Triều Tiên lại thử hạt nhân?

14:31, 23/01/2013
|

Ngày 23/1, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên đã có phản ứng thách thức trước các biện pháp trừng phạt mới của Liên hợp quốc khi nói bóng gió rằng nước này sẽ tiến hành một vụ thử hạt nhân và bác bỏ mọi cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

 

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn thông cáo của Bộ Ngoại giao Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên cho biết: "Chúng tôi sẽ có những hành động nhằm mở rộng và tăng cường lực lượng phòng vệ, trong đó có cả răn đe hạt nhân."

 

Thông cáo này được phát đi vài giờ sau khi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhất trí mở rộng trừng phạt mới đối với Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên do đã tiến hành vụ thử tên lửa hồi tháng 12/2012, và cảnh báo sẽ có "hành động cần thiết" nếu Bình Nhưỡng tiến hành thử hạt nhân.

 

Cùng ngày, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã hoan nghênh nghị quyết trên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, cho rằng "đối thoại là cách duy nhất để đạt được phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên cũng như hòa bình ổn định trong khu vực”.

 

Trong khi đó, ngày 22/1, đại diện thường trực của Trung Quốc tại Liên hợp quốc Lý Bảo Đông và người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này Tần Cương nói rằng bản nghị quyết mới nhất của Liên hợp quốc đối với Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên là "kết quả của nhiều vòng tham vấn của tất cả các bên hữu quan" và "nói chung là cân bằng."

 

Ông Lý Bảo Đông nói: "Nghị quyết này là kết quả nhiều vòng tham vấn của các bên hữu quan, trong đó không những cho thấy lập trường của cộng đồng quốc tế đối với việc Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên phóng vệ tinh mà còn truyền đi thông tin tích cực, bao gồm kêu gọi một giải pháp hòa bình cho vấn đề trên bán đảo Triều Tiên thông qua đối thoại và đàm phán cũng như nối lại các vòng đàm phán sáu bên”.

 

Ngoài ra, ông Lý Bảo Đông cũng chỉ ra rằng Trung Quốc giữ vững lập trường "rõ ràng và nhất quán" đối với việc Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên phóng vệ tinh, và nói thêm rằng phản ứng của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nên "thận trọng và vừa phải," có lợi cho hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên, giúp tránh leo thang căng thẳng.


(vietnamplus)

Ý kiến bạn đọc