Nhật theo dõi được mọi hành động của Trung Quốc

18:41, 29/01/2013
|

(VnMedia) - Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản sẽ tiến hành giám sát, theo dõi 24/24 vùng không phận trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở quận Okinawa. Nhật cũng đã phái máy bay được trang bị hệ thống radar đến vùng tranh chấp trong một nỗ lực nhằm ngăn chặn các vụ xâm nhập của máy bay Trung Quốc vào đây, tờ Yomiuri Shimbun hôm qua 28/1 đưa tin.
 

 Ảnh minh họa

 Nhật Bản đã có những bước đi chuẩn bị chi tiết nhằm đối phó với máy bay Trung Quốc tiếp cận quần đảo tranh chấp.


Hệ thống radar gần nhất với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là cách khoảng 200km. Tuy nhiên, hệ thống này khó phát hiện máy bay bay ở tầm thấp. Ngược lại, chẳng có gì có thể qua mắt được hệ thống radar ở Hokkaido. Nhật Bản đã dựng 6 hệ thống radar hiện đại ở khu vực bờ biển này với mục tiêu ban đầu là để chuẩn bị đối phó với những vụ xâm nhập của máy bay Xô-viết.
 
Giờ đây, tình hình đòi hỏi Nhật Bản phải củng cố hệ thống radar ở khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Trong một nỗ lực nhằm ngăn chặn các vụ xâm nhập thêm nữa của máy bay Trung Quốc, Lực lượng Phòng không Nhật Bản đã quyết định thực hiện việc giám sát, theo dõi 24/24 ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư bằng việc triển khai 4 máy bay có Hệ thống Chỉ huy và Cảnh báo Sớm trên không (AWACS) từ căn cứ không quân Hamamatsu ở quận Shizuoka. 13 chiếc máy bay cảnh báo sớm E2C khác cũng được điều động từ căn cứ không quân Misawa ở quận Aomori đến khu vực gần quần đảo tranh chấp ở biển Hoa Đông.
 
Tuy nhiên, việc triển khai một loạt máy bay do thám có hệ thống cảnh báo sớm hiện đại vẫn là chưa đủ nếu Lực lượng Phòng không Nhật Bản muốn giám sát quần đảo Senkaku/Điếu Ngư liên tục, một cựu phi công của Lực lượng Phòng không Nhật cho biết. Ông này cho biết: “các nhiệm vụ giám sát bằng máy bay đòi hỏi phi công phải đối mặt với những căng thẳng cao độ giống như tài xế cảm thấy khi họ lái xe trên những con đường đóng băng”.
 
Vì vậy, về lâu về dài, Nhật Bản cần phải củng cố hệ thống giám sát cho quần đảo Nansei, trong đó bao gồm cả quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
 
Bộ Quốc phòng Nhật Bản đang cân nhắc phát triển một loại radar mới có thể phát hiện những máy bay nhỏ ở khoảng cách xa đồng thời triển khai một loạt máy bay chiến đấu thiện chiến F-15 đến sân bay Shimojishima, cách quần đảo tranh chấp với Trung Quốc khoảng 200km.
 
"Chúng tôi sẽ làm bất cứ điều gì có thể”, một quan chức cấp cao thuộc Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết. Ông này nói thêm rằng, các đồng nghiệp của ông cũng đưa ra ý tưởng tăng cường giám sát khu vực tranh chấp bằng phương pháp từng được Mỹ sử dụng, đó là tung những quả khí cầu lớn được trang bị hệ thống radar để giám sát khu vực từ trên cao.
 
Lực lượng Phòng không Nhật Bản đã bắt đầu triển khai máy bay đến quận Okinawa sau khi Trung Quốc lần đầu tiên đưa máy bay vào tiếp cận quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư hôm 13/12. Trong vụ việc này, Lực lượng Phòng không Nhật Bản đã không thể đưa máy bay của mình cất cánh kịp thời để chặn máy bay Trung Quốc bởi hệ thống radar mặt đất của họ trong khu vực không thể phát hiện máy bay bay ở tầm thấp.
 
Tiếp đó, ngày 15/1, Nhật Bản lại phải ra lệnh cho một loạt chiến đấu cơ của mình cất cánh khẩn cấp đến quần đảo Senkaku/Điếu Ngư vì sự xuất hiện của một chiếc máy bay thuộc Cục Hải dương Nhà nước Trung Quốc ở cách khu vực tranh chấp khoảng 120km.
 
Nếu máy bay Trung Quốc bay ở tốc độ 300km/giờ thì chỉ mất khoảng 20 phút để nó xâm nhập vào vùng không phận cách quần đảo Senkaku/Điếu Ngư 22km.
 
Vụ việc ngày 15/1 là một trong 7 lần Lực lượng Phòng không Nhật Bản phải cử chiến đấu cơ của mình đi chặn máy bay Trung Quốc xâm nhập vào vùng trời ở quần đảo tranh chấp trên biển Hoa Đông kể từ hôm 13/1. 6 lần khác xảy ra trong các ngày 22, 24, 25/12 và 5, 11/5.
 
Tính từ tháng 4 đến tháng 12, Nhật Bản đã phải cử máy bay chiến đấu cất cánh 160 lần để ngăn chặn các vụ xâm nhập của máy bay Trung Quốc vào khu vực tranh chấp ở biển Hoa Đông cũng như các vùng xung quanh.
 
Trung Quốc lo ngại trước các động thái quân sự của Nhật Bản
 
Thông tin Nhật Bản tăng cường giám sát 24/24 các động thái của máy bay Trung Quốc ở quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư được tung ra trong bối cảnh chính quyền của tân Thủ tướng Abe vừa cho biết, họ sẽ tăng quân lớn nhất trong vòng 2 thập kỷ trở lại đây.
 
Hiện tại, số quân nhân ở Nhật Bản là 225.000 người. Theo kế hoạch, Nhật Bản dự định sẽ tăng thêm 287 quân nhân trong năm tài chính tới, bắt đầu từ tháng 4, Bộ trưởng Quốc phòng Itsunori onodera cho biết. Theo ông, onodera cho biết, đợt tăng quân này là lớn nhất trong vòng 2 thập kỷ trở lại đây. Con số 287 quân nhân mới tương đương với mức tăng khoảng 0,1%.
 
Ngay sau thông báo trên của Bộ trưởng Quốc phòng Nhật, Trung Quốc hôm qua (28/1) đã bày tỏ sự quan ngại về bước đi này của Tokyo. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc – ông Hồng Lỗi nói, Nhật Bản nên quan tâm nhiều hơn đến nỗi quan ngại của khu vực, ám chỉ đến thời kỳ chiếm đóng của Nhật Bản đối với các nước trong khu vực trong Thế chiến II.
 
"Vì các lý do lịch sử, những nước láng giềng của Nhật Bản rất chú ý đến các diễn biến quân sự ở nước này”, ông Hồng Lỗi đã nói như vậy tại cuộc họp báo hàng ngày.
 
"Chúng tôi hy vọng, Nhật Bản sẽ theo đuổi con đường phát triển hòa bình, quan tâm đến nỗi lo ngại của các nước trong khu vực và coi lịch sử là tấm gương để nỗ lực nhiều hơn vì hòa bình cũng như sự ổn định trong khu vực”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói thêm.
 
Trong khi bày tỏ lo ngại về các bước đi quân sự của Nhật Bản gần đây, bản thân sự phát triển quân sự của Trung Quốc cũng đang khiến khu vực cảm thấy bất an. Trung Quốc đang phát triển máy bay chiến đấu tàng hình và tàu sân bay. Mới đây, hồi cuối tuần, nước này tuyên bố thử công nghệ đánh chặn tên lửa giữa hành trình.
 
Trung Quốc và Nhật Bản đang có cuộc đối đầu ngày một căng thẳng vì tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông. Tuần trước, hai nước đã bắt đầu có những bước đi nhằm làm dịu tình hình. Chính phủ của ông Abe đã cử một phái đoàn đến thăm Trung Quốc. Trong các cuộc gặp này, giới lãnh đạo hai nước đã cam kết sẽ phát triển quan hệ song phương.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc