Quan hệ Trung-Triều có dấu hiệu lung lay?

07:02, 28/01/2013
|

(VnMedia) - Trung Quốc vốn là đồng minh lớn nhất, thân thiết nhất và cũng là nhà tài trợ lớn nhất của Triều Tiên. Tuy nhiên, trong những ngày qua, nhiều người bất ngờ trước một loạt những động thái và phát biểu của Bắc Kinh nhằm vào Bình Nhưỡng. Phải chăng, Trung Quốc đang quay lưng lại với nước đồng minh lâu năm của họ?
 

 Ảnh minh họa

Mệt mỏi...

 
Chỉ trong vài ngày qua, người ta đã liên tiếp chứng kiến Trung Quốc có những động thái thể hiện sự không hài lòng đối với đồng minh Triều Tiên. Hôm 22/1 mới đây, Trung Quốc đã cùng với các cường quốc khác nhất trí thông qua một nghị quyết nhằm lên án và trừng phạt Triều Tiên về vụ phóng vệ tinh hồi tháng 12 năm ngoái. Theo Nghị quyết 2087 được sự ủng hộ của tất cả 15 thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Triều Tiên được yêu cầu tuân thủ nghiêm túc tất cả những nghị quyết có liên quan được Hội đồng Bảo an thông qua trước đó và không tiến hành thêm bất kỳ vụ thử công nghệ tên lửa hay hạt nhân nào nữa.
 
Rõ ràng, Trung Quốc cảm thấy “bất mãn và mất mặt” trước việc Triều Tiên bất ngờ phóng tên lửa tầm xa hồi cuối năm ngoái bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của các nước, trong đó có cả Bắc Kinh. Tuy nhiên, khi đó Trung Quốc cũng chỉ dừng lại ở mức độ vừa phê bình vừa xoa dịu đồng minh thân thiết của mình như mọi lần trước đây.
 
Sau khi bày tỏ sự không hài lòng và quan ngại sâu sắc trước việc Triều Tiên phóng tên lửa tầm xa, Bắc Kinh tiếp tục kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc phản ứng thận trọng, vừa phải với Triều Tiên để duy trì sự ổn định, tránh làm leo thang tình hình. Suốt một thập kỷ qua, Bắc Kinh đã luôn giữ lập trường “vừa đập vừa xoa” Triều Tiên để tránh làm nước này nổi giận.
 
Tuy nhiên, có vẻ như lần này, mọi việc đã khác. Không chỉ dừng lại ở việc ủng hộ nghị quyết mới nhất của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhằm vào Bình Nhưỡng, Trung Quốc còn bất ngờ đưa ra một lời cảnh báo thẳng thừng chưa từng có với nước láng giềng đồng minh Triều Tiên của mình.
 
Bắc Kinh tuyên bố, “nếu Triều Tiên tiếp tục tiến hành thử hạt nhân, Trung Quốc sẽ không ngại ngần cắt giảm sự giúp đỡ” đối với nước này. Chưa hết, Trung Quốc còn bắt tay với Mỹ - nước được Bình Nhưỡng miêu tả là “kẻ thù không đội trời chung” của họ. Các quan chức Trung Quốc và Mỹ đã trực tiếp gặp nhau để bàn về vấn đề Triều Tiên. Sau cuộc họp diễn ra vào hôm 25/1, phái viên của Mỹ về vấn đề Triều Tiên – ông Glyn Davies cho biết, hai nước Mỹ-Trung đã “đạt được một sự đồng thuận mạnh mẽ” về cách thức kiểm soát cuộc khủng hoảng hạt nhân mang tên Triều Tiên.
 
Phản ứng trên của Trung Quốc là có thể lý giải. Chỉ 2 ngày sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua nghị quyết mới nhất chỉ trích Triều Tiên, nước này đã có một bước đi quyết liệt và đầy thách thức. 
 
Ủy ban Quốc phòng Triều Tiên hôm 24/1 đã thề sẽ tiến hành thêm nhiều vụ phóng tên lửa hơn và một vụ thử hạt nhân nhằm vào Mỹ. Các nguồn tin cũng cho biết, Bình Nhưỡng dường như đang chuẩn bị cho một vụ thử hạt nhân thứ ba mới và tinh vi hơn.
 
Ngoài việc tuyên bố tiến hành thêm vụ thử hạt nhân và phóng thêm nhiều tên lửa, Triều Tiên còn thẳng thừng bác bỏ cơ chế đàm phán 6 bên do Trung Quốc khởi xướng và chủ trì. Một số nhà phân tích tin rằng, Triều Tiên chắc đã cảm thấy bị phản bội bởi Trung Quốc sau khi nước này nhất trí thông qua nghị quyết mới nhất của Liên Hợp Quốc nhằm vào họ, và vì thế, Triều Tiên đã tỏ thái độ thách thức như trên.
 
Bước đi mới nhất của Bình Nhưỡng rõ ràng đã làm Bắc Kinh mất mặt và tức giận. Vì thế, Bắc Kinh đã có một loạt phản ứng đối với các động thái của Bình Nhưỡng.
 
... nhưng bất lực
 
Mặc dù Trung Quốc được cho là đang thực sự tức giận với Triều Tiên nhưng nước này được cho là bất lực trong cách thức xử lý vấn đề liên quan đến Triều Tiên.
 
Có hai lý do để Trung Quốc nổi giận với nước đồng minh thân thiết. Thứ nhất là, các hành động của Triều Tiên gần đây đã làm Bắc Kinh cảm thấy như bị “dội một gáo nước lạnh”. Bất chấp sự phản đối của Trung Quốc, Triều Tiên vẫn thực hiện hai vụ phóng tên lửa tầm xa hồi năm ngoái. Và nước này vừa mới tiếp tục tuyên bố sẽ phóng thêm nhiều tên lửa nữa và thậm chí là sẽ tiến hành vụ thử hạt nhân thứ ba trong thời gian ngắn sắp tới. Chưa hết, các cuộc đàm phán 6 bên do Trung Quốc khởi xướng và cũng dồn rất nhiều tâm huyết vào đó cũng bị Bình Nhưỡng phũ phàng bác bỏ.
 
Sau những diễn biến trên, người ta tin rằng, Trung Quốc thực chất chẳng có nhiều ảnh hưởng đối với Triều Tiên như các nước bên ngoài và bản thân Bắc Kinh vẫn từng tưởng như vậy trước đây.
 
Lý do thứ hai khiến Trung Quốc lần này bất bình thực sự với Bình Nhưỡng là việc nước này đang cấp tập chuẩn bị cho vụ thử hạt nhân thứ ba. Là một nước láng giềng của Triều Tiên, Trung Quốc hoàn toàn không muốn có một nước sát cạnh có vũ khí hạt nhân.
 
Mặc dù tỏ thái độ cứng rắn với Triều Tiên nhưng Bắc Kinh được cho là sẽ chẳng có nhiều sự lựa chọn trong việc đối phó với đồng minh của mình. Trung Quốc chắc chắn không dám mạnh tay với Bình Nhưỡng bởi họ thừa hiểu, một Triều Tiên bất ổn và bất mãn với Trung Quốc sẽ gây hậu quả lớn như nào đối với họ.
 
Một sự sụp đổ của Triều Tiên sẽ dẫn đến tình trạng hàng triệu người dân nước này chạy sang tị nạn ở Trung Quốc, làm tăng sức mạnh cho người thiểu số Triều Tiên đang sinh sống ở Trung Quốc đồng thời làm trầm trọng thêm các vấn đề thất nghiệp trong nước.
 
Quan trọng hơn, Bắc Kinh không mong muốn chứng kiến sự bất ổn ở Triều Tiên bởi điều đó sẽ đồng nghĩa với sự hiện diện của quân đội Mỹ tại khu vực sát nách Trung Quốc. Như vậy, Trung Quốc sẽ mất đi một vùng đệm an toàn.


Kiệt Linh

Ý kiến bạn đọc