(VnMedia) - Ngoại trưởng Philippines vừa mới đây tuyên bố, chính phủ của ông sẽ chính thức đưa cuộc tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông với Trung Quốc ra giải quyết tại toà án quốc tế. Đây được xem là hành động thách thức đối với Trung Quốc bởi nước này thường xuyên phản đối quyết liệt việc đưa các cuộc tranh chấp lãnh thổ giữa họ với các nước láng giềng ra toà án quốc tế.
Ngoại trưởng Albert del Rosario hôm nay (22/1) cho biết, ông đã triệu tập Đại sứ Trung Quốc tại Philippines đến để thông báo về việc Manila sẽ tìm kiếm sự phân xử của toà án quốc tế cho cuộc tranh chấp giữa nước này với Bắc Kinh ở Biển Đông.
Theo lời ông Del Rosario, quyết định trên đã được đưa ra sau khi Manila đã sử dụng “hầu hết tất cả các phương tiện ngoại giao và chính trị” để giải quyết cuộc tranh chấp trên biển với Bắc Kinh nhưng không có tác dụng.
Nhà ngoại giao hàng đầu Philippines bày tỏ hy vọng, sự phân xử của toà án quốc tế sẽ đem đến “một giải pháp lâu dài” cho cuộc tranh chấp hiện nay.
Căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines đang leo thang nhanh chóng kể từ sau khi xảy ra cuộc đối đầu giữa tàu chiến lớn nhất của Philippines với hai tàu hải giám của Trung Quốc ở bãi cạn Scarborough thuộc Biển Đông hồi tháng 4 năm ngoái. Cả Manila và Bắc Kinh đều đòi chủ quyền đối với bãi cạn này.
Trung Quốc đang có tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông với một loạt nước láng giềng gồm Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei và Vùng lãnh thổ Đài Loan. Biển Đông là khu vực giàu dầu mỏ, khí đốt và là nơi có nhiều tuyến đường hàng hải chiến lược quan trọng. Đây là lý do khiến Trung Quốc có tham vọng nuốt trọn Biển Đông. Trung Quốc đưa ra yêu sách đường lưỡi bò (9 đoạn) hết sức vô lý, theo đó nước này đòi chủ quyền đối với hầu hết khu vực Biển Đông.
Trong thời gian gần đây, Bắc Kinh liên tiếp có nhiều hành động hiếu chiến nhằm “khẳng định chủ quyền” ở Biển Đông. Điếu đó đã khiến các nước láng giềng và cộng đồng quốc tế bất bình.
Philippines và các nước có tranh chấp khác muốn đưa các cuộc tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông ra toà án quốc tế để giải quyết. Tuy nhiên, Trung Quốc luôn phản đối nỗ lực quốc tế hóa các cuộc tranh chấp này. Bắc Kinh khăng khăng đòi giải quyết các cuộc tranh chấp này trên cơ sở song phương. Với tư cách là nước lớn nhất khu vực, Trung Quốc muốn giải quyết với từng nước nhỏ hơn để dễ bề gây áp lực, giành lợi thế trong những cuộc tranh chấp đó.
Kiệt Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc