(VnMedia) - Lãnh đạo liên minh đối lập Syria đang sống lưu vong ở nước ngoài – ông Moaz al-Khatib hôm qua (30/1) đã bày tỏ, ông sẵn sàng tiến hành các cuộc đàm phán trực tiếp với đại diện của chính quyền Syria trong một nỗ lực “nhằm ngăn chặn tình trạng đổ máu” và chuẩn bị cho một giai đoạn chuyển tiếp ở đất nước này. Liệu tuyên bố này của ông Al-Khatib có phải là dấu hiệu chứng tỏ phe nổi dậy đã bị khuất phục trước chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad.
Lời phát biểu đầy bất ngờ trên của ông Al-Khatib được đăng tải trên trang Facebook cá nhân của ông. Cụ thể, ông này đã viết, ông “chuẩn bị sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán trực tiếp với đại diện của chính quyền Syria ở Cairo, Tunis hoặc Istanbul".
Theo Nhà lãnh đạo đối lập 52 tuổi của Syria, ông đã đưa ra quyết định trên nhằm giúp chấm dứt cuộc khủng hoảng đang diễn ra ngày một đẫm máu ở đất nước ông và sau khi chính quyền Syria gần đây có lời mời phe đối lập tiến hành đối thoại.
"Tôi đã biết được thông tin qua báo chí về việc chính quyền Syria đang mời phe đối lập ngồi vào bàn đàm phán. Vì người dân Syria đang bị mắc kẹt trong một cuộc khủng hoảng tồi tệ chưa từng có và như một dấu hiệu thể hiện sự thiện chí trong việc tìm kiếm một giải pháp chính trị..., tôi tuyên bố sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán trực tiếp với đại diện của chính quyền”, ông Al-Khatib đã nói như vậy.
Tuy nhiên, Lãnh đạo liên minh đối lập của Syria cũng đưa ra hai điều kiện cho các cuộc đàm phán gồm việc phóng thích khoảng 160.000 tù nhân chính trị ra khỏi các nhà tù của chính quyền và cấp hộ chiếu mới cho người dân Syria sắp hết hạn thị thực ở nước ngoài.
Những phát biểu trên của ông Al-Khatib là một bước ngoặt hoàn toàn bất ngờ bởi từ trước đến nay, phe nổi dậy luôn khăng khăng khẳng định, họ sẽ không bao giờ đàm phán với chính quyền của ông Assad. Nhiều người đang đặt câu hỏi, liệu có phải phát biểu của Nhà lãnh đạo đối lập Syria là dấu hiệu chứng tỏ phe nổi dậy đã bắt đầu nhượng bộ trước chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad sau nhiều tháng chật vật chiến đấu mà không thể lật đổ được chính quyền này.
Trên thực tế, phe nổi dậy không hề bị khuất phục. Ngay sau khi phát biểu của ông Al-Khatib được đưa ra, nó đã nhanh chóng bị các phe nhóm khác trong phe nổi dậy bác bỏ thẳng thừng.
Mâu thuẫn nổi rõ
Hội đồng Quốc gia Syria – nhóm lớn nhất trong liên minh đối lập do ông Al-Khatib đứng đầu, đã ngay lập tức lên tiếng phản ứng với đề xuất của Nhà lãnh đạo liên minh. Nhóm Hội đồng Quốc gia Syria tuyên bố, họ phản đối việc đàm phán với “chính quyền tội phạm”.
Thậm chí ngay cả liên minh đối lập cũng nói rằng, những phát biểu của ông Al- Khatib chỉ phản ánh quan điểm cá nhân chứ không thể hiện lập trường của liên minh này.
"Không đối thoại với những kẻ giết người”, bà Suheir Atassi – một thành viên cấp cao của liên minh đối lập Syria, cũng đã bày tỏ như vậy trên tài khoản Twitter của bà này.
Trước những phản ứng gay gắt từ ngay trong nội bộ phe nổi dậy, ông Al-Khatib đã nhanh chóng tháo bỏ lời đề nghị trên Facebook của mình và thay thế nó bởi một phát biểu khác, trong đó ông này nhấn mạnh, ông sẽ đàm phán về một giai đoạn chuyển tiếp để “ngăn chặn tình trạng đổ máu thêm nữa” và khẳng định đó chỉ là quan điểm cá nhân của ông.
Ông này cùng viết thêm rằng, "có một số người đang khăng khăng tuyên bố không đàm phán. Chúng ta không đàm phán về việc để chính quyền tiếp tục tồn tại mà là sự ra đi của họ với tổn thất ít nhất về máu và sự tàn phá".
Những tranh cãi trên đã làm bộc lộ một thực tế khắc nghiệt là phe nổi dậy về bản chất vẫn đang mâu thuẫn sâu sắc với nhau.
Lực lượng chống đối Tổng thống Assad bị chia rẽ giữa các phe nhóm chính trị và quân sự khác nhau. Nhiều trong số này không liên hệ với nhau và thường xuyên đối đầu với nhau. Các phe nhóm chính trị trong phe nổi dậy bao gồm từ các thành phần tự do thế tục cho đến những lực lượng cực đoan Hồi giáo có liên quan đến al-Qaida. Về quân sự, nhiều đơn vị có vũ trang trong phe nổi dậy hoạt động độc lập với nhau. Tình trạng nội bộ chia rẽ, mâu thuẫn như thế này đã cản trở những tiến bộ của lực lượng nổi dậy và nó cũng làm nhụt chí các nước ủng hộ họ. Nhiều nước đã ngại ngần không muốn cung cấp vũ khí cũng như tài chính cho phe nổi dậy Syria vì không có mấy niềm tin vào lực lượng này.
Hồi tháng 11 năm ngoái, ông Al-Khatib đã được chọn là người đứng đầu Liên minh Quốc gia Syria – một liên minh đối lập được lập ra nhằm tạo một khối đoàn kết vững mạnh cho phe nổi dậy và để thuyết phục phương Tây rằng, họ có khả năng kết hợp với nhau để tạo thành một lực lượng đủ năng lực thay thế chính quyền của ông Assad. Liên minh Quốc gia Syria đã được các cường quốc phương Tây và nhiều nước Ả-rập công nhận là đại diện hợp pháp duy nhất của nhân dân Syria. Tuy nhiên, xem ra, với diễn biến mới nhất trên, phe nổi dậy đã thất bại trong nỗ lực đoàn kết nội bộ. Phát biểu của Lãnh đạo Liên minh Quốc gia Syria đang có nguy cơ làm rạn nứt hơn nữa phe nổi dậy Syria.
Tuần trước, chính phủ Syria đã đưa ra đề nghị, các nhân vật đối lập của nước này sẽ được phép trở về thủ đô Damacus an toàn để tham gia “cuộc đối thoại quốc gia”. Tuy nhiên, lời đề nghị đàm phán này của chính quyền ông Assad đã nhanh chóng bị hầu hết các nhà đối lập của Syria phản đối. Chính phủ Syria đã đưa ra đề nghị trên sau khi Tổng thống Assad có bài phát biểu trong đó đưa ra một đề xuất hòa bình bao gồm một quá trình đối thoại quốc gia và và tiến tới thành lập chính phủ mới, hiến pháp mới. Tuy nhiên, đề xuất này cũng bị phe nổi dậy Syria thẳng thừng từ chối.
Kiệt Linh -
(theo AP, Reuters, THX)
Ý kiến bạn đọc