Trung Quốc tung chiến đấu cơ chủ lực ra biển

10:03, 18/01/2013
|

(VnMedia) - Đơn vị Không quân thuộc Lực lượng Hải quân, Quân đội Nhân dân Trung Hoa, vừa tiến hành các cuộc tập trận tấn công ở cả Biển Đông và biển Hoa Đông trong một nỗ lực nhằm phô trương sức mạnh trực tiếp với các nước đang có tranh chấp với Trung Quốc, các chuyên gia hải quân cho biết.

 

 Ảnh minh họa

 J-10 của Trung Quốc (trong ảnh) gần đây có cuộc "đối đầu" với F-15 thiện chiến của Nhật Bản. Sức mạnh của F-15 được đánh giá là nhỉnh hơn so với J-10.


Những bức ảnh được đăng tải trên website của Hải quân Trung Quốc hôm 16/1 cho thấy, một loạt máy bay chiến đấu J-10 đã được Hạm đội Đông Hải phái đến vùng biển Hoa Đông, gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, để tập trận. Đây là quần đảo đang nằm trong cuộc tranh chấp nóng bỏng giữa Trung Quốc và Nhật Bản.

 

Website của Hải quân Trung Quốc cho biết, cuộc tập trận trên diễn ra “gần đây” nhưng không cho biết thời giờ cụ thể. Đơn vị Không quân của Hải quân Trung Quốc đã thực hiện cuộc tập trận bắn đạn thật với tên lửa không đối không.

 

Hàng chục chiếc chiến đấu cơ J-10 được tổ chức thành 10 đội hình, sử dụng nhiều chiến thuật khác nhau để tiếp cận mục tiêu ở khoảng cách xa hơn 1.000km. Cuộc tập trận được tiến hành dựa trên kịch bản chiến đấu thực sự, trong đó các chiến đấu cơ J-10 che giấu cho nhau trong một cuộc đột kích bí mật để tiêu diệt mục tiêu.

 

J-10 là máy bay chủ lực của Không quân Trung Quốc, có khả năng tác chiến và độ tin cậy cao hơn hẳn so với J-11 nên Trung Quốc dự định cho đến năm 2025 sẽ chế tạo khoảng 1.200 chiếc thuộc thế hệ J-10 để thay thế các loại máy bay đời cũ như J-7, J-8, Q-5E, Su-27...

 

Ngoài cuộc tập trận ở Biển Hoa Đông, Trung Quốc còn tiến hành một cuộc tập trận bắn đạn thật khác ở Biển Đông. Cuộc tập trận này do Hạm đội Nam Hải tiến hành hôm 8/1 với sự tham gia của các máy bay ném bom Hong-6. Trong cuộc tập trận này, các máy bay ném bom Hong-6 đã thực hiện tấn công vào một cảng cách căn cứ hải quân ở Trạm Giang, Quảng Đông khoảng hơn 1.000km. Các phi công đã bay hơn 8 giờ đồng hồ từ Trạm Giang để thực hiện cuộc tấn công giả định diễn ra ở vùng biển xa.

 

Hong-6 là thiết kế mà Trung Quốc sao chép được từ máy bay ném bom tầm trung Tupolev Tu-16 (Badger) của Nga. Sau hơn ba thập kỉ, những chiếc Hong-6 vẫn còn là xương sống của đội máy bay ném bom tầm xa của quân đội Trung Quốc. Ngày nay, Trung Quốc là nước duy nhất trên thế giới mà Tu-16/Hong-6 vẫn còn hoạt động. Những chiếc Hong-6 đóng vai trò là máy bay ném bom chiến thật và hạt nhân, máy bay ném bom mang tên lửa chống hạm, tiếp dầu trên không, trinh sát điện tử, thử nghiệm động cơ và là bệ phóng tên lửa hành trình.

 

Hai cuộc tập trận bắn đạn thật ở hai vùng biển “nóng” nói trên diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Trung Quốc và các nước láng giềng đang xấu đi nghiêm trọng vì những cuộc tranh chấp lãnh thổ.

 

Tuần trước, Bắc Kinh thừa nhận đã đưa hai chiếc chiến đấu cơ J-10 vào giám sát máy bay Nhật Bản ở gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Động thái này của Trung Quốc đã vấp phải đòn phản ứng dữ dội từ Nhật Bản. Tokyo đang cân nhắc triển khai một loạt máy bay chiến đấu đáng sợ nhất của nước này – F-15 đến đảo Shimoji-jima, Okinawa để đối phó với Trung Quốc. Đây là hòn đảo chỉ cách quần đảo tranh chấp giữa Trung-Nhật khoảng 5 phút bay.

 

Ông Ni Lexiong – Giám đốc Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc phòng và Sức mạnh trên biển của trường Đại học Luật và Khoa học Chính trị Thượng Hải, nhận định, các cuộc tập trận vừa diễn ra cho thấy, “Hải quân Trung Quốc đã thay đổi chiến lược từ phòng vệ gần bờ đến phản công ngoài vùng biển xa”.

 

"Các cuộc tập trận ở Biển Đông và biển Hoa Đông rõ ràng là nhằm để cảnh báo Nhật Bản và các nước Đông Nam Á khác rằng, quân đội Trung Quốc đã chuẩn bị sẵn sàng cho bất kỳ cuộc chiến nào có thể xảy ra”, ông Ni nói.

 

Trung Quốc tiến hành hai cuộc tập trận ở hai vùng biển tranh chấp sau khi Bộ Tổng tham mưu Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA) kêu gọi các tướng lĩnh và binh sĩ củng cố khả năng sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh có thể xảy ra. PLA cũng tuyên bố sẽ tiến hành thêm nhiều cuộc tập trận quân sự dựa trên các kịch bản chiến đấu thực sự.

 

Trong một chỉ thị về đào tạo quân đội được đưa ra năm 2013, Bộ Tổng tham mưu PLA cho biết, quân đội quyết tâm tăng cường năng lực chiến đấu bằng cách tiến hành thêm nhiều các cuộc tập trận dựa trên những tình huống, kịch bản có thật trên chiến trường. Theo chỉ thị này, tất cả các binh lính Trung Quốc đều phải luôn sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh hay bất kỳ cuộc khủng hoảng nào.

 

Từ tháng 4 năm ngoái đến nay, Trung Quốc liên tiếp có các cuộc đối đầu căng thẳng và nảy lửa với các nước láng giềng trong khu vực vì tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Trong những cuộc tranh chấp này, Trung Quốc liên tục đưa ra những hành động hung hăng, hiếu chiến nhằm “khẳng định chủ quyền” ở những vùng tranh chấp. Mỗi ngày, Trung Quốc lại một lộ rõ hơn âm mưu độc chiếm Biển Đông. Bắc Kinh cũng quyết giành giật cho bằng được quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông đang nằm trong sự quản lý của Nhật Bản.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc