Hải quân, Không quân Trung-Nhật lại đối đầu

18:45, 07/01/2013
|

(VnMedia) - Cuộc tranh chấp nóng bỏng giữa Trung Quốc và Nhật Bản xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông đang leo thang nguy hiểm đến mức có thể vượt ra ngoài tầm kiểm soát và thậm chí có thể châm ngòi cho một cuộc chiến tranh.
 
Tình trạng leo thang căng thẳng trong cuộc đối đầu Trung-Nhật được thể hiện rõ nhất qua việc, chỉ trong vài tuần qua, chiến đấu cơ Nhật Bản liên tục có những cuộc chạm mặt nguy hiểm với máy bay Trung Quốc. Mới đây nhất, hôm 5/1, Nhật Bản đã ra lệnh cho các máy bay chiến đấu của mình cất cánh khẩn cấp để chặn đầu một chiếc máy bay của Trung Quốc tiếp cận gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Đây là lần đầu tiên trong năm nay  nhưng là lần thứ 4 liên tiếp trong vài tuần qua, chiến đấu cơ Nhật Bản đối đầu với máy bay Trung Quốc ở gần quần đảo tranh chấp.
 
Trung Quốc lần đầu tiên đưa máy bay vào vùng tranh chấp với Nhật Bản hôm 13/12, buộc Tokyo phải cho 8 chiến đấu cơ cất cánh khẩn cấp để đối phó với máy bay Trung Quốc. Hai vụ đối đầu nguy hiểm liên tiếp giữa chiến đấu cơ Nhật Bản và máy bay Trung Quốc sau đó là vào ngày 22/12 và 24/12.
 
Như vậy, cuộc tranh chấp giữa hai cường quốc hàng đầu Châu Á giờ đã leo thang từ dưới biển lên cả trên không. Giờ đây, không chỉ tàu thuyền hai nước thường xuyên gầm ghè nhau trên biển mà ở trên bầu trời, máy bay hai nước cũng liên tục đối đầu nguy hiểm. Đây rõ ràng là một bước leo thang đáng lo ngại, khiến nhiều chuyên gia nghĩ đến khả năng xảy ra xung đột quân sự ở vùng biển Hoa Đông.
 
Trên thực tế, cả Nhật Bản và Trung Quốc đều không muốn có chiến tranh. Lãnh đạo hai nước đều muốn trở lại tình trạng nguyên trạng trước đây khi cuộc tranh chấp này được để lại cho các thế hệ tương lai giải quyết. Đây chính là quan điểm được ông Đặng Tiểu Bình áp dụng bởi ông này hiểu rõ, vấn đề tranh chấp lãnh thổ đó “quá độc” để có thể giải quyết vào thời điểm này. Và ông Đặng Tiểu Bình đã đúng khi làm như vậy.
 
Tuy nhiên, gần đây, cả Nhật Bản và Trung Quốc đều đổ lỗi cho nhau về việc đã làm leo thang căng thẳng trong cuộc tranh chấp ở Senkaku/Điếu Ngư và mỗi bên đều cảm thấy cần phải đáp trả. Mỗi nước đều được dẫn dắt bởi một nhà lãnh đạo cứng rắn hơn, tự tin hơn và muốn thể hiện họ là một nhà lãnh đạo thực thụ. Lý do thứ hai khiến tình hình ở biển Hoa Đông tiếp tục bị đẩy cao căng thẳng là Nhật Bản và Mỹ tin rằng nếu xung đột nổ ra, Nhật Bản sẽ phá hủy lực lượng hải quân hoặc không quân mà Trung Quốc phái tới khu vực trong khi Bắc Kinh nghĩ rằng, không quân của họ sẽ giành chiến thắng trước Nhật Bản. Khi mà cả hai đều cho rằng mình có thể chiến thắng trong một cuộc xung đột thì họ sẽ trở nên ít quyết tâm hơn trong việc tránh cuộc xung đột đó.
 
Trung Quốc cáo buộc, Nhật Bản đã châm ngòi cho một đợt dâng cao căng thẳng ở biển Hoa Đông hiện nay bằng hành động mua lại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư từ tay người chủ sở hữu tư nhân hồi tháng 9. Sau đó, Trung Quốc đã đẩy cho tình hình căng thẳng đến mức báo động bằng lá bài chủ nghĩa dân tộc, cho phép các cuộc biểu tình chống Nhật lớn, liên tiếp đưa tàu thuyền, và gần đây là máy bay vào vùng tranh chấp. Không nghi ngờ gì nữa, đây là bước leo thang nguy hiểm của Trung Quốc. Nếu máy bay đụng độ nhau trên không, tình hình sẽ trở nên vô cùng đáng ngại.
 
Có vẻ như Trung Quốc và Nhật Bản đều đã xử lý sai cuộc tranh chấp hiện nay và Mỹ cũng vậy. Mỹ chính thức tuyên bố không đứng về bên nào trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ nhưng dường như trên thực tế, Mỹ đứng về phía Nhật Bản. Washington nhiều lần tuyên bố, theo Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật Bản, Mỹ cần phải bảo vệ không chỉ lãnh thổ của Nhật mà cả những vùng đất “thuộc quyền quản lý” của Nhật nếu nước này bị bên thứ 3 tấn công. Vì quần đảo Senkaku/Điếu Ngư rõ ràng đang nằm trong sự quản lý của Tokyo nên Mỹ chắc chắn sẽ tham chiến cùng Nhật nếu có cuộc xung đột nào đó xảy ra.
 
Việc Mỹ can dự vào cuộc tranh chấp trên cũng là một nhân tố đẩy cao căng thẳng trong khu vực.
 
Một dấu hiệu tích cực là Trung Quốc gần đây đã nói sẽ đưa vấn đề thềm lục địa của nước này trong khu vực ra Liên Hợp Quốc. Điều này đã giúp hạ nhiệt ở biển Hoa Đông. Rất khó để tranh chấp Trung-Nhật được giải quyết tại Tòa án quốc tế nhưng dù sao đây cũng là động thái giúp giải tỏa bớt căng thẳng.
 
Trở về nguyên trạng như trước đây sẽ là cách tốt nhất cho tình hình ở biển Hoa Đông lúc này, một nhà phân tích đã nhận định như vậy. Theo ông này, Nhật Bản nên thừa nhận có tranh chấp ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và hai bên nên ngồi lại thảo luận, đàm phán với nhau để tránh nổ súng. Có thể Trung Quốc vẫn tiếp tục các chuyến tuần tra bằng tàu (chứ không phải bằng máy bay) đến khu vực chung nhưng dừng lại ở giới hạn 12 hải lý trong khi Nhật Bản nên kiềm chế không đối đầu với tàu thuyền Trung Quốc. Cả hai tiếp tục đòi chủ quyền với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và thừa nhận có tranh chấp nhưng sẽ giảm thiểu nguy cơ xảy ra đụng độ hải quân hoặc không quân.


Kiệt Linh - (theo New York Times)

Ý kiến bạn đọc