Nhật Bản "ăn miếng trả miếng" với Trung Quốc

18:42, 17/01/2013
|

(VnMedia) - Trung Quốc và Nhật Bản đang có cuộc đối đầu quyết liệt và căng thẳng vì tranh chấp lãnh thổ ở biển Hoa Đông. Trước một Trung Quốc ngày càng lấn lướt, Nhật Bản cũng kiên quyết không chịu lùi bước, dồn dập “tung đòn” quân sự nhằm ngăn chặn các bước đi của nước láng giềng.

 

 Ảnh minh họa

 Nhật Bản tiến hành một loạt bước đi quân sự nhằm đối phó với Trung Quốc.


Trung Quốc leo thang

 

Trung Quốc bắt đầu đẩy căng thẳng ở biển Hoa Đông leo thang nhanh chóng sau khi Tokyo hồi tháng 9 năm ngoái quyết định mua lại 3 trong số 5 đảo thuộc quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.

 

Kể từ khi đó, Trung Quốc liên tiếp đưa tàu thuyền ra vào vùng tranh chấp. Chỉ trong vỏn vẹn vài tháng, tàu thuyền Trung Quốc đã có hàng chục lần xâm nhập vào khu vực lãnh hải quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Đó là chưa kể, Trung Quốc luôn duy trì một số lượng lớn tàu thuyền ở vùng tiếp giáp lãnh hải ngay gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Có những thời điểm, tàu thuyền Trung Quốc ở vùng tranh chấp gần như cả ngày.

 

Sau những cuộc vờn đuổi, gầm ghè nhau của tàu thuyền hai nước Trung-Nhật ở biển, Trung Quốc đã có một bước đi leo thang mới vào ngày 13/12 vừa rồi khi nước này lần đầu tiên đưa máy bay không người lái đến quần đảo tranh chấp Senkaku. Vụ việc này đã buộc Tokyo phải cử 8 chiến đấu cơ hiện đại đi chặn đầu máy bay Trung Quốc. Sau bước mở màn leo thang trên bầu trời này, chỉ trong vòng vài tuần vừa qua, Trung Quốc đã có thêm 4 lần đưa máy bay tiếp cận quần đảo Senkaku. Đặc biệt, trong lần gần đây nhất, cách đây vài ngày, Trung Quốc đã lần đầu tiên đưa máy bay chiến đấu hàng đầu của nước này tiến vào vùng tranh chấp với Nhật Bản. Một cuộc đối đầu nguy hiểm đã diễn ra giữa chiến đấu cơ thiện chiến F-15 của Nhật Bản và máy bay chiến đấu hiện đại J-10 của Trung Quốc.

 

Chưa hết, mới đây nhất, hôm 15/1, Bắc Kinh tuyên bố sẽ tiến hành khảo sát quần đảo Senkaku/Điếu Ngư để vẽ bản đồ các đảo, quần đảo và bãi đá “thuộc chủ quyền” của nước này.

 

Nhật Bản “phản công”

 

Trước những bước đi mỗi lúc một lấn tới của Trung Quốc trong cuộc tranh chấp ở biển Hoa Đông, Nhật Bản đã có những đòn phản công đầy quyết liệt. Ngay sau khi lên cầm quyền, tân Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã cấp tập chuẩn bị một loạt các biện pháp cả quân sự lẫn chính trị và ngoại giao nhằm đối phó với Trung Quốc. Đặc biệt, Tokyo đã cho thấy sự cứng rắn của họ khi “tung” ra một loạt biện pháp quân sự.

 

Nhật Bản vốn được biết đến là một đất nước có hiến pháp hòa bình. Bản hiến pháp hòa bình, từ bỏ chiến tranh này được cho là một “dây cương” kiềm chế quân đội. Tuy nhiên, ông Abe đang có ý định tháo bỏ chiếc dây cương đó trong bối cảnh mối đe dọa từ Trung Quốc ngày càng tăng lên.

 

Chính phủ Nhật Bản cũng đang có kế hoạch tăng chi tiêu quốc phòng lần đầu tiên trong 11 năm trở lại đây. Hiện tại, ngân sách quốc phòng của Nhật Bản đã đứng thứ 6 thế giới. Số ngân sách quốc phòng tăng thêm sẽ được chi vào việc tăng số lượng binh lính cho lực lượng phòng vệ mặt đất của Nhật Bản đồng thời nâng cấp các thiết bị cho lực lượng không quân, lục quân và hải quân.

 

Ngoài hai biện pháp mang tính lâu dài trên, Tokyo còn triển khai ngay lập tức một số biện pháp nhằm sẵn sàng đối phó với các hành động của Trung Quốc ở biển Hoa Đông. Nhật Bản đã và đang tăng cường triển khai thiết bị, vũ khí quân sự tối tân đến vùng tranh chấp. Sau bước đi tăng cường năng lực của các hệ thống radar giám sát ở vùng lãnh hải quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, Bộ Quốc phòng Nhật Bản tiếp tục thông báo kế hoạch triển khai Global Hawk - một loại máy bay do thám mới nhất, hiện đại nhất của Mỹ, ra quần đảo Senkaku/Điếu Ngư để tăng cường an ninh ở đây.

 

Tiếp đó, Tokyo cũng đang cân nhắc khả năng điều F-15 – loại chiến đấu cơ thiện chiến hàng đầu của nước này, đến một sân bay trên đảo Shimojijima thuộc tỉnh Okinawa để có thể phản ứng nhanh chóng hơn đối với các vụ xâm nhập của máy bay Trung Quốc vào khu vực quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Đảo Shimojijima là nơi gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hơn rất nhiều so với căn cứ hiện tại của phi đội F-15 ở Naha – thủ phủ của tỉnh Okinawa. Thay vì mất từ 15 đến 20 phút như trước đây, chiến đấu cơ Nhật Bản chỉ mất khoảng trên dưới 5 phút để bay từ đảo Shimojijima đến quần đảo tranh chấp.

 

Để tăng cường “năng lực bảo vệ quần đảo Senkaku/Điếu Ngư”, Nhật Bản còn quyết định thành lập một đơn vị đặc nhiệm bảo vệ bờ biển hùng hậu gồm 12 tàu hải quân và 400 binh lính để bảo vệ quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông, sẵn sàng đáp trả sự hiện diện thường xuyên của tàu thuyền Trung Quốc ở đây.

 

Lực lượng đặc nhiệm trên sẽ được giao nhiệm vụ thường xuyên thực hiện các chuyến tuần tra quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Những chiếc tàu có trọng tải 1.000 tấn sẽ đóng vai trò then chốt trong các hoạt động tuần tra ở vùng lãnh hải xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu ngư.

 

Song song với các hoạt động tăng cường thiết bị, vũ khí hiện đại, Nhật Bản cũng thường xuyên tiến hành các cuộc tập trận riêng và chung với đồng minh Mỹ để “mài sắc” khả năng chiến đấu của các binh lính nước này. Hiện tại, Nhật Bản đang có cuộc tập trận chung với Mỹ. Trước đó vài ngày, Nhật Bản vừa tổ chức một cuộc tập trận rầm rộ dựa trên kịch bản tái chiếm và bảo vệ đảo. Khoảng 20 máy bay, 300 binh lính và 33 phương tiện quân sự tham gia vào cuộc tập trận này.

 

Ngoài các “đòn” quân sự dồn dập ở trên, chính phủ Nhật cũng đã cấp tập tiến hành các bước đi chính trị và ngoại giao nhằm thắt chặt vòng vây xung quanh Trung Quốc. Tokyo đang tăng cường thắt chặt quan hệ liên minh với Mỹ, Hàn Quốc đồng thời tăng cường phát triển quan hệ với các nước Đông Nam Á, Australia , Nga, Ấn Độ...


Kiệt Linh

Ý kiến bạn đọc