Trực thăng Trung Quốc vào chế độ chiến đấu

18:10, 21/01/2013
|

(VnMedia) - Trong bối cảnh căng thẳng với Nhật Bản leo thang vì tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông, quân đội Trung Quốc mới đây đã ra lệnh cho các đơn vị trực thăng được vũ trang của nước này chuyển từ trạng thái phục vụ các nhiệm vụ hậu cần sang chế độ chiến đấu.
 
Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA) đã lên kế hoạch thay đổi chiến lược huấn luyện cho các đơn vị trực thăng của quân đội khi ngày càng có nhiều trực thăng được vũ trang tham gia vào lực lượng này, tờ Nhật báo PLA – cơ quan ngôn luận chính thức của quân đội Trung Quốc, đưa tin.
 
Trọng tâm của đơn vị trực thăng của quân đội sẽ được chuyển từ các nhiệm vụ hậu cần sang các nhiệm vụ chiến đấu, từ xây dựng năng lực cho các hành động quân sự không liên quan chiến đấu đến các hoạt động quân sự then chốt, hãng tin Tân Hoa xã dẫn nguồn tin từ tờ Nhật báo PLA cho biết.
 
Theo chiến lược mới, các đơn vị trực thăng sẽ tập trung vào những nhiệm vụ chính như tham gia các chiến dịch tầm xa, xa bờ có quy mô lớn; phối hợp tấn công cùng với các đơn vị khác; và tham gia vào các chiến dịch không quân lớn. Ngoài ra, các đơn vị trực thăng cũng sẽ được củng cố năng lực hoạt động dựa trên công nghệ thông tin.
 
Cả Trung Quốc và Nhật Bản đều đang tăng cường các chiến dịch quân sự sau khi cuộc tranh chấp giữa họ quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư leo thang nhanh chóng.
 
PLA đã đưa ra lệnh trên trong bối cảnh quân đội Nhật Bản gần đây vừa tiến hành một cuộc tập trận quân sự với những chiếc trực thăng dựa trên kịch bản bảo vệ đảo khỏi các cuộc tấn công của kẻ thù.
 
Quân đội Trung Quốc trong những tháng qua cũng đã thực hiện nhiều cuộc tập trận liên quan đến tàu thuyền và máy bay với kịch bản nhằm chiếm và bảo vệ đảo.
 
Trung Quốc bắt đầu đẩy căng thẳng ở biển Hoa Đông leo thang nhanh chóng sau khi Tokyo hồi tháng 9 năm ngoái quyết định mua lại 3 trong số 5 đảo thuộc quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Kể từ khi đó, Trung Quốc liên tiếp đưa tàu thuyền ra vào vùng tranh chấp.
 
Sau những cuộc vờn đuổi, gầm ghè nhau của tàu thuyền hai nước Trung-Nhật ở biển, Trung Quốc đã có một bước đi leo thang mới vào ngày 13/12 vừa rồi khi nước này lần đầu tiên đưa máy bay không người lái đến quần đảo tranh chấp Senkaku. Vụ việc này đã buộc Tokyo phải cử 8 chiến đấu cơ hiện đại đi chặn đầu máy bay Trung Quốc. Sau bước mở màn leo thang trên bầu trời này, chỉ trong vòng vài tuần vừa qua, Trung Quốc đã có thêm 4 lần đưa máy bay tiếp cận quần đảo Senkaku. Đặc biệt, trong lần gần đây nhất, cách đây vài ngày, Trung Quốc đã lần đầu tiên đưa máy bay chiến đấu hàng đầu của nước này tiến vào vùng tranh chấp với Nhật Bản. Một cuộc đối đầu nguy hiểm đã diễn ra giữa chiến đấu cơ thiện chiến F-15 của Nhật Bản và máy bay chiến đấu hiện đại J-10 của Trung Quốc.
 
Nhật Bản tuần trước vừa lên tiếng cho biết, họ có thể sẽ bắn cảnh cáo và áp dụng thêm nhiều biện pháp khác để ngăn chặn máy bay nước ngoài xâm nhập vào không phận ở quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.

Trong một diễn biến có liên quan, Trung Quốc hôm Chủ nhật (20/1) cũng đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ những phát biểu gần đây của Mỹ về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
 
Trước đó, hôm 18/1, Ngoại trưởng Hillary Clinton đã nói, Mỹ không đứng về bên nào trong các cuộc tranh chấp chủ quyền ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Tuy nhiên, bà Hillary thừa nhận, quần đảo này đang nằm trong thẩm quyền quản lý hành chính của Nhật Bản. Nữ Ngoại trưởng Hillary nhấn mạnh, Mỹ phản đối bất kỳ hành động đơn phương nào làm ảnh hưởng đến việc quản lý quần đảo Senkaku/Điếu Ngư của Nhật Bản.
 
Phản ứng trước những phát biểu trên của bà Hillary, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết: “Chúng tôi kêu gọi Mỹ giữ một thái độ có trách nhiệm liên quan đến vấn đề quần đảo Điếu Ngư. Mỹ nên thận trọng trong lời nói và hành động đồng thời nên duy trì hòa bình, sự ổn định trong khu vực cũng như mối quan hệ Trung-Mỹ bằng những hành động thiết thực, xây dựng niềm tin với nhân dân Trung Quốc”.
 
"Những phát biểu của phía Mỹ không tôn trọng sự thật và không phân biệt được giữa đúng và sai”, ông Qin nói thêm.


Kiệt Linh - (theo Times of India)

Ý kiến bạn đọc