Trung Quốc lại hung hăng “khuấy tung” Biển Đông

11:26, 12/01/2013
|

(VnMedia) - Giữa bối cảnh sóng gió Biển Đông vẫn còn đang cuộn trào, Trung Quốc lại tiếp tục có thêm hành động “khuấy tung” vùng biển này bằng việc lần đầu tiên đưa ra bản đồ Trung Quốc mới bao gồm hàng loạt những quần đảo đang nằm trong tranh chấp với các nước trong khu vực.
 
Hãng tin Tân Hoa xã dẫn nguồn Cơ quan Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa chất quốc gia Trung Quốc (NASMG) hôm qua (11/1) thông báo, lần đầu tiên nước này đưa ra một tấm bản đồ mới trong đó đánh dấu thể hiện rõ hơn 130 đảo lớn nhỏ ở Biển Đông và quần đảo tranh chấp với Nhật Bản ở biển Hoa Đông thuộc Trung Quốc đại lục. Đây là một hành động hung hăng, trắng trợn thêm nữa của Trung Quốc trong tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc.
 
Các bản đồ mới với định dạng theo chiều dọc, do Nhà xuất bản Sinomaps ấn hành, đã đưa hơn 130 đảo và quần đảo lớn nhỏ ở Biển Đông vào lãnh thổ của Trung Quốc. Trước đây, hầu hết những đảo và quần đảo đó không được Trung Quốc đưa vào bản đồ của nước này, Cơ quan Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa chất quốc gia Trung Quốc (NASMG) cho biết.
 
Theo Tân Hoa xã, tấm bản đồ mới trên sẽ không được công bố ra trước công chúng cho đến cuối tháng này.
 
Giám đốc Nhà xuất bản Sinomaps - ông Xu Gencai, cho biết, mục đích ấn hành loại bản đồ mới nhằm “tăng cường nhận thức của người dân Trung Quốc về lãnh thổ quốc gia, bảo vệ quyền lợi biển của Trung Quốc và thể hiện lập trường ngoại giao chính trị của nước này”.
 
Trung Quốc đang có tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông với một loạt nước láng giềng bao gồm Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei và Vùng lãnh thổ Đài Loan. Trong thời gian vừa qua, người ta đã chứng kiến Trung Quốc liên tiếp có những cuộc đối đầu căng thẳng với các nước trong khu vực vì tranh chấp ở Biển Đông.
 
Biển Đông là khu vực giàu dầu mỏ, khí đốt và là nơi có nhiều tuyến đường hàng hải chiến lược quan trọng. Trung Quốc có tham vọng độc chiếm Biển Đông nên gần đây, nước này liên tục có những bước đi lấn tới nhằm thực hiện tham vọng của họ.
 
Việc Trung Quốc đưa ra bản đồ mới trong đó có một loạt đảo và quần đảo tranh chấp ở Biển Đông là bước đi mới nhất trong một loạt những động thái đầy khiêu khích của Trung Quốc gần đây. Diễn biến mới nhất chắc chắn sẽ khiến sóng gió Biển Đông nổi lên dữ dội hơn. Trước đó, hồi cuối năm ngoái, Trung Quốc từng khiến không chỉ các nước láng giềng bất bình mà còn bị cộng đồng quốc tế phản đối mạnh mẽ khi đưa bản đồ có đường lưỡi bò (đường 9 đoạn) vào hộ chiếu phổ thông mới của nước này.
 
Ngoài các đảo và quần đảo tranh chấp ở Biển Đông, bản đồ mới của Trung Quốc cũng đưa quần đảo Điếu Ngư/Senkaku ở biển Hoa Đông vào lãnh thổ của nước này. Động thái này diễn ra trong bối cảnh cuộc tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang nóng bỏng hơn bao giờ hết. Cuộc đối đầu này đã leo thang từ dưới biển lên trên không. Sau những cuộc vờn đuổi, đụng độ đầy căng thẳng giữa tàu thuyền hai nước ở vùng biển tranh chấp, giờ đây, khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư còn phải chứng kiến những cuộc đối đầu đáng lo ngại trên bầu trời giữa máy bay hai nước.
 
Trung Quốc hôm 13/12 lần đầu tiên đưa máy bay do thám vào vùng tranh chấp. Từ đó đến nay, đã 5 lần liên tiếp, máy bay Trung Quốc tiếp cận không phận ở quần đảo tranh chấp, khiến chiến đấu cơ Nhật Bản phải cất cánh khẩn cấp. Có tin, Tokyo đang cân nhắc khả năng cho phép những chiếc F-15 của mình bắn cảnh cáo máy bay Trung Quốc ở không phận thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
 
Ngoài việc đưa ra bản đồ mới, Trung Quốc ngày hôm qua cũng đã thiết lập Hiệp hội Các Vấn đề Hàng hải Trung Quốc ở thủ đô Bắc Kinh. Theo tuyên bố của Trung Quốc, mục đích thành lập cơ quan trên là để nghiên cứu nền kinh tế hàng hải, bảo vệ môi trường hàng hải và bảo vệ các lợi ích hàng hải của nước này.
 
Hiệp hội trên sẽ làm việc như một cơ quan tư vấn cho việc phát triển hàng hải của Trung Quốc và cung cấp những lời khuyên cho các nhà lập chính sách trong việc đưa ra các quyết định liên quan đến phát triển chiến lược hàng hải. Hội đồng chung của Hiệp hội sẽ bao gồm gần 70 học giả, chuyên gia và các quan chức đến từ các bộ ngành, các tổ chức và các công ty hàng hải khác nhau.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc