Thái Lan ra tay “can thiệp” tranh chấp Biển Đông

07:14, 16/01/2013
|

(VnMedia) - Một nhà ngoại giao cấp cao của Thái Lan mới đây tuyên bố, nước này sẽ nỗ lực tìm kiếm một lập trường chung giữa các nước thành viên của Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) về vấn đề Biển Đông, tờ Bangkok Post hôm nay (15/1) đưa tin.

 

 Ảnh minh họa

 Trung Quốc đang tìm cách độc chiếm Biển Đông.


Ông Sihasak Phuangketkaew, Thư ký thường trực của Bộ Ngoại giao Thái Lan cho biết, với tư cách là điều phối viên trong mối quan hệ giữa ASEAN và Trung Quốc, Thái Lan sẽ tìm kiếm một tiếng nói chung của ASEAN về tranh chấp biển Đông trong các cuộc đối thoại của khối này với Trung Quốc.

 

Các nước thành viên ASEAN có tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông với Trung Quốc gồm Philippines , Việt Nam , Malaysia Brunei .

 

ASEAN đã chỉ định Thái Lan làm nước điều phối viên trong quan hệ giữa Trung Quốc và ASEAN từ tháng 7 năm 2012 đến tháng 7 năm 2015.

 

Ngoài ra, Thái Lan cũng có kế hoạch tổ chức các cuộc hội đàm riêng rẽ với từng nước có tranh chấp ở Biển Đông sau khi một loạt nỗ lực nhằm giải quyết các cuộc xung đột trong những cuộc họp lớn hơn thất bại hồi năm ngoái.

 

Tuy nhiên, theo ông Sihasak, các cuộc đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc sẽ phụ thuộc vào việc Bắc Kinh có sẵn sàng tham gia hay không. Nhà ngoại giao cấp cao của Thái Lan hy vọng, sự thay đổi bộ máy lãnh đạo Trung Quốc trong tháng Ba tới sẽ đem đến một lập trường linh hoạt hơn của Bắc Kinh đối với vấn đề Biển Đông.

 

Ông Sihasak cho rằng, ASEAN và Trung Quốc nên hướng tới một bức tranh lớn hơn và Bắc Kinh không nên coi việc ASEAN có chung một lập trường là một nỗ lực nhằm gây sức ép đối với giới lãnh đạo mới của nước này. Thay vào đó, một lập trường chung sẽ giúp củng cố phương pháp tiếp cận tập trung của ASEAN đối với vấn đề an ninh khu vực – đây là điều mà Trung Quốc chắc chắn sẽ được hưởng lợi, ông Sihasak cho biết.

 

Thư ký thường trực của Bộ Ngoại giao Thái Lan nhấn mạnh, chừng nào Biển Đông còn là nguồn gốc của cuộc xung đột thì hầu hết các nước trong khu vực đều sẽ trông chờ vào Mỹ để làm đối trọng với ảnh hưởng của Trung Quốc. Hiểu được điều này, Trung Quốc nên ứng xử linh hoạt hơn để ngăn ASEAN không dựa quá nhiều vào Mỹ, ông Sihasak phát biểu.

 

Ông Sihasak cũng ca ngợi Mỹ về việc đã áp dụng một lập trường mềm mại hơn trong vấn đề Biển Đông tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á ở Campuchia hồi tháng 11 năm ngoái.

 

Hồi tháng 9 năm ngoái, nữ Thủ tướng xinh đẹp của Thái Lan – bà Yingluck Shinawatra đã nhiệt tình bày tỏ mong muốn được đứng ra giải quyết các cuộc tranh chấp biển đảo giữa các nước thành viên ASEAN với Trung Quốc.

 

Bà Yingluck cho biết, với tư cách là một nước không có tranh chấp ở Biển Đông và có quan hệ tốt đẹp với tất cả các bên liên quan, Thái Lan muốn giúp giải quyết những cuộc tranh chấp này. Trong khi nhấn mạnh bà không đánh giá thấp thách thức trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông, nữ Thủ tướng Yingluck tự tin cho biết: “Có thể, tôi sẽ mang được một chút kỹ năng đặc biệt của phái nữ vào việc giải quyết cuộc tranh chấp này”.

 

Brunei đặt ưu tiên hàng đầu cho việc xây dựng Bộ Quy tắc Ứng xử Biển Đông

 

Các quan chức Brunei hôm qua (14/1) tuyên bố, với tư cách là Chủ tịch ASEAN trong năm nay, nước này sẽ đặt ưu tiên hàng đầu cho việc xây dựng một Bộ Quy tắc Ứng xử Biển Đông mang tính ràng buộc giữa các nước có tranh chấp ở khu vực biển này.

 

Brunei – quốc gia nhỏ bé giàu dầu mỏ, đã tiếp nhận chiếc ghế Chủ tịch của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á gồm 10 nước thành viên trong bối cảnh tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông giữa một số nước ASEAN với Trung Quốc đang leo thang nghiêm trọng.

 

Brunei xem các cuộc tranh chấp ở Biển Đông là mối đe dọa lớn đối với an ninh khu vực và muốn giải quyết vấn đề thông qua đối thoại với tất cả các nước có liên quan, trong đó có cả Trung Quốc”, một quan chức Bộ Ngoại giao Brunei giấu tên cho biết.

 

Trong hai năm qua, khu vực Biển Đông luôn trong tình trạng “sóng gió” vì những cuộc tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc với các nước láng giềng như Philippines, Việt Nam. Trung Quốc đang trở nên ngày một hung hăng và hiếu chiến trong tham vọng độc chiếm Biển Đông.

 

Những nỗ lực nhằm tìm kiếm một Bộ Quy tắc Ứng xử Biển Đông có tính rằng buộc giữa các nước ASEAN và Trung Quốc đã rơi vào bế tắc trong nhiều năm nay do Bắc Kinh khăng khăng đòi giải quyết các cuộc tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông trên cơ sở song phương trong khi ASEAN muốn có tiếng nói chung trong vấn đề này.

 

Năm 2002, Trung Quốc và ASEAN đã ký một tuyên bố trong đó cam kết các bên sẽ giải quyết tranh chấp thông qua con đường hòa bình và không có những hành động đe dọa hòa bình cũng như sự ổn định của khu vực.

 

Trong hội nghị thượng đỉnh ASEAN hồi tháng 11 năm ngoái, Hiệp hội này đã kêu gọi Trung Quốc nghiêm túc trong nỗ lực tìm kiếm một Bộ Quy tắc Ứng xử Biển Đông mang tính ràng buộc. Brunei sẽ chủ trì Hội nghị thượng đỉnh ASEAn vào tháng 4 và tháng 10 tới.

                                                                                   

Trong một diễn biến có liên quan đến những cuộc tranh chấp nói trên, Ngoại trưởng Singapore – ông K Shanmugam hôm qua cho biết, ông tin rằng, vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông khó có thể giải quyết trong tương lai gần.

 

Theo ông Shanmugam, phương pháp tiếp cận hiện giờ là để các cuộc tranh chấp này lại đằng sau và nhất trí một phương thức theo đó các nước có thể hợp tác với nhau và điều đó sẽ giúp duy trì hòa bình. Ngoại trưởng Singapore cho rằng, có một cách là khuyến khích các nước đang có tranh chấp ở Biển Đông đồng ý thông qua một bộ quy tắc ứng xử mà tất cả các bên đều phải tham gia.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc