Tàu sân bay Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương sắp có đối thủ?

11:03, 01/01/2013
|

Việc Trung Quốc mua dây chuyền và công nghệ sản xuất máy bay ném bom chiến lược Tu-22 của Nga sẽ đe dọa nghiêm trọng tàu sân bay Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương.

 

Lần thứ ba trong 7 năm (lần đầu vào năm 2005, lần thứ hai vào đầu năm 2012), một số website ở Trung Quốc đưa tin Trung Quốc và Nga đã thỏa thuận về việc bán cho Bắc Kinh dây chuyền sản xuất máy bay ném bom chiến lược Tu-22M3 với giá 1,5 tỷ USD, bao gồm cả việc chuyển giao tất cả các công nghệ sản xuất.

 

Hợp đồng ký với Nga gồm 36 máy bay (và các động cơ): lô đầu gồm 12 chiếc và lô thứ hai gồm 24 chiếc. Trong biên chế không quân hải quân Trung Quốc, Tu-22M3 sẽ có tên H-10. Các máy bay ném bom họ Tu-22M chủ yếu trang bị cho Không quân chiến lược Liên Xô và Không quân hải quân Liên Xô/Nga

 

Trung Quốc đã nhập khẩu 6 Tu-22 (?) bởi vì các máy bay ném bom này tốt hơn nhiều các máy bay H-6 cổ lỗ (sao chép Tu-16) của Trung Quốc và có tải trọng lớn, tầm bay xa hơn. Tu-22M3 Backfire là máy bay ném bom chiến lược tầm xa siêu âm và tấn công hải quân, cánh hình tên thay đổi, có thể dùng để tấn công bất ngờ trên biển.

 

Tu-22 sẽ được Trung Quốc sử dụng ở vai trò tấn công trên biển và sẽ được dùng để tấn công các mục tiêu từ tầm thấp (để tránh radar phát hiện).

 

Theo tác giả David Cenciotti viết trên The Aviationist, hợp đồng này có thể làm thay đổi lớn cán cân chiến lược trong khu vực. Các máy bay ném bom Tu-22 sẽ cung cấp thêm cho Trung Quốc một công cụ theo đuổi chiến lược chống tiếp cận tại chiến trường Biển Đông và Thái Bình Dương; một phương tiện mang tốc độ cao để phóng tên lửa hành trình, vũ khí thông thường hay hạt nhân trong các kịch bản chiến tranh khu vực khác nhau.

 

Nói cách khác, đây là mối đe dọa mới đối với Hải quân Mỹ trong khu vực. Tuy nhiên, theo Ma Dingsheng, để sản xuất Tu-22, Trung Quốc vẫn cần mua nhiều linh kiện mà họ không thể sản xuất, nhất là động cơ. Trung Quốc hiện đã ký hợp đồng mua linh kiện để sản xuất 36 Tu-22.

 

Trung Quốc cần phát triển năng lực sản xuất linh kiện, nhất là động cơ. Nếu không, một khi Nga không chịu cung cấp thêm linh kiện, Trung Quốc sẽ không thể sản xuất tiếp máy bay ném bom này và thậm chí có thể gặp khó khăn trong khai thác Tu-22.

 

Hiện tại, phía Nga chưa có thông tin chính thức đề cập vấn đề này.


(tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc