Những bóng hồng quyền lực trên chính trường quốc tế

18:55, 06/01/2013
|

(VnMedia) - Những bóng hồng, dù là phái yếu nhưng bằng sự tự tin và sức mạnh của  mình, họ vẫn nắm trong tay quyền lực tối cao và có tầm ảnh hưởng lớn đối với một quốc gia, một khu vực  hay cả thế giới.  

Họ là những nữ chính trị gia đầy quyền lực, hay đơn giản họ chỉ là phu nhân của một vị tổng thống nhưng với tri thức và tầm  nhìn cũng như trái tim của họ, họ vẫn có tầm ảnh hưởng to lớn đối với chính quốc gia của họ cũng như toàn nhân loại. Họ đều đã từng xuất hiện trên các bảng xếp hạng những nữ chính khách quyền lực nhất thế giới.
 
Thủ tướng Đức - Angela Merkel

Đánh giá về tầm ảnh hưởng quyền lực của một bóng hồng trên chính trường quốc tế thì nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel từ nhiều năm nay luôn được xếp vị trí đứng đầu.

Người phụ nữ quyền lực nhất trên thế giới này là trụ cột của Liên minh Châu Âu gồm 27 thành viên và mang trọng trách trên vai về số phận của đồng Euro. Bà không chỉ nổi tiếng với biệt danh là “Bà đầm thép” của Đức mà điều đáng chú ý là cái tên Angela Merkel đã lần lượt đứng thứ 1 trong bảng xếp hạng các nữ chính khách quyền lực và chiễm chệ ở vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng các nhân vật có tầm ảnh hưởng nhất thế giới năm 2012, mà trong đó duy nhất chỉ có bà là phái nữ. Bà Angela Merkel là nữ chính khách lập nhiều kỷ lục: Bà là nữ Thủ tướng đầu tiên của nước Đức, là Thủ tướng Đức đầu tiên trưởng thành tại Đông Đức, là Thủ tướng Đức trẻ nhất kể từ sau đại chiến thế giới lần thứ II, là Thủ tướng Đức đầu tiên có bằng tiến sĩ về khoa học tự nhiên.

Ảnh minh họa

Sinh tại Hamburg năm 1954, Angela Merkel (tên gọi thời thiếu nữ là Angela Kasner) được bố mẹ đưa sang sống tại Đông Đức (tức nước CHDC Đức) từ nhỏ. Tốt nghiệp trung học, bà theo học Khoa Vật lý ở Trường Đại học Leipzig và trở thành một sinh viên xuất sắc của trường. Angela Merkel có nhiều lợi thế để trở thành một nhà khoa học: Bà từng bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về lĩnh vực hóa lượng tử, 12 năm liền (từ năm 1978 tới 1990) làm việc và nghiên cứu tại Viện Hóa - Lý Trung ương, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học CHDC Đức.

Và nếu biết đến bà như một người đàn bà thép, thì đó mới chỉ là một nửa câu chuyện. Khi được hỏi về thói quen bà thường làm gì khi thức dậy mỗi sáng, bà tâm sự rằng bà luôn thích chuẩn bị bữa sáng cho các thành viên trong gia đình và cùng cả nhà thưởng thức bữa sáng đó. Bà cũng là một nhà lãnh đạo yêu thích thể thao và đặc biệt là bóng đá.

Bà giữ chức vụ Thủ tưỡng Đức từ năm 2005 và hiện tại một trong thách thức lớn nhất đang đặt ra trước mắt bà đó là củng cố danh tiếng chính quyền của bà trước cuộc bầu cử toàn nước Đức năm 2013.
 
Cựu Ngoại trưởng Mỹ - Hillary Clinton

Hillary Clinton luôn là một cái tên đình đám trong bảng xếp hạng những phụ nữ quyền lực nhất thế giới của nhiều tạp chí danh tiếng trong nhiều năm liền. Bà từng là thượng nghị sĩ Quốc hội Mỹ đại diện cho tiểu bang New York từ ngày 3/1/2001 đến ngày 21/1/2009. Hillary kết hôn với cựu Tổng thống Bill Clinton, và vì vậy là Đệ nhất Phu nhân Mỹ từ năm 1993 đến năm 2001. Trước đó, bà là một luật sư danh tiếng, cũng từng là Đệ nhất Phu nhân của tiểu bang Arkansas.

Ảnh minh họa

Bà Hillary Clinton được ca ngợi vì đã xử lý thành công các cuộc khủng hoảng của nước Mỹ như việc Wikileaks tiết lộ hàng loạt tài liệu mật quốc gia. Bà cũng có nhiều hành động quả quyết trong vấn đề quốc tế như thúc giục Tổng thống Syria Bashar al-Assad chuyển giao quyền lực, giải quyết các vấn đề liên quan đến Triều Tiên. Nếu các thành tựu ngoại giao được tính bằng số quốc gia tới thăm, Ngoại trưởng Hillary Clinton có thể là ngoại trưởng tài giỏi nhất trong lịch sử nước Mỹ : Kể từ khi trở thành ngoại trưởng năm 2009, bà Clinton đã có 351 ngày trên đường, công du tới 102 quốc gia và bay qua 1,36 triệu km, theo Bộ Ngoại giao Mỹ,  trong năm nay, bà Hillary Clinton đã công du tới 42 nước.

Gần đây, bà có phát biểu rằng mình dự kiến rời khỏi chính trường cuối năm nay, tuy nhiên với tỷ lệ ủng hộ luôn ở mức cao và đảng Dân chủ cần một ứng viên tổng thống cho năm 2016 bất chấp việc ông Obama có tái đắc cử hay không, đã xuất hiện những tin đồn rằng bà Hillary vẫn đang nung nấu tham vọng trở thành vị nữ tổng thống đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ.
 
Đệ nhất phu nhân Mỹ - Michelle Obama

Michelle Obama - phu nhân của Tổng thống Mỹ gốc Phi đầu tiên trong lịch sử. Theo kết quả đánh giá gần đây của ngời dân Mỹ, bà Michelle Obama còn nhận được nhiều sự ủng hộ hơn cả đức phu quân là Tổng thống Mỹ Barack Obama. Tỉ lệ ủng hộ Đệ nhất phu nhân Mỹ có lúc lên tới 66%. Điều này cũng sẽ là dễ hiểu nếu nhìn vào nền tảng học vấn và kinh nghiệm công tác xã hội của bà.

Ảnh minh họa

Về học vấn, Michelle có bằng cử nhân của Trường đại học Princeton và bằng Luật Trường Havard. Về sự nghiệp, bà đã từng làm trưởng phòng đào tạo tại Đại học Chicago, rồi đến Phó chủ tịch đặc trách đối ngoại và các vấn đề cộng đồng ở đây. Nhưng khi ông Barack tuyên bố sẽ tranh cử chức tổng thống vào năm 2008, bà rời chức vụ ở trường đại học để tham gia vào chiến dịch của chồng.

Bà được coi là "người quyết định" với lối thuyết phục cử tri tài tình. Michelle biết cách lờ đi những lời chỉ trích sai lầm, và làm theo những lời khuyên đúng đắn về phong cách trước công chúng. Hình ảnh của bà ngày càng được đánh bóng hơn, sau khi bà từ bỏ lối ăn mặc toàn hàng hiệu và giọng điệu thách thức người nghec. Báo chí và truyền thông đua nhau ca tụng bà, từ một trong "25 phụ nữ gợi cảm hứng nhất thế giới", "100 cựu sinh viên Havard", cho đến "10 người mặc đẹp nhất thế giới". Nhưng không giống như Hillary Clinton, với ảnh hưởng lớn của mình, Michelle khẳng định mình "không hề có sự hứng thú nào với chính trị" (trong phỏng vấn trên chương trình truyền hình "The View") và bà chỉ muốn tham gia vào những công việc mang lợi ích cho cộng đồng miễn không liên quan đến bầu cử.
 
Dưới cương vị đệ nhất phu nhân, bà Michelle Obama đã làm nhiều công tác xã hội, như đến thăm các bếp ăn từ thiện, đến thăm khu điều trị bệnh ung thư với Sarah Brown - vợ Thủ tướng Anh Gordon Brown, ủng hộ các gia đình có người tham gia quân đội và quan trọng nhất là chiến dịch chống lại nạn dịch béo phì ở trẻ em.

Dilma Rousseff – Tổng thống Brazil


Dilma Rousseff được xem là người khá thẳng thắn và nổi tiếng nóng tính, khiến nhiều người đặt biệt danh cho bà là “Bà đầm thép” của Brazil. Xuất thân có phần bình dân của bà thay đổi vào khoảng giữa những năm 1960, khi bà gần 20 tuổi, và khi Brazil rơi vào chế độ độc tài sau một cuộc đảo chính 
quân sự năm 1964. Bà đã tham gia phong trào phản kháng vũ trang được biết đến là Colina (viết tắt của từ Bộ chỉ huy giải phóng dân tộc) và VAR-Palmares (Đội tiên phong vũ trang cách mạng), chống lại chế độ độc tài.

Ảnh minh họa

Trước khi đảm nhiệm vị trí Tổng thống Brazil, bà Rousseff đã từng có thời gian bị bắt giam, phải ở tù khoảng 3 năm và đã bị tra tấn. Năm 1973 bà mới được ra tù và theo học ngành kinh tế. Từ đó, bà Dilma đã đảm nhiệm nhiều chức vụ trong Chính phủ, cho đến khi ông Lula đưa bà lên làm Bộ trưởng Năng lượng, Chánh văn phòng Tổng thống, và cuối cùng là chức vụ cao nhất: Tổng thống.

Bà nổi tiếng với tư tưởng đẩy mạnh vai trò của nhà nước trong các lĩnh vực chiến lược, trong đó có ngân hàng, dầu khí và năng lượng. Bà cũng cam kết sẽ giúp hàng triệu người dân thoát khỏi cảnh nghèo đói và đưa Brazil trở thành một trong những nền 
kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới; đồng thời cam kết tăng cường khai thác nhiều mỏ dầu khổng lồ mới được khám phá ngoài khơi, cũng như mở rộng vai trò của nhà nước trong lĩnh vực năng lượng và tiếp tục thu hút đầu tư tư nhân.


Trịnh Quân - (Tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc