(VnMedia) - Hôm qua (24/1), Nhà Trắng đã lên tiếng chỉ trích kế hoạch thử tên lửa của CHDCND Triều Tiên, coi đó là “một hành động gây hấn vô ích”.
Người phát ngôn của Nhà Trắng – Jay Carney nói trong một cuộc họp báo vắn rằng: “Tuyên bố của Triều Tiên là một động thái gây hấn vô ích, và thử hạt nhân sẽ là một hành động vi phạm nghiêm trọng các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
“Những hành động gây hấn hơn nữa sẽ chỉ làm Bình Nhưỡng thêm cô lập và việc họ tiếp tục tiến hành chương trình hạt nhân và tên lửa cũng sẽ chẳng giúp ích gì cho người dân Triều Tiên”, ông Carney nói thêm.
Trước đó, hôm qua (24/1), để đáp trả lệnh trừng phạt mở rộng của Liên Hợp Quốc, CHDCND Triều Tiên đã tuyên bố sẽ tiếp tục tiến hành thử tên lửa mang đầu đạn hạt nhân và đang chuẩn bị cho vụ thử này.
Ủy ban Quốc phòng Triều Tiên nói cho một tuyên bố được đăng tải trên hãng thông tấn chính thức KCNA của nước này rằng: “Trong bối cảnh mới của cuộc chiến kéo dài hàng thế kỷ nay với Mỹ, chúng tôi không giấu giếm một sự thật rằng, các loại vệ tinh, tên lửa tầm xa mà chúng tôi sẽ tiếp tục phóng đi cũng như các vụ thử tên lửa ở cấp độ cao hơn mà chúng tôi sắp tiến hành đều nhằm vào kẻ thù không đội trời chung của chúng tôi – Mỹ”.
Tuyên bố của Bình Nhưỡng đã vấp phải những phản ứng gay gắt của cộng đồng quốc tế. Hàn Quốc cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc trước tuyên bố của Triều Tiên và kêu gọi quốc gia láng giềng từ bỏ mọi kế hoạch thử hạt nhân.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Đức - Guido Westerwelle cũng bày tỏ sự phản đối, mô tả kế hoạch của Triều Tiên là một hành động khiêu khích, và cho rằng hành động này chỉ khiến Bình Nhưỡng càng thêm bị cô lập trong thế giới này.
Ông kêu gọi Bình Nhưỡng tuân thủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và “không làm trầm trọng thêm tình hình trên Bán đảo Triều Tiên bằng những hành động vô trách nhiệm”.
Ngay sau khi Triều Tiên đưa ra tuyên bố trên, đặc phái viên Mỹ về vấn đề Triều Tiên – Glyn Davies kêu gọi Bình Nhưỡng không tiến hành thử hạt nhân.
"Việc Triều Tiên có thử hạt nhân hay không đều phụ thuộc vào Triều Tiên. Tuy nhiên, chúng tôi hy vọng họ sẽ không làm điều đó. Chúng tôi kêu gọi họ không làm điều đó. Sẽ là một sai lầm lớn nếu họ làm như vậy”, ông nói.
Còn tại Nga, một số nghị sỹ lại cho rằng, tuyên bố của Triều Tiên chỉ là một sự phô diễn sức mạnh bằng lời nói chứ nó sẽ không đi kèm với hành động cụ thể.
Phó Chủ tịch Ủy ban Quan hệ Quốc tế thuộc Hạ viện Nga – ông Leonid Kalashnikov cho biết: “Tuyên bố mới nhất về vụ thử hạt nhân sắp tới chỉ thể hiện ước muốn được tự bảo vệ mình trước những mối đe dọa tiềm tàng từ bên ngoài của Triều Tiên”.
Trong khi đó, một nghị sỹ khác lại cảnh báo về một sự tảy chay của cộng đồng quốc tế đối với Triều Tiên nếu nước này tiếp tục tiến hành thử hạt nhân.
Ông Leonid Slutsky – một nghị sỹ khác thuộc Duma Quốc gia cho rằng: “Đó là quyền của Triều Tiên, nhưng phản ứng của cộng đồng quốc tế sẽ cực kỳ mạnh mẽ”.
Công nghệ tên lửa của Triều Tiên đã phát triển đến mức nào?
Trước đó, hôm 23/1, các nguồn tin Chính phủ Nhật Bản đưa tin, Triều Tiên có thể đã có công nghệ phóng tên lửa đạn đạo tầm xa trên 10.000 km, đủ khả năng bắn tới bờ biển phía Tây nước Mỹ.
Nguồn tin trên dẫn một báo cáo của Bộ Quốc phòng Nhật Bản về vụ phóng tên lửa gây tranh cãi của Bình Nhưỡng ngày 12/12/2012 cho biết tên lửa ba tầng của Bình Nhưỡng có khả năng mang vật liệu nặng. Báo cáo này cũng cho biết, vụ phóng tên lửa gần đây mà dư luận cho rằng chỉ là vỏ bọc của một vụ thử công nghệ tên lửa đạn đạo tầm xa, chứng tỏ khả năng phóng tên lửa của Triều Tiên đã được cải thiện.
Báo cáo nêu rõ sự phát triển công nghệ tên lửa của Triều Tiên "đã bước sang một giai đoạn mới," bộc lộ một "mối quan ngại nghiêm trọng đối với cộng đồng quốc tế."
Tuy nhiên, một quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Nhật Bản nhận định rằng Triều Tiên rõ ràng chưa có công nghệ bắn tên lửa đạn đạo liên lục địa với một đầu đạn hạt nhân có khả năng tấn công nước Mỹ. Theo ông, để làm được điều này, Bình Nhưỡng cần phát triển công nghệ tới mức thu nhỏ đầu đạn hạt nhân và bảo vệ nó trước nhiệt độ cao và ma sát khi tên lửa quay trở lại tầng khí quyển.
Được biết, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori onodera sẽ báo cáo những phát hiện trên tại một cuộc họp về an ninh quốc gia vào ngày hôm nay (25/1).
Trước nữa, vào ngày 18/1, tờ Thời báo New York đưa tin, Triều Tiên đang di chuyển các bệ phóng tên lửa di động đi khắp đất nước, một vài trong số đó chở thế hệ tên lửa mới có hỏa lực mạnh.
Phát hiện này của tình báo Mỹ đã buộc Nhà Trắng phải đánh giá lại liệu năng lực tên lửa của Bình Nhưỡng có đang được cải thiện hay không.
Các chuyên gia về tên lửa của Triều Tiên cho rằng tên lửa di động mới KN-08 được thiết kế với tầm bắn có khả năng tấn công Hàn Quốc, Nhật Bản và các vùng ở Đông Nam Á.
Đan Khanh -
(Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc