Trung Quốc không chờ Nhật bắn phát thứ 2

20:46, 23/01/2013
|

(VnMedia) - Khi máy bay chiến đấu Trung Quốc và Nhật Bản lần đầu chạm trán trên bầu trời vùng tranh chấp ở Biển Hoa Đông hồi đầu tháng này, Nhật Bản đã nhanh chóng tuyên bố quyền được bắn vào chiến đấu cơ Trung Quốc. Bắc Kinh đã phản ứng một cách đầy giận dữ với tuyên bố này bằng lời cảnh báo sẽ không để Tokyo bắn đến phát đạn thứ hai.

 

Nhật Bản có ý định cho phép các máy bay quân sự của nước này ra tay hành động trong trường hợp máy bay của chính phủ Trung Quốc tiếp tục bay vào không phận ở quần đảo tranh chấp.

 

Dẫn nguồn tin thân cận với chính phủ Nhật Bản, tờ Sankei Shimbun hôm 9/1 đưa tin, Tokyo đang xem xét tăng cường các biện pháp cảnh báo đối với máy bay của Trung Quốc “xâm phạm không phận Nhật Bản”. Cụ thể, Bộ Quốc phòng Nhật Bản được cho là sẽ cho phép các máy bay chiến đấu thiện chiến F-15 thuộc Lực lượng Phòng không của nước này bắn cảnh cáo bằng đạn lửa vạch đường về phía máy bay Trung Quốc nếu nó tiếp cận không phận ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

 

“Mỗi nước đều có các quy trình để đối phó với hành động xâm phạm lãnh thổ liên tiếp xảy ra sau nhiều biện pháp cảnh báo. Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng các biện pháp đáp trả phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế”, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản – ông Itsunori onodera hôm qua (22/1) đã nói như vậy khi được hỏi về kế hoạch cho phép bắn máy bay Trung Quốc của nước này. Đây không phải là lần đầu tiên các quan chức Nhật Bản đề cập đến khả năng cho chiến đấu cơ của nước này bắn cảnh cáo máy bay Trung Quốc.

 

Phản ứng trước lời cảnh báo trên của phía Nhật Bản, Trung Quốc hôm 20/1 đã tỏ ra rất tức giận và ngay lập tức đưa ra lời đe dọa. Trong khi Bộ Ngoại giao Trung Quốc tỏ ra kiềm chế hơn khi đưa ra tuyên bố sẽ “cảnh giác cao độ” trước hành động của Nhật Bản thì giới học giả quân sự Trung Quốc tung ra một loạt cảnh báo sắc lạnh. “Việc Nhật Bản muốn bắn cảnh cáo bằng đạn lửa vạch đường như một cách để đe dọa Trung Quốc không khác gì một trò đùa. Trò đùa đó cho thấy sự ngớ ngẩn và không biết giới hạn của họ”, Thiếu tướng Peng Guangqian thuộc Học viện Khoa học Quân sự Trung Quốc đã phát biểunhư vậy trên tờ China News Service và các phương tiện truyền thông khác.

 

Ông Peng còn nói: “Bắn đạn lửa vạch đường là một hành động khiêu khích. Đó sẽ được coi là hành động nổ súng đầu tiên. Nếu Nhật Bản dám bắn đạn lửa vạch đường, đồng nghĩa với việc nổ phát súng đầu tiên, Trung Quốc sẽ không thể không phản ứng và sẽ không để họ bắn đến phát đạn thứ hai”.

 

Ngay sau khi đưa ra lời đe dọa trên, Trung Quốc đã cho công bố một loạt hình ảnh về chiếc tàu khu trục 052 của Hạm đội Đông Hải vừa tham gia các cuộc tập trận bắn đạn thật ở vùng biển tranh chấp. Các cuộc tập trận này dựa trên kịch bản chiến đấu thực sự và liên quan đến cả Hạm đội Đông Hải lẫn Nam Hải. Ngoài một loạt các chiến đấu cơ và tàu nổi, tờ Bưu điện Buổi sáng Hoa Nam đưa tin, đây là lần đầu tiên lực lượng không quân thuộc Hải quân Trung Quốc bắn tên lửa không đối không ở ngoài vùng biển xa.

 

Cả Nhật Bản và Trung Quốc đều đòi chủ quyền đối với một quần đảo ở biển Hoa Đông mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư trong khi Nhật Bản gọi là Senkaku. Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư gồm 5 hòn đảo nằm cách đảo Okinawa, phía nam Nhật Bản, khoảng 160km, và cách Vùng lãnh thổ Đài Loan khoảng 200km. Chùm đảo nằm giữa Nhật Bản và Đài Loan này có nguồn cá dồi dào và có thể có cả dầu mỏ. Nó cũng nằm gần với các tuyến đường biển quan trọng.

 

Nhật Bản đang kiểm soát quần đảo Senkaku/Điếu Ngư nhưng Trung Quốc không chấp nhận điều này. Cuộc tranh chấp xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là nguyên nhân chính khiến quan hệ Trung-Nhật thường xuyên rơi vào căng thẳng. Cuộc đối đầu căng thẳng và nghẹt thở giữa hai cường quốc hàng đầu Châu Á hiện nay được châm ngòi từ việc Tokyo mua lại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư từ tay một người chủ sở hữu tư nhân hồi tháng 9 năm ngoái.

 

Cuộc đối đầu trên đang leo thang nguy hiểm từ dưới biển lên cả trên không khi Trung Quốc hôm 13/12 lần đầu tiên đưa máy bay do thám vào vùng tranh chấp. Từ đó đến nay, đã 4 lần liên tiếp, máy bay Trung Quốc tiếp cận không phận ở quần đảo tranh chấp, khiến chiến đấu cơ Nhật Bản phải cất cánh khẩn cấp. Trong lần mới nhất, Trung Quốc lần đầu tiên đưa máy bay quân sự hiện đại vào vùng tranh chấp với Nhật Bản.


Kiệt Linh - (theo BI)

Ý kiến bạn đọc