Trung Quốc muốn né tránh tranh chấp với Nhật?

08:54, 26/01/2013
|

(VnMedia) - Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc – Tập Cận Bình hôm qua (25/1) đã lên tiếng  kêu gọi một cuộc đối thoại để giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh hải với Nhật Bản, đồng thời nói rằng, ông sẽ "xem xét nghiêm túc" đề xuất tổ chức một hội nghị thượng đỉnh giữa các nhà lãnh đạo hai bên.
 
Ông Tập Cận Bình đưa ra tuyên bố trên trong một cuộc gặp với ông Natsuo Yamaguchi – Chủ tịch Đảng Công  minh Mới thuộc liên minh cầm quyền trong chính phủ Nhật Bản trong chuyến công du của ông tới Bắc Kinh vào hôm qua (25/1).
  
Đến Bắc Kinh, ông Yamaguchi cũng đã trao cho Tổng bí thư Tập Cận Bình bức thư của Tân Thủ tướng Nhật Bản – Shinzo Abe, trong đó kêu gọi đối thoại và hợp tác nhiều hơn giữa Tokyo và Bắc Kinh.
 
Đây là cuộc gặp cấp cao nhất giữa lãnh đạo hai nước kể từ khi căng thẳng xung quanh tranh chấp quần đào Điếu Ngư/Senkaku trên biển Hoa Đông bùng phát hồi tháng 9 vừa qua khi Nhật Bản tuyên bố quốc hữu hóa quần đảo này.
   
Phát biểu trong một cuộc họp báo vắn sau cuộc gặp, ông Yamagichi cho biết, ông Tập nói sẽ “xem xét nghiêm túc” đề xuất về việc tổ chức một hội nghị thượng đỉnh cấp cao giữa hai nước nhằm giải quyết tranh chấp, nhưng cũng cho biết sẽ đưa ra điều kiện để hội nghị này có thể thực thi.

Ảnh minh họa
Chủ tịch Đảng Công Minh Mới Nhật Bản (trái) và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (phải) trong cuộc gặp hôm 25/1. Ảnh Xinhua.

“Quan điểm của Trung Quốc về quần đảo Điếu Ngư là nhất quán và rõ ràng”, ông Tập nói, đồng thời kêu gọi phía Nhật Bản tôn trọng lịch sử cũng như thực tại và cùng Trung Quốc nỗ lực để tìm ra biện pháp hiệu quả nhất cho việc giải quyết tranh chấp thông qua tham vấn và đối thoại.
 
Hãng tin Tân Hoa xã dẫn lời ông Tập cho biết: “Trong tình hình hiện tại, chúng ta cần có trách nhiệm đối với dân tộc và lịch sử, đồng thời thể hiện sự khôn ngoan về chính trị, như các thế hệ lãnh đạo trước của hai nước từng làm để vượt qua các khó khăn, rào cản và cải thiện mối quan hệ”.

“Chỉ bằng cách dùng lịch sử làm tấm gương phản chiếu thì chúng ta mới có thể hướng tới tương lai”, ông Tập nói, đồng thời nhấn mạnh rằng, phía Nhật Bản cần tôn trọng cảm xúc của người dân Trung Quốc và giải quyết vấn đề một cách thỏa đáng.
 
Các nhà phân tích cho rằng, việc đề cập tới “các thế hệ trước” trong lời nói của ông Tập là ám chỉ tới tuyên bố của cố Thủ tướng Chu Ân Lai năm 1972 .
 
Theo đó, năm 1972, khi Thủ tướng Nhật Bản khi đó là ông Kakuei Tanaka thăm Trung Quốc, ông đã hỏi Thủ tướng Chu Ân Lai về việc tranh chấp giữa hai nước và ông Chu lúc đó đã nói rằng ông không muốn bàn về vấn đề tranh chấp tại thời điểm đó và muốn tạm gác lại tranh chấp.
 
Ông Tập cũng cho rằng, cả hai bên nên tôn trọng các nguyên tắc trong 4 văn bản và thỏa thuận về thúc đấy mối quan hệ song phương đạt được giữa hai nước từ năm 1972 đến 2008.
 
Các nhà phân tích Trung Quốc cho rằng, hội nghị thượng đỉnh giữa hai bên sẽ không được tổ chức sớm nhưng có thể căng thẳng giữa hai nước sẽ có phần lắng dịu sau cuộc gặp này.
 
Trong khi đó, ông Lý Bảo Đông – Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc hôm qua nói trong Diễn đàn Kinh tế Thế giới đang diễn ra tại Davos rằng, Trung Quốc hy vọng chính phủ mới của Nhật Bản sẽ “có những biện pháp đúng đắn để đưa mối quan hệ Trung-Nhật trở lại đúng quỹ đạo”.

Nhật Bản hoan nghênh thái độ của Trung Quốc
 
Về phía mình, ông Natsuo Yamaguchi cũng cho biết, nước này sẽ đối thoại một cách cởi mở hơn với Bắc Kinh để giải quyết tranh chấp leo thang suốt những tháng vừa qua giữa Bắc Kinh và Tokyo.
 
Ông Yamaguchi tuy không có vị trí chính thức trong chính phủ Nhật Bản nhưng là một nhà lãnh đạo tương đối theo chủ nghĩa hòa bình của đảng Công Minh Mới. Đảng của ông đã cùng liên minh với Đảng Dân chủ Tự do để đưa lãnh đạo của đảng này, ông Shinzo Abe trở lại với chức vụ Thủ tướng Nhật Bản.
 
“Tôi tin chắc rằng sự khác biệt giữa chúng tôi với Trung Quốc có thể được giải quyết. Chúng tôi đồng ý rằng điều quan trọng là tiếp tục đối thoại với mục đích có thể tổ chức một hội nghị thượng đỉnh Trung – Nhật giữa hai nhà lãnh đạo”, ông Yamaguchi nói.
 
Chính phủ Nhật Bản cũng đã bày tỏ hoan nghênh những phát biểu của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 25/1, và hoan nghênh thái độ sẵn sàng tổ chức cuộc gặp cấp cao song phương của Bắc Kinh trong bối cảnh quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất châu Á này rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua do tranh cãi chủ quyền đối với quần đảo trên biển Hoa Đông.
 
Phát biểu trước báo giới Nhật Bản sau cuộc gặp của Chủ tịch Đảng Công Minh Mới Nhật Bản – Yamaguchi và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung  Quốc – Tập Cận Bình, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết: “Tôi nghĩ sẽ thật tốt đẹp, đối với cả Nhật Bản, khi lãnh đạo cấp cao hai nước tiến hành đối thoại.”
 
Ông Suga cho biết ông thấy hài lòng với cuộc gặp giữa Tổng Bí thư Tập Cận Bình và ông Yamaguchi.
 
Tuy vậy, Tokyo vẫn  khẳng định, họ sẽ tăng cường mọi khả năng để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của mình.
 
Quần đảo mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư còn Nhật Bản gọi là Senkaku đang là tâm điểm gây nên mối căng thẳng giữa hai cường quốc đừng đầu châu Á này.

Trung Quốc luôn khẳng định quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là lãnh thổ của mình và không đồng ý những tranh chấp về vấn đề này. Những hòn đảo này nằm trong quyền kiểm soát của Nhật Bản vào năm 1895 và là một phần trong hiệp ước với Mỹ về các khu vực chiếm đóng quân sự từ năm 1945 đến 1972. Sau thời gian đó, quần đảo được Tokyo tiếp quản từ chính quyền Mỹ trong sự phản đối của Trung Quốc và Đài Loan.
 
Trung Quốc đã yêu cầu Liên Hợp Quốc xem xét về những giá trị khoa học cũng như pháp lý về yêu sách của nước này đối với quần đảo tranh chấp như là một phần mở rộng tự nhiên của thềm lục địa nước này theo quy ước của Liên Hợp Quốc. Nhật Bản cảnh báo các bên không liên quan không nên tham gia vào tranh chấp và khẳng định quần đảo này thuộc chủ quyền của Nhật Bản. Hồi tháng 9 năm ngoái, Tokyo đã chính thức quốc hữu hóa 3 trong số các đảo thuộc quần đảo này bằng cách mua lại chúng từ một chủ sở hữu tư nhân. Động thái này khiến cho mối căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản xung quanh quần đảo này lên tới đỉnh điểm.


Đan Khanh - (tổng hpp)

Ý kiến bạn đọc