Báo Trung Quốc và đòn tâm lý chiến tinh vi

14:38, 31/01/2013
|

Theo mạng tin Sankei (Nhật Bản) ngày 30/1, đằng sau cách thức đối đãi với cựu Thủ tướng Tomiichi Murayama và cựu Tổng Thư ký đảng Dân chủ Tự do (LDP) là có thể hiểu được đòn tâm lý chiến hết sức khôn khéo của chính quyền Trung Quốc.


Một mặt, Bắc Kinh phê phán Nội các của Thủ tướng Shinzo Abe rằng “chính phủ của Abe gây bất an cho các nước láng giềng.” Mặt khác, Trung Quốc lại tung hô phái đoàn của ông Murayama là “các chính trị gia đầy quả cảm” nhằm tạo ấn tượng cho người dân Trung Quốc rằng “ông Abe đang bị cô lập ngay cả ở Nhật Bản.” Có thể nói, đây là một chiến thuật “phân hóa đối phương” mà Bắc Kinh áp dụng đối với Nhật Bản xung quanh vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Senkaku, tỉnh Okinawa, trên biển Hoa Đông.


Hàng loạt tờ báo ở Trung Quốc ra ngày 30/1 như Quang minh Nhật báo và Giải phóng quân báo đều đăng tải các bài viết đánh giá cao “tuyên bố Murayama” hồi năm 1995, trong đó cựu Thủ tướng Murayama đã lên tiếng xin lỗi về hành động xâm lược châu Á của đế quốc Nhật Bản trong chiến tranh.

 

Trong các bài báo này, Bắc Kinh đã sử dụng các phương tiện truyền thông quan trọng để ca ngợi các chính khách Nhật Bản, vốn không có ảnh hưởng nhiều tại Nhật Bản, kèm thông điệp ghi nhận chuyến thăm Trung Quốc của ông Murayama rằng Bắc Kinh sẽ “không thể nào quên những thành tích của ông” trong quan hệ Trung-Nhật.

 

Trong khi đó, truyền thông Trung Quốc tiếp tục các luận điệu phê phán việc chính phủ của ông Abe vừa quyết định tăng ngân sách quốc phòng. Điều này cho thấy Chính quyền Tập Cận Bình không hề giảm bớt chính sách cứng rắn đối với Nhật Bản. Bằng cách sử dụng chiến lược “cây gậy và củ cà rốt”, Trung Quốc dường như đang toan tính chiến thuật phân hóa dư luận tại Nhật Bản.


Cùng lúc đó, Bắc Kinh đang muốn thu hút sự chú ý của dư luận trong nước. Người phải chịu trách nhiệm cho tình cảnh ngày một tồi tệ trong quan hệ Nhật-Trung chỉ có thể là Thủ tướng Abe và các cộng sự trong khi vẫn còn rất nhiều chức sắc quan trọng của Nhật Bản luôn ủng hộ chủ trương của Trung Quốc.

 

Động thái này được cho là sẽ gây ra những đồn đoán rằng Bắc Kinh muốn tạo ấn tượng ông Abe đang bị “cô lập.” Đòn tâm lý chiến này của Trung Quốc quả là rất tinh vi.


Trước tiên, Trung Quốc đã khai thác triệt để tâm lý của các chính trị gia Nhật Bản khi đặt chân đến nước này là muốn gặp lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

 

Bắc Kinh không hề thông báo trước ai sẽ tiếp họ trong cuộc hội đàm này cho đến tận phút chót nhằm tạo thế bị động cho phái đoàn Nhật Bản. Bằng cách đó, Trung Quốc luôn nắm thế chủ động trong các cuộc đối thoại và dễ dàng áp đặt nội dung hội đàm đối với các chính trị gia Nhật Bản.

 

Kết quả là phía Trung Quốc đã lấy được lời xác nhận rằng “quần đảo Senkaku là khu vực tranh chấp” qua cuộc hội đàm với cựu Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama trong chuyến thăm của ông này tới Trung Quốc vào tháng 1/2013.

 

Tại cuộc gặp với Natsuo Yamaguchi - Chủ tịch đảng Công minh Mới, một đối tác trong liên minh với LDP - Bắc Kinh đã ôn lại bề dày lịch sử quan hệ hữu nghị giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc với thế hệ tiền bối của Soka Gakkai - một tổ chức học thuật và tôn giáo nổi tiếng ở Nhật Bản và có ảnh hưởng mạnh mẽ đối với chính đảng của ông Yamaguchi. Ngoài ra, Trung Quốc cũng biến “tuyên bố Murayama” thành chủ đề chính trong cuộc hội đàm với ông Yamaguchi nhằm mục đích kiềm chế chính quyền Abe bằng vấn đề nhận thức lịch sử.

Rõ ràng, chiến thuật ngoại giao trên của Trung Quốc dường như đã đạt được một số thành quả nhất định. Cựu Tổng Thư ký LDP Kato ngày 29/1 đã nói với các quan chức cấp cao của Trung Quốc rằng “người Trung Quốc có câu ‘dùng dân để thúc quan’. Từ nay, chúng tôi sẽ gây ảnh hưởng tới Chính phủ Nhật Bản thông qua việc tích cực triển khai các hoạt động giao lưu hữu nghị giữa nhân dân hai nước Nhật-Trung”.


(theo Vietnamplus)

Ý kiến bạn đọc