(VnMedia) - Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cảnh báo Trung Quốc, Ngoại trưởng Nhật Bản chọn Philippines trong chuyến công du đầu tiên trên cương vị mới và Manila chính thức đưa cuộc tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông ra tòa án quốc tế.... Những bước đi diễn ra liên tiếp này đã khiến nhiều người Trung Quốc hoài nghi rằng, Mỹ cùng với Nhật Bản và Philippines đang “dàn trận” chống họ.
Tàu sân bay Mỹ ở Biển Đông |
Philippines hôm 22/1 tuyên bố, nước này sẽ đưa cuộc tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông với Trung Quốc ra Liên Hợp Quốc. Đây được xem là hành động thách thức đối với Trung Quốc bởi nước này thường xuyên phản đối quyết liệt việc đưa các cuộc tranh chấp lãnh thổ giữa họ với các nước láng giềng ra toà án quốc tế.
Theo lý giải của Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario, quyết định trên đã được đưa ra sau khi Manila đã sử dụng “hầu hết tất cả các phương tiện ngoại giao và chính trị” để giải quyết cuộc tranh chấp trên biển với Bắc Kinh nhưng không có tác dụng. Manila hy vọng, sự phân xử của toà án quốc tế sẽ đem đến “một giải pháp lâu dài” cho cuộc tranh chấp hiện nay.
Bước đi pháp lý trên của Philippines đã khiến không chỉ Bắc Kinh choáng váng mà còn khiến cả khu vực bất ngờ. Bắc Kinh rõ ràng không thể không choáng váng và tức giận bởi “đòn” bất ngờ của Manila đã đẩy họ vào thế bí. Nếu Trung Quốc từ chối không tham gia thì phiên tòa vẫn có thể được tiếp tục. Tuy nhiên, việc Trung Quốc không tham gia vào vụ kiện này sẽ khiến cộng đồng quốc tế hoài nghi về tính hợp pháp trong những tuyên bố chủ quyền của nước này ở Biển Đông.
Trong trường hợp Trung Quốc bị xử thua, nước này có thể không tuân theo phán quyết mà tòa án quốc tế đưa ra bởi không có chế tài nào để buộc Bắc Kinh phải tuân theo. Tuy nhiên, một phán quyết theo hướng có lợi cho Philippines cũng sẽ khiến cho tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở các vùng tranh chấp ở Biển Đông trở nên yếu đi. Hơn nữa, việc Trung Quốc không thực hiện theo phán quyết của tòa án quốc tế cũng sẽ khiến uy tín và vị thế của nước này bị ảnh hưởng ít nhiều, đặc biệt là khi Trung Quốc đường đường là một cường quốc lớn.
Trung Quốc hoài nghi Mỹ, Nhật Bản, Philippines
Trong khi tin tức về việc Philippines kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế đang “nóng sốt” trên các mặt báo quốc tế thì một số người Trung Quốc tỏ ra hoài nghi rằng, Mỹ, Nhật Bản và Philippines đang có một âm mưu hay một kế hoạch nhằm chống lại họ. Những người này cho rằng, việc Mỹ “quay trở lại” khu vực Châu Á - Thái Bình Dương trùng thời điểm với sự nổi lên của các cuộc tranh chấp ở Biển Đông giữa Bắc Kinh và các nước láng giềng.
Tổng thống Philippine Benigno Aquino đã đề nghị Mỹ xem xét kéo dài các thỏa thuận quân sự với nước này. Đây là điều trái ngược với chính quyền tiền nhiệm của ông Aquino.
Vai trò của Nhật Bản cũng bị hoài nghi. Đại diện cho chính phủ mới của tân Thủ tướng Shinzo Abe, Ngoại trưởng Fumio Kishida đã chọn Manila là điểm đến đầu tiên trong chuyến công du đầu tiên trên cương vị mới của ông này. Trong chuyến thăm Philippines hai nước đã đồng ý thắt chặt quan hệ mọi mặt, đặc biệt là an ninh, quân sự song phương. Ngoại trưởng Nhật đã hứa sẽ cung cấp các tàu tuần tra bờ biển cho Philippines trong khi Manila hoan nghênh việc Nhật Bản tái vũ trang cho quân đội nước này.
Sau chuyến thăm của ông Kishida, Philippines đã chính thức tuyên bố đưa cuộc tranh chấp ở Biển Đông với Trung Quốc ra giải quyết tại tòa án quốc tế. Một sự trùng hợp nữa khiến Trung Quốc hoài nghi về bộ ba Mỹ, Nhật Bản và Philippines là việc tòa án quốc tế thực hiện phân xử vụ kiện của Philippines theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển hiện đang được dẫn dắt bởi vị Chủ tịch là người Nhật Bản - ông Shunji Yanai.
Mới đây, Ngoại trưởng Mỹ cũng có những phát biểu ám chỉ sẽ bảo vệ Nhật Bản trong cuộc tranh chấp của nước này với Trung Quốc ở biển Hoa Đông.
Tuy nhiên, những sự trùng hợp mà người Trung Quốc chỉ ra ở trên thực chất nó chỉ xảy ra sau khi nước này liên tục có các hành động đầy khiêu khích và hung hăng ở các khu vực tranh chấp thuộc hai vùng Biển Đông và biển Hoa Đông.
Trong những cuộc đối đầu kéo dài nhiều tháng qua ở khu vực bãi cạn Scarborough đang nằm trong tranh chấp với Philippines ở Biển Đông, Trung Quốc với tư cách là nước lớn và mạnh hơn đã không ngừng đưa ra các động thái nhằm gây sức ép, uy hiếp Philippines. Manila tố cáo, dù Bắc Kinh đã cam kết cùng với Philippines sẽ rút hết mọi tàu thuyền ra khỏi bãi cạn Scarborough để làm dịu tình hình nhưng sau khi tàu thuyền Philippines rút đi thì tàu thuyền của Trung Quốc vẫn tiếp tục ở lại khu vực. Manila cũng tố cáo Trung Quốc đã xua đuổi không cho tàu thuyền của họ vào trú ở khu vực bãi cạn Scarborough khi điều kiện thời tiết xấu.
Về cuộc tranh chấp với Nhật Bản ở biển Hoa Đông, Trung Quốc cũng bị cáo buộc là đã làm leo thang căng thẳng khi liên tiếp đưa tàu thuyền rồi sau đó là cả máy bay tiếp cận quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Rõ ràng, để làm dịu tình hình căng thẳng ở Biển Đông và biển Hoa Đông hiện nay, các bên liên quan rất cần phải kiềm chế, tránh đưa ra thêm bất kỳ động thái nào khiến cho các vùng biển này “nổi cơn sóng gió” mới.
Kiệt Linh
Ý kiến bạn đọc