(VnMedia) - Bộ Quốc phòng Nhật Bản đang cân nhắc khả năng điều F-15 đến một sân bay trên đảo Shimojijima thuộc tỉnh Okinawa để có thể phản ứng nhanh chóng hơn đối với các vụ xâm nhập của máy bay Trung Quốc vào khu vực quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Đây là thông tin vừa được các nguồn tin chính phủ tiết lộ ngày hôm qua (14/1).
Những chiếc chiến đấu cơ thiện chiến F-15 của Nhật Bản sẽ có thể được triển khai một loạt ở đảo Shimojijima. Đây là nơi gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hơn rất nhiều so với căn cứ hiện tại của phi đội F-15 ở Naha – thủ phủ của tỉnh Okinawa.
Cụ thể, căn cứ không quân Naha cách quần đảo Senkaku/Điếu Ngư khoảng 420km. Điều đó có nghĩa một chiếc F-15 sẽ mất khoảng từ 15 đến 20 phút để đến được Senkaku/Điếu Ngư sau khi cất cánh khẩn cấp. Trong khi đó, sân bay Shimojijima cách quần đảo Senkaku/Điếu Ngư chỉ khoảng 190km. Như vậy, chiến đấu cơ Nhật Bản chỉ mất khoảng trên dưới 5 phút để đến được quần đảo tranh chấp.
Tuy nhiên, vì sân bay Shimojijima không được trang bị đầy đủ cho các mục tiêu quân sự nên Bộ Quốc phòng Nhật Bản sẽ phải thực hiện một số điều chỉnh trước khi đưa một loạt máy bay chiến đấu F-15 đến triển khai tại đây, nguồn tin từ chính phủ Nhật Bản cho hay.
Sở dĩ Tokyo phải tính đến chuyện triển khai các chiến đấu cơ F-15 đến gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hơn là vì hồi giữa tháng 12 vừa rồi, máy bay Nhật Bản đã không kịp trở tay trước một vụ xâm nhập của máy bay Trung Quốc. Khi đó, một máy bay của chính phủ Trung Quốc đã đi vào “không phận Nhật Bản ở trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư” nhưng khi các phi cơ chiến đấu của F-15 được cử đến đây thì máy bay Trung Quốc đã rời đi.
Nhật Bản gần đây cấp tập chuẩn bị một loạt các biện pháp nhằm đối phó với Trung Quốc sau khi nước này liên tục có những động thái leo thang trong cuộc tranh chấp ở biển Hoa Đông.
Tình trạng leo thang căng thẳng trong cuộc đối đầu Trung - Nhật được thể hiện rõ nhất qua việc, chỉ trong vài tuần qua, chiến đấu cơ Nhật Bản liên tục có những cuộc chạm mặt nguy hiểm với máy bay Trung Quốc. Trung Quốc lần đầu tiên đưa máy bay vào vùng tranh chấp với Nhật Bản hôm 13/12, buộc Tokyo phải cho 8 chiến đấu cơ cất cánh khẩn cấp để đối phó với máy bay Trung Quốc. Kể từ đó đến nay, đã xảy ra thêm 4 vụ đối đầu nguy hiểm giữa chiến đấu cơ Nhật Bản và máy bay Trung Quốc. Và trong lần mới đây nhất, hôm 11/1, hai chiến đấu cơ hàng đầu của Trung Quốc và Nhật Bản J-10 và F-15 đã lần đầu tiên có cuộc “chạm mặt” đáng lo ngại.
Như vậy, cuộc tranh chấp giữa hai cường quốc hàng đầu Châu Á giờ đã leo thang từ dưới biển lên cả trên không. Giờ đây, không chỉ tàu thuyền hai nước thường xuyên gầm ghè nhau trên biển mà ở trên bầu trời, máy bay hai nước cũng liên tục đối đầu nguy hiểm.
Vì sao Nhật chọn F-15 đối phó với Trung Quốc?
Nhật Bản có lý do để chọn những chiếc máy bay chiến đấu F-15 cho nhiệm vụ đối phó với Trung Quốc ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Trong lần đầu tiên đưa máy bay quân sự vào quần đảo tranh chấp, Trung Quốc đã chọn chiến đấu cơ J-10 – một trong những loại máy bay chiến đấu chủ lực của Không quân Trung Quốc. Đối mặt với một Trung Quốc ngày càng quyết liệt và với những chiếc máy bay chiến đấu hiện đại của Trung Quốc, Nhật Bản chắc chắn sẽ phải chọn vũ khí trên không thiện chiến hàng đầu của mình – đó là những chiếc F-15.
J-10 là máy bay chủ lực của không quân Trung Quốc, có khả năng tác chiến và độ tin cậy cao hơn hẳn so với J-11 nên không quân Trung Quốc dự định cho đến năm 2025 sẽ chế tạo khoảng 1200 chiếc thuộc thế hệ J-10 để thay thế các loại máy bay đời mới nhất của thế hệ thứ 2 và kiểu đầu thế hệ thứ 3 sẽ hết hạn sử dụng như J-7, J-8, Q-5E, Su-27...
So sánh sức mạnh giữa J-10 của Trung Quốc và F-15 của Nhật Bản thì có vẻ như F-15 đang có ưu thế hơn.
F-15 là máy bay tiêm kích đánh chặn “xương sống” của Lực lượng Phòng không Nhật Bản (JASDF). Hiện nay, trong kho máy bay chiến đấu của JASDF có 424 tiêm kích, trong đó tiêm kích F-15 chiếm số lượng đông đảo nhất, hơn 200 chiếc.
F-15 là biến thể tiêm kích đánh chặn mọi thời tiết do hãng McDonnell Douglas (Mỹ) nghiên cứu phát triển. Năm 1975, chính phủ Nhật Bản đã quyết định mua F-15 từ Mỹ nhằm hiện đại hóa lực lượng không quân. Nhật là quốc gia duy nhất trên thế giới có được giấy phép chế tạo phiên bản riêng của chiếc F-15 đình đám này của Mỹ.
Những chiếc F-15 mà Nhật Bản đang sở hữu trong tay là một trong những loại chiến đấu cơ tốt nhất thế giới.
Chiếc máy bay chiến đấu 2 động cơ F-15 có thể lao lên trời với tốc độ 15.240m/phút, bay xa 5.500km. Ngoài ra, nó cũng có khả năng tiếp nhiên liệu khi đang bay. Vũ khí gắn kèm trên máy bay là súng 20mm và nó có thể mang theo nhiều loại vũ khí dẫn đường chính xác khác cũng như tên lửa không đối không như AIM-9MsAIM-120 AMRAAMs như những loại mà không quân Mỹ sử dụng.
Trong khi J-10 chỉ có thể theo dõi 10 mục tiêu cùng lúc và dẫn bắn đồng thời 2-4 mục tiêu thì F-15 được lắp đặt hệ thống radar điều khiển hỏa lực (ở mũi máy bay) AN/APG-63(V)1 có khả năng theo dõi 14 mục tiêu và dẫn bắn 6 tên lửa tấn công 6 mục tiêu cùng lúc.
Xét về tổng thể, F-15 được đánh giá kinh tế hơn, tốc độ nhanh hơn, kích cỡ to hơn, có sức chiến đấu mạnh hơn, nhưng J-10 được trang bị vũ khí tốt hơn. Theo đánh giá của các chuyên gia quân sự, khả năng chiến thắng trong đối đầu trực tiếp giữa F-15 và J-10 tương ứng là 54-46%.
Kiệt Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc