(VnMedia) - Các Tổng thống Mỹ luôn gặp sóng gió và chịu danh tiếng xấu trong nhiệm kỳ hai. Điều đó khiến nhiều người tin vào "lời nguyền nhiệm kỳ hai" và liệu đây có phải lý do khiến bạn thắc mắc tại sao ông Barack Obama lại muốn tái đắc cử. Phải chăng ông Obama muốn phá bỏ lời nguyền này và liệu ông ấy có thể làm được điều đó hay không?
Tóc ông Obama đã đổi màu và ông cũng gầy đi sau một nhiệm kỳ làm Tổng thống. |
Tổng thống George W. Bush đã chứng kiến uy tín của mình sụt giảm một cách chóng mặt trong nhiệm kỳ hai vì cuộc chiến ở Iraq, vì phản ứng thất bại của chính phủ trong cơn bão Hurricane Katrina và vì nỗ lực bất thành trong việc tư nhân hóa an sinh xã hội. Vụ scandal sex đình đám với nữ thực tập sinh Monica Lewinsky bị phơi bày đã khiến ông Bill Clinton bước vào nhiệm kỳ tổng thống thứ hai chỉ để bị luận tội. Những chi tiết đáng xấu hổ trong cuộc tình ngoài luồng của ông Clinton với Lewinsky đã khiến vị Tổng thống này trở thành đề tài chế nhạo và thành chủ đề nóng nhất của các trang tin trên khắp thế giới.
Trong nhiệm kỳ hai của mình, Tổng thống Ronald Reagan đối mặt với scandal “Iran-Contra” khiến ông này mất mặt khi bí mật bán vũ khí cho Iran dù nước này bị gán vào danh sách những nước tài trợ cho khủng bố. Còn Nixon thì sao? Ông này có scandal to đùng trong nhiệm kỳ hai, đó là vụ Watergate!
Nhiệm kỳ hai của Tổng thống Barack Obama sẽ chính thức mở màn vào tuần tới. Tuy nhiên, ông này đang phải đối mặt với một loạt những vấn đề đủ để ông phải lo lắng về “lời nguyền nhiệm kỳ hai”.
“Tôi cho rằng, ông ấy sẽ một một nhiệm kỳ hai đầy khó khăn và sóng gió giống như hầu hết các tổng thống khác. Tôi không nghĩ nhiệm kỳ này sẽ diễn ra dễ dàng, suôn sẻ. Bạn dường như sắp cạn năng lượng, trong khi các nhân viên của bạn trở nên mệt mỏi”, người từng phụ trách viết các bài phát biểu cho cựu Tổng thống Reagan – ông Ken Khachigian đã nói như vậy về nhiệm kỳ mới của ông Obama.
Tổng thống Obama đang phải đối mặt với những cuộc chiến chính trị đầy cam go ở trong nước vì những khoản thâm hụt ngân sách khổng lồ, tình trạng bạo lực liên quan đến súng và tốc độ phục hồi kinh tế chậm chạp. Các cuộc khủng hoảng ở bên ngoài cũng không phải là ít, trong đó có chương trình hạt nhân Iran, một Triều Tiên ngày càng cứng rắn và những cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng ở Châu Âu.
Chuyến thăm của Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai đến Văn phòng Bầu dục ở Nhà Trắng hồi cuối tuần vừa rồi cũng cho thấy những cản trở nếu không nói là những nguy cơ trong kế hoạch chấm dứt cuộc chiến tranh dài nhất của Mỹ vào năm 2014. Và một loạt những cuộc điều tra nhằm vào chính quyền Mỹ như chương trình bán súng bất hợp pháp theo chương trình “Fast and Furious”, những rò rỉ về thông tin an ninh quốc gia có thể nổ bung ra bất kỳ lúc nào.
Tổng thống Obama từng nói thẳng ra rằng, ông biết chuyện gì thường xảy ra sau khi các Tổng thống tái đắc cử. “Tôi quá quen với những câu chuyện về việc các tổng thống quá sức trong nhiệm kỳ hai. Chúng tôi rất thận trọng về điều đó”, Tổng thống Obama đã phát biểu như vậy trong buổi họp báo đầu tiên sau khi ông đánh bại đối thủ Đảng Cộng hòa Mitt Romney hôm 6/11/2012.
Tuy nhiên, ông Obama khẳng định, ông có một “sứ mệnh” là giúp những người Mỹ ở tầng lớp trung lưu tiếp tục đấu tranh với nền kinh tế trì trệ. "Tôi không tìm cách được bầu chỉ để nằm phơi nắng trong nhiệm kỳ hai”, ông Obama nói.
Một chính khách kỳ cựu trong chính quyền của cả Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ giấu tên đã thành thật cho biết, nhiệm kỳ hai thường khó khăn bởi “bạn không có những người tốt nhất, bạn trở nên mệt mỏi hơn, dễ bị tổn thương hơn trong khi các vấn đề không mất đi và cũng không ít phức tạp hơn”.
“Nhân lực, sức chịu đựng, sự tập trung và sức chiến đấu” đều trở nên yếu hơn trong nhiệm kỳ hai”, vị quan chức trên nói thêm.
Các quan chức Nhà Trắng hầu hết đều cảm thấy khó chịu với những lời cảnh báo kiểu lời nguyền nhiệm kỳ hai. Họ lập luận rằng, di sản của ông Obama đã được đảm bảo sau những thành công trong nhiệm kỳ đầu như việc thông qua luật chăm sóc y tế, đưa ra được những cải cách trong các quy định của Phố Wall và đưa nền kinh tế thoát khỏi cái mà Tổng thống miêu tả là bờ vực của một cuộc Đại Suy thoái mới.
Các kế hoạch nhiệm kỳ hai của Tổng thống Obama dường như sẽ vượt ra khỏi phương pháp tiếp cận “rất thận trọng” mà ông này cam kết sẽ thực hiện trong thời gian tới. Mới đây, ông chủ Nhà Trắng đã phát đi tín hiệu cho thấy, ưu tiên hàng đầu về lập pháp của ông là cải cách hệ thống nhập cư của Mỹ - một vấn đề có nguy cơ cao về chính trị mà ông Obama đã cố tránh trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình.
Nhà lãnh đạo nước Mỹ cũng đang thúc giục các nghị sĩ sớm ban hành và đưa thành luật các biện pháp kiểm soát súng sau khi xảy ra vụ thảm sát trường học kinh hoàng ở Newtown, Connecticut hồi tháng 12 năm ngoái. Ông Obama cũng cho biết, ông muốn hợp tác với Đảng Cộng hòa trong việc viết lại luật thuế.
Ngoài ra, Tổng thống Obama dù cố tình hay không cũng đã châm ngòi cho một cuộc chiến với các nghị sĩ Đảng Cộng hòa khi bổ nhiệm cựu Thượng nghĩ sĩ Chuck Hagel vào vị trí Bộ trưởng Quốc phòng. Ông Hagel từng khiến nhiều người của Đảng Cộng hòa tức giận khi chỉ trích gay gắt cách xử lý cuộc chiến tranh Iraq của ông Bush.
Tuy nhiên, ông Obama có quyền hy vọng vào một kết quả khả quan trong nhiệm kỳ hai khi mà ông đang có được một vị trí mạnh hơn sau cuộc bầu cử vừa rồi. Đảng Dân chủ của Tổng thống Obama có thêm ghế trong Thượng viện, giúp đảng này củng cố khả năng kiểm soát Thượng viện. Ở Hạ viện, tuy Đảng Cộng hòa vẫn đang nắm quyền kiểm soát nhưng Đảng Dân chủ cũng đã có thêm một số ghế ở đây. Và chiến thắng thuyết phục của ông Obama đã làm “mất mặt” Đảng Cộng hòa, buộc họ phải hợp tác với Tổng thống nhiều hơn so với nhiệm kỳ đầu của ông này.
Kiệt Linh -
(theo The Ticket)
Ý kiến bạn đọc