầng lớp người dân giàu có hơn, có học thức hơn, người ta vẫn chưa xóa bỏ được khỏi đầu quan niệm phân biệt giới tính, coi thường phụ nữ và đề cao đàn ông.
Hàng năm, hàng ngàn thai nhi bé gái bị nạo phá chỉ bởi vì quan niệm thích con trai hơn con gái. Tình trạng này đã dẫn đến tỉ lệ nam/nữ không đồng đều, đặc biệt là khu vực phía nam thủ đô New Delhi.
Khi mà phụ nữ thiếu, nam giới thừa thì tình trạng buôn bán phụ nữ, ép gả cưới, nạn mại dâm, hãm hiếp liên tục xảy ra và vòng xoáy đó cứ diễn ra không ngừng.
Và trong khi Đảng Quốc đại cầm quyền của Ấn Độ đang ra sức lên án vụ hãm hiếp tập thể nữ sinh y khoa và cam kết mạnh tay hơn với nạn hiếp dâm thì dường như không chính khách nào quan tâm đến việc giải quyết cốt lỗi nguyên nhân từ vấn đề quan niệm, văn hóa ăn sâu vào đầu người dân đất nước này.
Nguyên nhân thứ hai mà thực tế cũng xuất phát từ quan niệm trọng nam khinh nữ ở trên, đó là tình trạng các vụ hãm hiếp thường bị đổ lỗi cho nạn nhân. Đây là nguyên nhân khiến hầu hết các nạn nhân có xu hướng im lặng, không thông báo cho các cơ quan chức năng vì sợ gia đình biết chuyện và trở thành mục tiêu của sự chế giễu. Ngay cả những người thân gia đình cũng tìm cách che giấu chuyện này. Nói đâu không xa, ngay như trường hợp vụ nữ sinh y khoa 23 tuổi bị hãm hiếp, bất chấp sự phẫn nộ trào dâng khắp đất nước Ấn Độ, một nhân vật có ảnh hưởng ở nước này còn dám công khai lên tiếng chỉ trích lỗi một phần ở nạn nhân.
Nguyên nhân thứ ba là tình trạng cảnh sát phớt lờ tội phạm hiếp dâm và đôi khi những kẻ gây tội ác không bị xét xử hoặc là bị kết án quá nhẹ. Tất cả thực tế này đã khiến cho tình trạng hãm hiếp phụ nữ gia tăng mạnh mẽ trong những năm qua.
Sau vụ hiếp dâm chấn động đất nước hồi tháng 12, người dân Ấn Độ đã đặt câu hỏi với chính phủ và các cơ quan pháp luật nước này. Câu hỏi đó là, “Vì sao chỉ có 26 trong số 100 kẻ hiếp dâm bị kết tội”.
Cảnh sát Ấn Độ cũng thường từ chối chấp nhận những lời khai báo của các nạn nhân nữ có đủ dũng khí đến trình báo về việc họ bị xâm hại. Việc những tên tội phạm hiếp dâm ít bị truy tố đã khiến cho những kẻ tội phạm này trở nên táo bạo hơn.
Mới đây hôm 27/12 đã từng xảy ra vụ việc một cô gái trẻ 18 tuổi uống thuốc độc tự tử sau khi cảnh sát phớt lờ lời tố cáo bị hiếp dâm của cô. Giới chức cầm quyền đã đình chỉ công tác của một sĩ quan cảnh sát và sa thải hai cảnh sát khác vì tội trì hoãn điều tra và hành động trong vụ việc trên. 3 tên tội phạm trong vụ hãm hiếp cô gái 18 tuổi chỉ bị bắt đúng một tháng sau khi tội ác này được tố cáo.
Thực trạng ở Ấn Độ là thậm chí những tội ác chống lại phụ nữ kinh hoàng nhất cũng sớm bị lãng quên trừ nạn nhân và người nhà họ. Thông thường, những nạn nhân của các vụ hãm hiếp thường phải đấu tranh một cách cô đơn và lâu dài để đòi công lý và vì thế, đôi khi bản thân họ cảm thấy chán nản và từ bỏ cuộc đấu tranh không được công nhận của mình.
Trong trường hợp vụ hiếp dâm được đưa ra xét xử thì nạn nhân thường phải chờ đợi rất lâu, có khi đến hàng năm. Và kết quả thường là, những tên yêu râu xanh bị xét xử rất nhẹ bởi thẩm phán nhiều khi chấp nhận những lý lẽ mà những tên tội phạm này đưa ra như chúng gây tộc ác đó lúc say rượu hoặc chúng sống xa gia đình hoặc chúng có cả một gia đình phải chăm lo hoặc có cả những lý do rất vô lý rằng một người đàn ông ở tầng lớp cao không thể nào cưỡng hiếp một phụ nữ ở tầng lớp thấp.
Các cơ quan chức năng của Ấn Độ dưới sức ép mạnh mẽ của người dân hiện giờ đang đẩy mạnh các biện pháp bảo vệ phụ nữ, trong đó có việc đưa ra luật mới từng phạt nghiêm khắc hơn đối với tội hiếp dâm. Tuy nhiên, chỉ luật pháp thôi sẽ không đủ mà điều quan trọng nhất phải là giải quyết nguyên nhân sâu xa trong văn hóa, trong quan niệm của xã hội. Chừng nào quan niệm xã hội chưa thay đổi, phụ nữ chưa được tôn trọng và đối xử bình đẳng thì chừng đó, nạn hãm hiếp ở phụ nữ vẫn chưa thể được ngăn chặn hiệu quả.
Kiệt Linh
Ý kiến bạn đọc