Điểm mặt các tàu chiến tối tân tới Biển Đông

08:59, 15/01/2013
|

(VnMedia) - Thời gian qua, Biển Đông đã trở thành một điểm “nóng” trong các tranh chấp ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Biển Đông cũng là nơi diễn ra các cuộc “đua” tàu chiến đầy gay cấn giữa các quốc gia có tranh chấp trực tiếp cũng như gián tiếp đối với vùng lãnh hải này.


Tuy rằng, việc triển khai tàu chiến ở các vùng biển “nhạy cảm” có thể được “thêu vẽ” với một ý nghĩa nào đó, như một chuyến thăm hữu nghị thúc đẩy hợp tác quân sự, hay một cuộc tuần tra lãnh hải nhưng đằng sau đó đều có một thông điệp, một ẩn ý hay ý đồ sâu xa nào đó. Có thể nói, trong các cuộc “đua” tàu chiến ở Biển Đông, Mỹ - dù không phải nước trực tiếp có tranh chấp ở khu vực này, nhưng lại là nước “nhiệt tình” triển khai các tàu chiến tối tân nhất.

 

Nằm trong kế hoạch quay trở lại Châu Á-Thái Bình Dương, trong thời gian gần đây, Mỹ đã không ngừng đẩy mạnh sự hiện diện quân sự của mình trong khu vực. Khi vụ tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông giữa Manila và Bắc Kinh nổ ra. Với tư cách là đồng minh của Philippines, Mỹ có cái cớ để tăng cường sự hiện diện ở vùng biển giàu tài nguyên này. Hơn nữa, Mỹ cũng tuyên bố, họ có lợi ích quốc gia trong việc đảm bảo sự an toàn cho các tuyến đường chiến lược ở Biển Đông.


Sau đây hãy cùng điểm lại những loại tàu chiến tối tân nhất của Mỹ đã từng hiện diện ở Biển Đông trong thời gian qua.

 

Tàu ngầm tấn công tối tân USS North Carolina

 

Hồi giữa tháng 5/2012, Mỹ đã đưa tàu ngầm tấn công tối tân USS North Carolina đến khu vực gần bãi đá ngầm Scarborough ở Biển Đông giữa lúc xảy ra cuộc đối đầu “nảy lửa” giữa Trung Quốc và Philippines ở Biển Đông.


Tàu ngầm USS North Carolina thuộc lớp Virginia của Mỹ đã cập cảng Subic Freeport, gần bãi cạn Scarborough, hôm 13/5 và ở lại đây đến ngày 19/5. Tàu ngầm Mỹ được cho là đến Biển Đông để thực hiện sứ mệnh bổ sung lực lượng cho quân đội Mỹ tại Philippines .

Ảnh minh họa
tàu ngầm USS North Carolina


USS North Carolina là chiến hạm thuộc thế hệ tàu ngầm tấn công đa chức năng chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Virginia . Con tàu này có khả năng thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau như chống ngầm, chống tàu nổi, yểm trợ cho lực lượng đặc biệt, giám sát, trinh sát và tác chiến thủy lôi.. Với chiều dài hơn 106m và trọng lượng hơn 7.800 tấn khi lặn, USS North Carolina là một trong những tàu ngầm có khả năng tàng hình cao nhất và được trang bị công nghệ tân tiến nhất trên thế giới.


Sự xuất hiện của một trong những chiếc tàu ngầm hạt nhân tàng hình tối tân nhất của Mỹ ở khu vực Biển Đông đã khiến Trung Quốc tức giận và lo ngại. Bắc Kinh cho rằng, sự hiện diện của tàu chiến Mỹ trong khu vực là một mối đe dọa chiến lược đối với Trung Quốc.
 

Hai tàu sân bay “hạng nặng” đổ dồn về Biển Đông

 

Giữa lúc căng thẳng vì tranh chấp lãnh thổ giữa các nước Châu Á đang leo thang nghiêm trọng, Mỹ đã lặng lẽ dàn trận tàu chiến ở khu vực cách các điểm nóng ở Biển Đông cũng như biển Hoa Đông.
 
Mỹ đã tăng gấp đôi sức mạnh của đội tàu sân bay ở Tây Thái Bình Dương nhằm gây sức ép tâm lý đối với Trung Quốc, sau khi nước này liên tiếp có các cuộc đối đầu căng thẳng với nhiều nước láng giềng vì tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông cũng như biển Hoa Đông.


Theo đó,ngày 30/9 năm ngoái, đội tàu sân bay USS John C.Stennis này đã được Washington triển khai hoạt động ở Biển Đông cùng thời điểm tàu sân bay USS George Washington có mặt tại biển Hoa Đông


Ảnh minh họa
Tàu sân bay USS George Washington và USS John C.Stennis

USS John C. Stennis (CVN-74) là chiếc hàng không mẫu hạm thứ 7 trong lớp Nimitz chạy bằng năng lượng nguyên tử của Hải quân Mỹ, đặt tên theo Thượng nghị sỹ John C. Stennis của bang Mississippi . Tàu được đưa vào hoạt động vào 9 tháng 12 năm 1995. Cảng nhà của tàu này là Bremerton , Washington .

 

Tàu sân bay USS John C. Stennis (CVN-74) có các hệ thống tên lửa đất-đối-không của NATO RIM-7 Sea Sparrow và Rolling Air Missile, các hệ thống vũ khí phòng thủ tên lửa hành trình Phalanx, và Hệ thống chiến tranh điện tử SLQ-32.


Con tàu sân bay này được trang bị hơn 80 máy bay chiến đấu, các đội chiến đấu gồm các tàu khu trục, tàu ngầm, tàu tiếp tế, tàu tuần tiễu trang bị tên lửa định hướng.

 

Trong khi đó, siêu tàu sân bay Mỹ USS George Washington ngoài hoạt động trên biển Hoa Đông, hồi cuối tháng 10 năm ngoái cũng đã xuất hiện nhiều lần ở Biển Đông khi đi qua vùng biển gần bãi cạn Scarborough nằm trong tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines rồi neo đậu gần vịnh Manila vào ngày 24/10 trong chuyến thăm hữu nghị tới Philippines trong 4 ngày.

 

Trước đó, hồi đầu tháng 10, chỉ vài ngày sau khi hiện diện tại vùng biển gần Nhật Bản, chiếc USS George Washington bất ngờ cập cảng Malaysia để viếng thăm nước chủ nhà. Với mật độ xuất hiện như thế, hàng không mẫu hạm này dường như đang trở thành một căn cứ quân sự nổi bán thường trực của Mỹ tại vùng biển Đông Nam Á.

 

Tàu tấn công đổ bộ USS Bohhomme Richard

 

Bên cạnh các tàu chiến uy lực trên, Mỹ còn triển khai tàu tấn công đổ bộ USS Bohhomme Richard chở 2000 lính thủy đánh bộ tới Biển Đông, khu vực gần Philippines.

 
Ngoài hơn 2.000 lính thủy đánh bộ, tàu USS Bonhomme Richard (HLD-6) còn mang theo một loạt phương tiện tấn công đổ bộ, phương tiện bọc thép hạng nhẹ, pháo, trực thăng và máy bay chiến đấu Harrier.


Ảnh minh họa
Tàu tấn công đổ bộ  USS Bohhomme Richard.


Đây là lần đầu tiên kể từ những năm 1974 - 1975, Mỹ triển khai một hạm đội tàu chiến hùng hậu như vậy ở Tây Thái Bình Dương.

Tất cả các tàu chiến từng xuất hiện ở Biển Đông thời gian qua dù dưới hình thức nào cũng được cho là lời cảnh tỉnh và là thông điệp đầy ẩn ý mà Mỹ muốn gửi tới Trung Quốc, quốc gia đang có những hành động rất ngang ngược nhằm tranh chấp chủ quyền lãnh hải với các quốc gia láng giềng trên khu vực Biển Đông.


Đan Khanh - (tổng hợp)

 


Ý kiến bạn đọc