Bộ binh Pháp đơn độc tấn công vào Mali

11:24, 17/01/2013
|

(VnMedia) - Quân đội Pháp hôm qua (16/1) đã lần đầu tiên phát động một cuộc tấn công quân sự vào lực lượng chiến binh Hồi giáo ở Mali. Đây là bước mở rộng chiến dịch chống lại các chiến binh có liên quan đến tổ chức khủng bố Al-Qaeda ở Mali sau khi lực lượng này tiếp tục kháng cự mạnh mẽ những đợt không kích kéo dài 6 ngày qua của Không quân Pháp.
 

 Ảnh minh họa

 Bộ binh Pháp đang rầm rập tiến vào Mali


Tư lệnh Lục quân Pháp – ông Edouard Guillaud cho biết, lực lượng lục quân của ông sẽ đẩy mạnh chiến dịch tham chiến trực tiếp với các chiến binh Hồi giáo ở Mali “trong vài giờ nữa”.
 
Người dân Mali cho biết, một đoàn gồm khoảng 30 xe bọc thép Sagaie của Pháp đã rầm rộ tiến vào các cứ điểm của phe nổi dậy ở thành phố Niono, cách thủ đô Bamako khoảng 300km. Với việc quân đội Mali đang bảo vệ chặt chẽ khu vực biên giới phía bắc gần Mauritania, các chiến binh Hồi giáo nước này đang “cắm chốt” ở thành phố Diabaly.
 
"Các cuộc giao tranh đang diễn ra. Cho đến thời điểm này, hai bên vẫn chỉ bắn từ xa. Họ không thể vào được Diabaly", ông Oumar Ould Hamaha – một phát ngôn viên của lực lượng chiến binh Hồi giáo Mali, cho biết.
 
Theo Bộ Chỉ huy Quân sự Tây Phi, quân đội Pháp sẽ được tiếp viện thêm hàng nghìn binh lính từ Nigeria, Chad, Niger và các cường quốc khu vực khác. "Họ sẽ đến để chiến đấu chứ không phải để diễu binh. Chúng tôi sẽ tham gia vào cuộc chiến và đó là điều rõ ràng”, Tướng Soumaila Bakayoko của Bờ biển Ngà – người điều hành cuộc họp về lực lượng khu vực ở Bamako, cho biết.
 
Theo kế hoạch, 900 lính Nigeria đầu tiên sẽ đến Mali trong ngày hôm nay (17/1). Trong khi đó, các nhân chứng cho biết, họ đã nhìn thấy khoảng 200 binh lính Niger đang đợi để tiến vào biên giới phía tây Mali trong một phái đoàn gồm xe bọc thép, xe chở nhiên liệu và pháo binh.
 
Ngoại trưởng Chad Moussa Faki Mahamat cho biết, riêng nước ông sẽ gửi 2.000 binh lính đến Mali.
 
Các chuyên gia quân sự lo ngại, bất kỳ sự trì hoãn nào trong chiến dịch tấn công trên bộ nhằm vào các căn cứ của lực lượng chiến binh Hồi giáo Mali cũng sẽ giúp lực lượng này rút về sa mạc, tái tổ chức lực lượng và thực hiện chiến dịch phản công.
 
Tư lệnh Lục quân Guillaud cho hay, các cuộc không kích bằng máy bay chiến đấu hiện đại Rafale và Mirage của Pháp trong những ngày qua đang mất dần hiệu quả bởi lực lượng chiến binh Hồi giáo Mali đang sử dụng dân thường làm lá chắn cho họ.
 
Bộ trưởng Quốc phòng Pháp – ông Jean-Yves Le Drian thừa nhận, quân đội của ông đang đối mặt với một chiến dịch khó khăn và lâu dài bởi lực lượng chiến binh ở Mali được trang bị vũ khí đầy đủ và lực lượng này đã chiếm được khu vực sa mạc rộng mênh mông của Mali từ hồi năm ngoái.
 
Pháp đang đơn thương độc mã ở Mali?
 
Các đồng minh của Pháp đã bày tỏ bằng lời sự ủng hộ đối với chiến dịch quân sự của nước này ở Mali. Tuy nhiên, khi nói đến việc gửi quân hay vũ khí đến đây thì các đồng minh của Pháp lại chần chừ và chỉ đồng ý gửi những thứ tối thiểu như máy bay quân sự, một số nhân viên hỗ trợ và rất nhiều lời hứa.
 
Chắc chắn, đây không phải là sự ủng hộ quốc tế mà Tổng thống Pháp Francois Hollande hy vọng sau khi ông này quyết định triển khai 2.500 lính bộ binh đến Mali.
 
Thậm chí các nước láng giềng của quốc gia Tây Phi – những nước được cho là sẽ tiếp quản nhiệm vụ chống lực lượng chiến binh Hồi giáo từ tay Pháp trong vài ngày tới, cũng chưa gửi bất kỳ một đơn vị quân đội nào đến Mali ngoài những con số.
 
Tổng thống Hollande đã nhận được sự ủng hộ của Liên minh Châu Âu (EU) và Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc bằng lời cam kết “Pháp sẽ không đơn thương độc mã” bởi nước này đang chiến đấu chống lại lực lượng chiến binh Hồi giáo có thể đe doạ phương Tây bằng những cuộc tấn công từ “thiên đường an toàn” Mali.
 
Tuy nhiên, nếu sự ủng hộ về tinh thần đến rất dễ dàng thì nguời ta lại rất khó để phát hiện được những dấu hiệu cụ thể cho thấy binh lính Pháp nhận được sự hậu thuẫn khi tiến vào Mali.
 
Liên minh Châu Âu (EU) dự định sẽ tổ chức một cuộc họp khẩn cấp giữa ngoại trưởng các nước thành viên trong ngày hôm nay để bàn lại về vấn đề trên.
 
Ngoài sự ủng hộ của một số nước Tây Phi, các nước đồng minh của Pháp ở Bắc Phi thậm chí còn ít ủng hộ nước này hơn là phương Tây. Lập trường của Algeria về chiến dịch can thiệp quân sự của Pháp vào Mali chỉ dịu đi chút ít sau khi Tổng thống Hollande đến thăm Algeria trong tháng 12 vừa rồi. Algeria chỉ đồng ý cho phép Pháp bay qua vùng trời của nước này để do thám và đóng cửa biên giới với Mali.
 
Ngoại trưởng Tunisia Rafik Abdessalem thì thẳng thừng tuyên bố, ông muốn “giải quyết vấn đề Châu Phi trong bối cảnh của Châu Phi. Chúng tôi nói chung chống lại sự can thiệp của nước ngoài”.
 
Ông Jean-Francois Cope – một nhà lãnh đạo thuộc phe đối lập bảo thủ ở Pháp đã nói với Thủ tướng Pháp tại một cuộc tranh luận công khai ngày hôm qua rằng: “Chúng tôi rất lo ngại vì Pháp bị cô lập. Mọi việc diễn ra theo kiểu, toàn thế giới đã bật đèn xanh cho Pháp nhưng sau đó lại để chúng ta một mình. Ở cấp độ quốc tế, tại sao chúng ta không thể thiết lập được một liên minh thực sự như đã từng có được ở Libya?"
 
Dưới thời cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy năm 2011, Pháp đã từng dẫn đầu một liên minh các nước để tiến hành chiến dịch can thiệp quân sự vào Libya.
 
Phản ứng trước những quan ngại trên, Tổng thống Hollande cho rằng, những vụ giết chóc của các chiến binh Hồi giáo ở Mali khiến Pháp không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải hành động.


Kiệt Linh - (theo AP, Reuters)

Ý kiến bạn đọc