(VnMedia) - Trong khi ngang nhiên đưa tàu hải giám ra tuần tra vùng tranh chấp đồng thời thực thi một luật bị cộng đồng quốc tế phản đối, Trung Quốc vẫn ngang ngược yêu cầu Việt Nam không được áp dụng luật biển mới.
Sau khi được văn phòng Chủ tịch nước công bố ngày 16/7/2012, hôm 1/1/2003, Luật Biển Việt Nam chính thức có hiệu lực thi hành. Luật này sẽ giúp tăng cường cơ sở pháp lý để bảo vệ chủ quyền của Việt Nam.
Với 7 Chương và 55 Điều, Luật Biển Việt Nam có đầy đủ các quy định về đường cơ sở, nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, các đảo, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và quần đảo khác thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam... Đây là lần đầu tiên Việt Nam có một văn bản quy định đầy đủ chế độ pháp lý các vùng biển theo đúng tinh thần UNCLOS – bản “hiến pháp đại dương”, buộc mọi tổ chức, cá nhân phải tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế có liên quan khi hoạt động trong vùng chủ quyền của Việt Nam.
Phản ứng trước việc Luật Biển của Việt Nam chính thức có hiệu lực, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hua Chunyang đã ra một tuyên bố bày tỏ sự “quan ngại và kêu gọi Việt Nam kiềm chế không đưa ra bất kỳ hành động nào nhằm làm phức tạp và leo thang căng thẳng giữa hai nước”.
Nữ phát ngôn viên Trung Quốc còn trắng trợn tuyên bố chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vốn thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam.
Bà Hua còn nói, bất kỳ hành động đòi chủ quyền nào của các nước khác đối với những quần đảo nói trên đều là “bất hợp pháp và không có giá trị”.
Những phát biểu phi lý và trắng trợn trên được người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc được đưa ra khi mà chính Trung Quốc đang một mình “khuấy đảo” Biển Đông. Đúng ngày Luật Biển của Việt Nam chính thức có hiệu lực, Trung Quốc đã ngang nhiên đưa hai tàu hải giám ra gần Vịnh Bắc Bộ ở khu vực tranh chấp trên Biển Đông để tuần tra. Trắng trợn hơn, Trung Quốc còn bắt đầu thực thi luật mới cho phép cảnh sát nước này chặn và bắt tàu của các nước khác ở vùng biển tranh chấp.
Điều đáng “kinh ngạc” là Trung Quốc phản đối và bày tỏ lo ngại với Luật Biển của Việt Nam khi mà luật này được xây dựng tương thích cao với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển – UNCLOS 1982. Tính tương thích này thể hiện rõ trong điều 2.2 của luật Biển: Trường hợp quy định của luật này khác với quy định của điều ước quốc tế mà nước CHXHCN Việt Nam là thành viên thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó. Mặt khác, theo luật quốc tế, khi phê chuẩn UNCLOS năm 1994, Việt Nam cũng như các quốc gia thành viên có nghĩa vụ thực hiện đúng các cam kết của mình đối với các quy định của luật Biển.
UNCLOS 1982 là công ước khung quan trọng nhất thiết lập một trật tự pháp lý mới công bằng trên biển, bảo đảm tốt nhất quyền lợi biển của các quốc gia ven biển và các quốc gia khác.
Luật Biển của Việt Nam tôn trọng luật quốc tế và không bị các nước phản đối. Trong khi đó, Trung Quốc lại thực thi một điều luật mới bị một loạt nước phản đối dữ dội. Theo luật này, lực lượng cảnh sát ở tỉnh Hải Nam, phía nam Trung Quốc, được quyền chặn, xông lên lục soát và chiếm giữ những tàu nước khác mà nước này tuyên bố là “đi vào vùng lãnh hải của Trung Quốc một cách bất hợp pháp”. Cảnh sát tỉnh Hải Nam cũng được quyền bắt tàu nước khác phải chấm dứt hành trình và đổi hướng khi đi vào vùng tranh chấp mà Trung Quốc tự nhận là thuộc chủ quyền của mình.
Trung Quốc đã công bố luật trên từ hồi tháng 11 năm ngoái và nó đã vấp phải sự chỉ trích dữ dội không chỉ từ phía các nước có tranh chấp ở Biển Đông với Trung Quốc mà cả các nước khác trong khu vực và các nước phương Tây. Trung Quốc đòi chủ quyền đối với hầu hết khu vực Biển Đông, nếu thực thi luật này thì khả năng tàu thuyền các nước đụng độ với hải quân Trung Quốc là điều rất dễ xảy ra.
Philippines cho rằng Trung Quốc “đã đi quá xa” trong khi Singapore, Mỹ và ASEAN bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về luật mới của Trung Quốc. Các nhà ngoại giao hàng đầu của ASEAN cảnh báo về khả năng xảy ra đụng độ trên biển. Trong khi đó, Mỹ tuyên bố sẽ yêu cầu Trung Quốc phải giải trình về điều luật trên.
Với những diễn biến ở trên, chắc chắn ai cũng có thể nhận thấy rõ, nước nào mới là nhân tố gây căng thẳng và làm leo thang tình hình ở Biển Đông. Việt Nam luôn thể hiện một lập trường chắc chắn, kiên định trong việc bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông, tuân thủ nghiêm túc UNCLOS 1982 và không gây căng thẳng trong khu vực.
Kiệt Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc