(VnMedia) - Ngoại trưởng Hillary Clinton hôm qua (18/1) lại một lần nữa lên tiếng bảo đảm với Nhật Bản rằng Mỹ sẽ ủng hộ nước này trong cuộc tranh chấp với Bắc Kinh xung quanh một loạt đảo ở biển Hoa Đông. Bà Hillary cũng mời tân Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đến thăm
Ngoại trưởng Mỹ, Nhật khẳng định mối quan hệ đồng minh thân thiết. |
Nữ Ngoại trưởng Hillary hôm qua đã có buổi ăn trưa làm việc với người đồng cấp Nhật Bản Fumio Kishida. Hai nhà ngoại giao hàng đầu đã cam kết sẽ duy trì cho mối quan hệ kinh tế, an ninh Mỹ-Nhật luôn phát triển mạnh mẽ sau khi ông Abe giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử hồi tháng trước.
"Liên minh của chúng tôi với Nhật Bản sẽ vẫn là nền tảng trong chính sách can dự của Mỹ vào khu vực”, bà Hillary đã phát biểu như vậy trước các phóng viên. Bà nhấn mạnh, Mỹ và Nhật Bản sẽ hợp tác trên tất cả các vấn đề, từ cứu trợ thảm họa cho đến cuộc khủng hoảng hạt nhân ở Triều Tiên.
Ngoại trưởng Hillary – người được cho là sẽ rời nhiệm sở trong vài tuần nữa, đã một lần nữa tái khẳng định rằng, Mỹ sẽ luôn sát cánh bên cạnh nước đồng minh lâu năm trong cuộc tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông hiện nay.
Căng thẳng vì tranh chấp lãnh thổ giữa Bắc Kinh và
"Mặc dù Mỹ không đứng về bên nào trong cuộc tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư nhưng chúng tôi thừa nhận, quần đảo đó đang nằm trong sự quản lý của Nhật Bản”, bà Hillary nhắc lại lập trường lâu nay của Mỹ trong cuộc tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản.
Bà Hillary cũng nhấn mạnh thêm rằng: "Chúng tôi phản đối bất kỳ hành động đơn phương nào nhằm làm ảnh hưởng đến chính quyền Nhật Bản và chúng tôi kêu gọi tất cả các bên tiến hành những bước đi nhằm ngăn chặn các vụ việc xảy ra đồng thời giải quyết các bất đồng thông qua những phương tiện hòa bình”.
Về phần mình, Ngoại trưởng Nhật Bản Kishida cho biết, tân Thủ tướng Abe không mong làm leo thang căng thẳng trong cuộc tranh chấp với Trung Quốc dù ông thể hiện một lập trường cứng rắn đối với cuộc tranh chấp này trong chiến dịch tranh cử.
"Trong khi Nhật Bản sẽ không nhượng bộ và sẽ kiên quyết giữ lập trường cơ bản rằng quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là một phần lãnh thổ không thể tách rời của Nhật Bản thì chúng tôi vẫn dự định đáp trả một cách bình tĩnh để không gây khiêu khích đối với Trung Quốc”, ông Kishida nói.
Bà Hillary thông báo, tân Thủ tướng Abe đã được mời đến thăm Mỹ vào tuần thứ ba của tháng 2 để có cuộc gặp gỡ đầu tiên với Tổng thống Obama.
Đối mặt với Trung Quốc
Thủ tướng Abe ban đầu hy vọng sẽ đến thăm Mỹ trong chuyến công du đầu tiên trên cương vị mới nhằm thực hiện cương lĩnh mà ông đề ra trong chiến dịch tranh cử, đó là phục hồi nền kinh tế trì trệ của Nhật Bản và đương đầu quyết liệt với sự nổi lên của Trung Quốc trong khu vực gần đây.
Tuy nhiên, chuyến thăm mong muốn của ông Abe đã bị hoãn lại do lịch trình kín mít của ông chủ Nhà Trắng. Thủ tướng Nhật sau đó đã chọn Đông Nam Á làm điểm đến đầu tiên.
Mỹ và Nhật Bản từ lâu đã xây dựng một mối quan hệ liên minh chặt chẽ nhất trong khu vực. Mối quan hệ này càng được củng cố mạnh mẽ trong bối cảnh cuộc tranh chấp Trung-Nhật Bản ở biển Hoa Đông ngày càng nóng bỏng và khi Mỹ đang tăng cường chiến lược hướng trọng tâm vào Châu Á.
Các quan chức Mỹ miêu tả mối quan hệ giữa họ với Nhật Bản luôn phát triển mạnh mẽ và lành mạnh dù nó bị ảnh hưởng ít nhiều bởi sự thay đổi lãnh đạo liên tiếp ở Nhật Bản trong những năm qua. Ông Kishida là Ngoại trưởng thứ 6 của Nhật Bản trong 4 năm bà Hillary giữ cương vị là Ngoại trưởng Mỹ.
Ông Abe đã được bầu làm Thủ tướng mới của Nhật Bản một phần vì cương lĩnh chủ nghĩa dân tộc. Ông này muốn xem xét lại hiến pháp hòa bình do Mỹ phác thảo ra sau thế chiến II. Các quan chức Mỹ cũng ra dấu hiệu cho thấy, họ sẽ ủng hộ Nhật Bản nới lỏng “dây cương kiềm chế” đối với quân đội để có thể đóng một vai trò lớn hơn trong an ninh toàn cầu.
Việc Mỹ lại một lần nữa lên tiếng ủng hộ Nhật Bản trong cuộc tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông chắc chắn sẽ khiến Bắc Kinh nổi giận. Trung Quốc gần đây luôn cảm thấy khó chịu và bất an trước kế hoạch quay trở lại Châu Á của Mỹ. Trung Quốc cũng rất quan ngại trước những phát biểu và động thái của Washington liên quan đến các cuộc tranh chấp ở Biển Đông và biển Hoa Đông trong thời gian vừa qua. Bắc Kinh đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo Mỹ tránh xa các cuộc tranh chấp của họ với các nước trong khu vực.
Ý kiến bạn đọc