(VnMedia) - Tàu hải giám Trung Quốc hôm qua (1/1) đã bắt đầu tiến hành tuần tra vùng tranh chấp ở Biển Đông, chính thức thực thi luật gây tranh cãi trong đó cho phép lực lượng cảnh sát nước này chặn và bắt giữ tàu nước khác ở khu vực tranh chấp mà Bắc Kinh tự nhận là thuộc chủ quyền của mình.
Cục Hải dương Nhà nước Trung Quốc (SOA) cho biết, hai tàu hải giám Hải giám 75 và Hải giám 84 dưới sự hậu thuẫn của máy bay trinh sát B-3843 đã tuần tra ở khu vực lãnh hải gần Vịnh Bắc Bộ thuộc Biển Đông. Vịnh Bắc Bộ là nơi tàu thuyền Trung Quốc nhiều lần quấy nhiễu, gây cản trở đối với tàu thăm dò của Việt Nam.
Theo SOA, trong năm 2012, các tàu hải giám của Trung Quốc đã thực hiện 58 nhiệm vụ tuần tra trên Biển Đông.
Bản tin trên tờ Tân Hoa xã không cho biết cụ thể các tàu và máy bay của Trung Quốc có đi vào vùng biển và không phận thuộc chủ quyền của Việt Nam hay không.
Cũng từ ngày hôm qua (1/1), Trung Quốc bắt đầu thực thi luật gây tranh cãi. Theo luật này, lực lượng cảnh sát ở tỉnh Hải Nam, phía nam Trung Quốc, được quyền chặn, xông lên lục soát và chiếm giữ những tàu nước khác mà nước này tuyên bố là “đi vào vùng lãnh hải của Trung Quốc một cách bất hợp pháp”. Cảnh sát tỉnh Hải Nam cũng được quyền bắt tàu nước khác phải chấm dứt hành trình và đổi hướng khi đi vào vùng tranh chấp mà Trung Quốc tự nhận là thuộc chủ quyền của mình.
Trung Quốc đã công bố luật trên từ hồi tháng 11 năm ngoái và nó đã vấp phải sự chỉ trích dữ dội không chỉ từ phía các nước có tranh chấp ở Biển Đông với Trung Quốc mà cả các nước khác trong khu vực và các nước phương Tây. Trung Quốc đòi chủ quyền đối với hầu hết khu vực Biển Đông, nếu thực thi luật này thì khả năng tàu thuyền các nước đụng độ với hải quân Trung Quốc là điều rất dễ xảy ra.
Philippines cho rằng Trung Quốc “đã đi quá xa” trong khi Singapore, Mỹ và ASEAN bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về luật mới của Trung Quốc. Các nhà ngoại giao hàng đầu của ASEAN cảnh báo về khả năng xảy ra đụng độ trên biển. Trong khi đó, Mỹ tuyên bố sẽ yêu cầu Trung Quốc phải giải trình về điều luật trên.
Trước phản ứng mạnh mẽ của các nước, Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm qua (1/1) đã đưa ra một giải thích nhằm trấn an nỗi quan ngại của các nước. Theo đó, Trung Quốc khẳng định, luật mới sẽ chỉ áp dụng trong vùng nội thủy 12 hải lý kể từ đường bờ biển tỉnh Hải Nam.
Việc Trung Quốc để các nước rầm rộ phản đối và bây giờ mới đưa ra một lời giải thích chậm trễ như vậy được cho là hành động cố tình nhằm thăm dò phản ứng của các nước láng giềng ASEAN cũng như cộng đồng quốc tế đối với những tuyên bố chủ quyền đơn phương của Trung Quốc ở Biển Đông.
Kiệt Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc