Biển Đông 2013: Dự báo tranh chấp căng thẳng

18:47, 05/01/2013
|

(VnMedia) - Ngay trong những ngày đầu năm 2013, khi cả thế giới chia tay một năm cũ đầy khó khăn và hân hoan đón chào năm mới trong hy vọng thì Trung Quốc liên tiếp có những hành động “gây bão” ở Biển Đông. Hành động khai màn năm mới bằng những bước đi gây hấn của Trung Quốc đã báo hiệu một năm khó yên ả ở Biển Đông.
 
Trong một động thái thể hiện sự hung hăng và quyết liệt trong tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, Trung Quốc đã điều chiếc tàu chiến tối tân nhất đến khu vực. Mấy ngày nay, báo chí rộ lên tin tàu chiến Liuzhou Type 054A đã được đưa vào biên chế của Hạm đội Nam Hải thuộc Lực lượng Hải quân Trung Quốc. Đây là tàu chiến 054 thứ sáu của Trung Quốc được triển khai ở khu vực và là một trong những chiếc tàu nổi chiến đấu Type 054A hiện đại nhất của Trung Quốc..
 
Mặc dù tàu chiến Type 054A không phải là một thiết kế mới, nhưng chiếc tàu chiến vừa được trang bị cho Hạm đội Nam Hải được cho là sở hữu những ưu thế về công nghệ hàng đầu của Trung Quốc.
 
Các chuyên gia quân sự tin rằng, tàu chiến Type-054A được sao chép từ thiết kế của khinh hạm La Fayette Pháp với những công nghệ tiên tiến giúp nó có khả năng tàng hình. Hai bên mạn tàu được thiết kế dốc nghiêng khoảng 10 độ nhằm giảm mặt cắt radar theo chiều ngang, thân tàu được làm bằng những chất liệu có khả năng hấp thu sóng điện từ.
 
Được trang bị một hệ thống tên lửa phòng không tầm trung, chiến hạm Liuzhou có khả năng phá hủy những mục tiêu trên không ở khoảng cách lên tới 50km. Con tàu này cũng được trang bị một loạt vũ khí tinh vi, trong đó có vũ khí chống tàu ngầm. Mặc dù chiến hạm Liuzhou không có sức mạnh bằng những chiếc tàu khu trục lớp Sovremenny do Nga sản xuất nhưng tàu Liuzhou vẫn là một tàu chiến đa năng trong hạm đội của Trung Quốc.
 
Vì Liuzhou được chỉ huy bởi Hạm đội Nam Hải đóng tại Trạm Giang thuộc tỉnh Quảng Đông, các nhà phân tích tin rằng, nhiệm vụ chính của nó là bảo vệ cái mà Trung Quốc gọi là “quyền lợi” của họ ở các khu vực tranh chấp thuộc Biển Đông. Trung Quốc đang có tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông với một loạt nước gồm Philippines, Malaysia, Việt Nam, Bruney và Vùng lãnh thổ Đài Loan.
 
Sau khi đưa tàu chiến hiện đại nhất ra Biển Đông, đúng ngày đầu năm, 1/1, Trung Quốc bắt đầu tiến hành tuần tra vùng tranh chấp ở Biển Đông, chính thức thực thi luật gây tranh cãi trong đó cho phép lực lượng cảnh sát nước này chặn và bắt giữ tàu nước khác ở khu vực tranh chấp mà Bắc Kinh tự nhận là thuộc chủ quyền của mình.
 
Cục Hải dương Nhà nước Trung Quốc (SOA) cho biết, hai tàu hải giám Hải giám 75 và Hải giám 84 dưới sự hậu thuẫn của máy bay trinh sát B-3843 đã tuần tra ở khu vực lãnh hải gần Vịnh Bắc Bộ thuộc Biển Đông. Vịnh Bắc Bộ là nơi tàu thuyền Trung Quốc nhiều lần quấy nhiễu, gây cản trở đối với tàu thăm dò của Việt Nam.
 
Việc Trung Quốc bắt đầu thực thi luật gây tranh cãi khiến cộng đồng thế giới lo ngại. Theo luật này, lực lượng cảnh sát ở tỉnh Hải Nam, phía nam Trung Quốc, được quyền chặn, xông lên lục soát và chiếm giữ những tàu nước khác mà nước này tuyên bố là “đi vào vùng lãnh hải của Trung Quốc một cách bất hợp pháp”. Cảnh sát tỉnh Hải Nam cũng được quyền bắt tàu nước khác phải chấm dứt hành trình và đổi hướng khi đi vào vùng tranh chấp mà Trung Quốc tự nhận là thuộc chủ quyền của mình.
 
Trung Quốc đã công bố luật trên từ hồi tháng 11 năm ngoái và nó đã vấp phải sự chỉ trích dữ dội không chỉ từ phía các nước có tranh chấp ở Biển Đông với Trung Quốc mà cả các nước khác trong khu vực và các nước phương Tây. Trung Quốc đòi chủ quyền đối với hầu hết khu vực Biển Đông, nếu thực thi luật này thì khả năng tàu thuyền các nước đụng độ với hải quân Trung Quốc là điều rất dễ xảy ra.
 
Trong một bước leo thang hơn nữa ở Biển Đông, Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA) mới đây đã ngang nhiên tiến hành một loạt cuộc tập trận tăng cường khả năng chiến đấu ở cái mà nước này gọi là “thành phố Tam Sa” nhưng thực chất là bao gồm một loạt quần đảo tranh chấp trong đó có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
 
Theo tờ Bưu điện Buổi sáng Hoa Nam dẫn nguồn tin từ Nhật báo Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa cho biết, Trung Quốc đã thực hiện một loạt cuộc tập trận sẵn sàng chiến đấu ở Thẩm Dương (Shenyang), Tế Nam (Jinan) và ở cái gọi là “thành phố Tam Sa”. Tờ Nhật báo Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa đưa tin, các cuộc tập trận trên được khởi động từ hôm thứ Tư (2/1). Loạt cuộc diễn tập này được Trung Quốc tuyên bố là nhằm để nâng cao tư thế sẵn sàng cũng như tăng cường năng lực chiến đấu của các binh lính.
 
Việc ngay trong những ngày đầu năm mới, Trung Quốc liên tiếp có những hành động gây hấn, đốt nóng căng thẳng ở Biển Đông đã đem đến một dự báo không vui về các cuộc tranh chấp lãnh thổ ở khu vực biển này. Trong khi các nước có tranh chấp ở Biển Đông luôn tìm cách nỗ lực giải quyết các cuộc tranh chấp của mình thông qua con đường ngoại giao, hòa bình thì Trung Quốc liên tục có những động thái hung hăng, hiếu chiến khiến tình hình không thể êm ả.
 
Có lẽ, năm 2012 là một trong những năm mà sóng gió Biển Đông nổi lên dữ dội nhất. May mắn là một số bên trong tranh chấp Biển Đông đã biết kiềm chế, tránh được những cuộc xung đột quân sự đáng sợ. Tuy nhiên, dù năm 2012 đã qua đi mà không xảy ra cuộc chiến tranh nào ở Biển Đông nhưng vùng biển nóng bỏng này chưa phải đã hết nguy cơ khi mà Trung Quốc tiếp tục thực hiện  chính sách lấn tới ngày một mạnh mẽ trong tham vọng độc chiếm Biển Đông như hiện tại.
 
Năm 2013 được dự báo sẽ tiếp tục là năm sóng gió ở Biển Đông với sự “khuấy đảo” mạnh mẽ của Trung Quốc. Tuy nhiên, các chuyên gia tin rằng, khả năng xảy ra xung đột là rất thấp bởi lẽ, mặc dù Trung Quốc là nước lớn và đang mạnh lên nhưng các đối thủ của Trung Quốc cũng không ngừng tăng cường sức mạnh. Các đối thủ của Trung Quốc không chỉ tăng cường sức mạnh chiến đấu mà còn thể hiện một sự quyết tâm, cứng rắn trong việc bảo vệ chủ quyền.

Trung Quốc không chỉ có tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông với một loạt nước Đông Nam Á, mà nước này còn có tranh chấp ở Biển Hoa Đông. Việc Trung Quốc có quá nhiều cuộc tranh chấp trên biển như vậy khiến nước này buộc phải giữ cho mọi thứ không vượt quá khỏi tầm kiểm soát, bởi việc dính líu vào bất kỳ cuộc chiến tranh nào cũng không có lợi cho sự phát triển của họ.  


Kiệt Linh

Ý kiến bạn đọc