(VnMedia) - Chính phủ Nhật Bản đang thảo luận về cách thức chặn máy bay Trung Quốc sau khi thường xuyên xảy ra những vụ máy bay do thám của Trung Quốc tiếp cận không phận trên quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông. Một trong những biện pháp mà Nhật Bản đang cân nhắc là ra lệnh cho các chiến đấu cơ F-15 bắn cảnh cáo máy bay do thám Trung Quốc, báo chí địa phương hôm qua (9/1) đưa tin.
Dẫn nguồn tin thân cận với chính phủ Nhật Bản, tờ Sankei Shimbun hôm qua (9/1) đưa tin, Tokyo đang xem xét tăng cường các biện pháp cảnh báo đối với máy bay của Trung Quốc “xâm phạm không phận Nhật Bản”. Cụ thể, Bộ Quốc phòng Nhật Bản được cho là sẽ cho phép các máy bay thuộc Lực lượng Phòng không của nước này bắn cảnh cáo bằng đạn lửa vạch đường về phía máy bay Trung Quốc nếu nó tiếp cận không phận ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Các quan chức Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết, họ không thể xác nhận thông tin trên. Trong khi đó, một phát ngôn viên từ Bộ Quốc phòng Nhật Bản nói, nước này hiện vẫn “chưa đưa ra một kế hoạch nào chi tiết như thế”.
Hiện tại, Lực lượngPhòng không Nhật Bản mới chỉ phát đi những cảnh báo qua sóng radio đối với máy bay của Trung Quốc hoặc ra lệnh cho các máy bay chiến đấu F-15 cất cánh khẩn cấp để chặn đầu máy bay Trung Quốc.
Ngoài thông tin cho phép các chiến đấu cơ bắn cảnh cáo, tờ Japan News Network còn đưa thêm tin, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng đang bàn bạc khả năng tăng cường triển khai thêm tàu thuyền của Lực lượng Phòng vệ Hàng hải đến khu vực lãnh hải xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư để chuẩn bị sẵn sàng đối phó trong trường hợp tàu thuyền Trung Quốc “xâm phạm lãnh hải Nhật Bản”.
Phản ứng trước các thông tin trên, một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, nước này “vẫn đang cảnh giác trước các nỗ lực làm leo thang căng thẳng”.
Trước đó, hồi tháng 12, Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố, quân đội nước này đang theo dõi chặt chẽ mọi hoạt động của Lực lượng Phòng không Nhật Bản ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Một phi công đã nghỉ hưu của lực lượng không quân Trung Quốc cho biết, không phải tất cả các loại đạn vạch đường đều gây tổn hại cho máy bay nhưng trong trường hợp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, “bất kỳ phát súng cảnh cáo nào của phía Nhật Bản cũng sẽ là nguy hiểm và chắc chắn sẽ được xem là hành động gây hấn thù địch hay là một tuyên bố chiến tranh”.
Tân Thủ tướng Nhật cứng rắn với Trung Quốc
Việc Nhật Bản có ý định cho chiến đấu cơ bắn cảnh báo máy bay Trung Quốc là một trong một loạt “những phát súng cảnh báo” mà tân Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe “bắn” vào Trung Quốc trong thời gian gần đây.
Ngay khi lên cầm quyền, ông Abe đã không ngần ngại tuyên bố, không ai có thể nghi ngờ về quyền sở hữu quần đảo Senkaku/Điếu Ngư của Nhật Bản. “Trung Quốc đang thách thức thực tế là quần đảo Senkaku là một phần lãnh thổ không thể tách rời của Nhật Bản. Mục đích của chúng tôi là ngăn chặn thách thức đó. Chúng tôi không có ý định làm xấu đi quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản".
Mới đây nhất, hôm 8/1, tân Thủ tướng Abe cũng đã ra lệnh cho Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản tăng cường năng lực giám sát xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang nằm trong tranh chấp với Trung Quốc, hãng thông tấn Kyodo đưa tin. "Tôi muốn các bạn đáp trả một cách kiên quyết”, hãng tin Kyodo dẫn lời Thủ tướng Abe nói với Bộ trưởng Quốc phòng Itsunori onodera.
Trước đó cùng ngày, Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Akitaka Saiki cũng đã lần đầu tiên trong năm mới triệu tập Đại sứ Trung Quốc tại Tokyo đến để bày tỏ sự phản đối trước “một cuộc xâm nhập” của 4 tàu hải giám Trung Quốc vào khu vực lãnh hải xung quanh quần đảo tranh chấp.
Các tàu hải giám của Trung Quốc đã đi vào khu vực lãnh hải xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư từ trưa hôm 7/1 và chỉ rời đi vào rạng sáng ngày hôm qua (8/1) sau khi lượn lờ ở đây suốt 13 giờ đồng hồ, các quan chức Nhật Bản cho biết.
Cả Nhật Bản và Trung Quốc đều đòi chủ quyền đối với một quần đảo ở biển Hoa Đông mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư trong khi Nhật Bản gọi là Senkaku. Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư gồm 5 hòn đảo nằm cách đảo Okinawa, phía nam Nhật Bản, khoảng 160km, và cách Vùng lãnh thổ Đài Loan khoảng 200km. Chùm đảo nằm giữa Nhật Bản và Đài Loan này có nguồn cá dồi dào và có thể có cả dầu mỏ. Nó cũng nằm gần với các tuyến đường biển quan trọng.
Nhật Bản đang kiểm soát quần đảo Senkaku/Điếu Ngư nhưng Trung Quốc không chấp nhận điều này. Cuộc tranh chấp xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là nguyên nhân chính khiến quan hệ Trung-Nhật thường xuyên rơi vào căng thẳng. Cuộc đối đầu căng thẳng và nghẹt thở giữa hai cường quốc hàng đầu Châu Á hiện nay được châm ngòi từ việc
Cuộc đối đầu trên đang leo thang nguy hiểm từ dưới biển lên cả trên không khi Trung Quốc hôm 13/12 lần đầu tiên đưa máy bay do thám vào vùng tranh chấp. Từ đó đến nay, đã 4 lần liên tiếp, máy bay Trung Quốc tiếp cận không phận ở quần đảo tranh chấp, khiến chiến đấu cơ Nhật Bản phải cất cánh khẩn cấp. Giờ đây, không chỉ tàu thuyền của Trung Quốc và Nhật Bản thường xuyên gầm ghè nhau dưới biển mà ở trên bầu trời, máy bay hai nước cũng liên tục rượt đuổi nhau. Tình hình rất đáng quan ngại.
Ý kiến bạn đọc