(VnMedia) - Philippines mới đây đã chính thức tuyên bố đưa cuộc tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông với Trung Quốc ra giải quyết tại tòa án quốc tế. Đây được xem là một sự thách thức lớn và là “một đòn hiểm” của Manila nhằm phá âm mưu độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc.
Ngoại trưởng Philippines Albert Del Rosario hôm 22/1 đã triệu tập Đại sứ Trung Quốc tại Manila đến để thông báo về việc nước này sẽ đề nghị một tòa án quốc tế can thiệp vào cuộc tranh chấp lãnh thổ kéo dài dai dẳng và chứa rất nhiều nguy cơ giữa Trung Quốc và Philippines ở khu vực Biển Đông. Ông Rosario cho biết, chính phủ của ông sẽ đưa vấn đề ra tòa án quốc tế giải quyết theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982) – một văn bản luật đã được cả hai nước công nhận và phê chuẩn.
Philippines muốn tòa án quốc tế bác bỏ việc Trung Quốc đòi chủ quyền đối với gần như toàn bộ khu vực Biển Đông. Philippines cũng muốn thách thức “những hành động bất hợp pháp” của Trung Quốc xung quanh các bãi đá và bãi cạn mà Manila miêu tả là thuộc vùng đặc quyền kinh tế của nước này theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển.
Bước đi trên rõ ràng là một sự thách thức của Manila đối với Bắc Kinh bởi Trung Quốc lâu nay luôn khăng khăng đòi giải quyết các cuộc tranh chấp giữa họ với các nước láng giềng ở Biển Đông thông qua đàm phán, đối thoại song phương. Người ta tin rằng, với tư cách là nước lớn, Trung Quốc không muốn quốc tế hóa vấn đề tranh chấp Biển Đông mà muốn giải quyết trực tiếp với từng nước nhỏ để dễ bề gây áp lực, giành thế thượng phong trong các cuộc tranh chấp nóng bỏng này.
Ngay sau khi Ngoại trưởng Rosario thông báo về quyết định trên, Trung Quốc ngay lập tức đã có phản ứng mạnh mẽ, tiếp tục khẳng định quyết tâm giải quyết các cuộc tranh chấp ở Biển Đông thông qua đàm phán trực tiếp, song phương đồng thời chỉ trích Manila làm phức tạp tình hình.
Các nhà phân tích tin rằng, Trung Quốc sẽ phớt lờ quyết định của Philippines trong việc đưa cuộc tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông ra tòa án quốc tế mà sẽ tiếp tục đòi hỏi một cách thức giải quyết không có sự tham gia của bên thứ ba. Và tất nhiên, Trung Quốc cũng sẽ không tham gia phiên tòa phân xử của tòa án quốc tế.
Theo ông Carl Thayer – một nhà phân tích thuộc trường Đại học New South Wales của Australia, tòa án quốc tế có thể sẽ vẫn tiến hành phân xử cuộc tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Philippines ở Biển Đông mà không cần có sự tham dự của Bắc Kinh. Ông Thayer cho rằng, Philippines hy vọng, tòa án quốc tế sẽ đưa ra một phán quyết có lợi cho họ và kết quả đó sẽ đem đến một chiến thắng về mặt tinh thần cho Manila trong cuộc đối đầu với Bắc Kinh.
"Vụ việc này không chỉ liên quan đến khía cạnh pháp lý mà nó còn có một sự thuyết phục về đạo đức rất mạnh mẽ. Nếu tòa án quốc tế ra phán quyết dù chỉ có lợi một phần cho Philippines thì nó cũng sẽ giúp làm “xẹp” những tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết khu vực Biển Đông của Trung Quốc đồng thời tăng tính pháp lý và sự ủng hộ quốc tế dành cho Philippines”, nhà phân tích của trường Đại học New South Wales đã nhận định như vậy.
Tuy nhiên, ông Thayer cũng thừa nhận, phán quyết của tòa án quốc tế dù có “tính ràng buộc” về mặt kỹ thuật, nhưng có thể dễ dàng bị Trung Quốc phớt lờ vì không có cơ chế nào kèm theo nhằm buộc các bên liên quan phải thực thi phán quyết.
Trong khi đó, ông Sam Bateman – một chuyên gia về an ninh hàng hải, cho rằng, việc Trung Quốc từ chối tham gia giải quyết cuộc tranh chấp với Philippines tại tòa án quốc tế “có thể không phải là một thành công lớn trên mặt trận quan hệ công chúng” nhưng đó có thể là điều mà chính phủ Philippines đang nhằm tới.
"Theo nhiều cách, động thái của Philippines được đánh giá là táo bạo và nước này hy vọng Trung Quốc sẽ phản ứng tiêu cực”, ông Bateman, một chuyên gia cấp cao tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, cho biết. Ông này miêu tả, động thái của Manila là “một nỗ lực nhằm giành thế thượng phong”.
"Nếu Trung Quốc chọn cách không tham gia giải quyết tranh chấp tại tòa án quốc tế, tất nhiên nước này sẽ phải đối mặt với một làn sóng chỉ trích mới từ cộng đồng quốc tế. Và sự từ chối này là một ví dụ thêm nữa về sự lấn tới của Trung Quốc ở Biển Đông nhưng nước này lại thiếu sự chuẩn bị cho các hoạt động của họ”, ông Bateman nói thêm.
Tuy nhiên, nhà phân tích Bateman cũng cho rằng, theo UNCLOS, tất cả các nước, trong đó có Trung Quốc, có quyền từ chối đưa các cuộc tranh chấp của họ ra giải quyết tại tòa án quốc tế. Đây dường như là con đường mà Bắc Kinh sẽ chọn. Đại sứ Trung Quốc tại Philippines hôm 23/1 đã một lần nữa tái khẳng định, nước này có “chủ quyền không thể tranh cãi” đối với các vùng lãnh hải ở Biển Đông đồng thời nhấn mạnh, Trung Quốc ủng hộ giải quyết các cuộc tranh chấp thông qua “các phương tiện hòa bình”
Dù thế nào, hầu hết các nhà phân tích đều có chung một quan điểm, cuộc tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông giữa Trung Quốc và Philippines sẽ không thể được giải quyết sớm. Sẽ phải mất từ 3 đến 4 năm để có thể đưa vụ việc này ra tòa án quốc tế.
Kiệt Linh -
(theo VOA)
Ý kiến bạn đọc