2013: Tranh chấp Biển Đông diễn biến khó lường

07:01, 02/01/2013
|

(VnMedia) - Biển Đông trong năm qua đã trở thành một trong những điểm nóng bỏng chứa nhiều nguy cơ nhất trên thế giới. Mặc dù may mắn là năm 2012 qua đi mà không xảy ra cuộc xung đột quân sự nào ở Biển Đông nhưng nguy cơ không phải đã hết khi mà Trung Quốc tiếp tục thực hiện chính sách hiếu chiến trong tranh chấp ở khu vực biển này.
 
Với năm mới 2013 đã đến, đây là thời điểm tốt để đánh giá các kịch bản khác nhau có thể xảy ra ở Biển Đông trong thời gian tới. Đây là điều vô cùng quan trọng bởi nó có thể giúp các bên liên quan đến tranh chấp tránh kịch bản xấu nhất.
 
Tương lai của Biển Đông phụ thuộc vào 6 yếu tố ổn định chính có tính quyết định. Yếu tố thứ nhất là sự hiện diện của một cường quốc có đủ năng lực và động lực để tạo một trật tự ổn định trong khu vực. Yếu tố thứ hai là sự cân bằng về lực lượng quân sự và tránh các hành động hiếu chiến thái quá. Yếu tố thứ 3 là việc tuân thủ thông lệ quốc tế về việc giải quyết hòa bình các cuộc tranh chấp. Yếu tố thứ 4 là ưu tiên cho mục tiêu phát triển và các mối quan hệ quốc tế. Thứ năm là sự hiện diện của các thể chế nhằm tăng cường đối thoại và hợp tác. Yếu tố cuối cùng là sự đoàn kết của các thực thể trong nước ủng hộ giải pháp hòa bình, hai bên cùng có lợi.
 
Vậy, tương lai nào cho khu vực Biển Đông? Liệu tình hình hiện nay ở Biển Đông có chứa đựng đủ 6 yếu có có tính quyết định ở trên hay không? Theo các chuyên gia và các nhà phân tích, có 3 kịch bản có thể xảy ra ở Biển Đông: kịch bản tử thần, kịch bản trong mơ và kịch bản nguyên trạng.
 
Kịch bản tử thần là kịch bản tồi tệ nhất. Theo đó, cuộc xung đột giữa những nước có tranh chấp ở Biển Đông sẽ bùng nổ và sẽ có sự tham dự của cường quốc số một thế giới – Mỹ. Cuộc đối đầu quân sự lớn xuất phát từ việc Mỹ không thể duy trì lập trường trung lập trong các cuộc tranh chấp hoặc là Mỹ rút hoàn toàn ra khỏi khu vực, sự đổ vỡ hoàn toàn của các cuộc đàm phán khu vực, sự bác bỏ các thông lệ, luật lệ quốc tế và những tính toán hẹp hòi của các bên có tranh chấp.
 
Kịch bản trong mơ ở Biển Đông là khi các cuộc tranh chấp lãnh thổ trong khu vực được giải quyết hoàn toàn thông qua con đường hòa bình với một giải pháp tất cả các bên đều có lợi và đều hài lòng. Để điều này xảy ra, các bên phải giữ một lập trường thực tế và 6 nhân tố có tính quyết định trong các cuộc tranh chấp ở Biển Đông phải được duy trì.
 
Trong kịch bản giữ nguyên trạng, các bên đều giữ một lập trường không mặn mà lắm trong việc giải quyết các cuộc tranh chấp ở Biển Đông, giữ nguyên trạng và duy trì sự ổn định. Đây là kịch bản có nhiều khả năng xảy ra nhất trong 10 năm tới.
 
Liệu kịch bản xấu nhất có xảy ra?
 
Những thông tin hiện nay cho thấy, khả năng xung đột lớn xảy ra là rất nhỏ. Theo các nhà phân tích quân sự thuộc IHS Jane’s, các nước Đông Nam Á, trong đó có những nước đang có tranh chấp lãnh thổ lãnh thổ ở Biển Đông, đang mạnh tay tăng chi tiêu cho quốc phòng. Cụ thể, năm ngoái, chi tiêu quốc phòng của các nước Đông Nam Á đã tăng 13,5% lên 24,5 tỉ USD. Con số này được cho là sẽ tăng lên 40 tỉ USD vào năm 2016. Điều này sẽ ngăn không cho nước lớn như Trung Quốc gây sức ép  mạnh mẽ lên những nước nhỏ hơn đang có tranh chấp ở Biển Đông để chiếm khu vực lãnh thổ mà họ đòi chủ quyền.
 
Nhân tố ổn định khác là Mỹ. Chiến lược hướng trọng tâm của Mỹ vào khu vực Châu Á-Thái Bình Dương được khởi động từ năm 2009 đang được triển khai mạnh mẽ trong khu vực. Theo đó, Washington cam kết sẽ giữ cho tất cả các bên đang có tranh chấp trong tầm kiểm soát vì Biển Đông là khu vực có giá trị về mặt kinh tế và chiến lược rất cao. Gần 1/3 các hoạt động thương mại hàng hải của thế giới diễn ra ở đây.
 
Một dấu hiệu đang khích lệ khác là từ phía tân Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc – ông Tập Cận Bình. Trong bài phát biểu của ông này tại cuộc họp hàng năm của các thành viên ASEAN được tổ chức ở thành phố Nam Ninh, phía nam Trung Quốc gần đây, ông Tập Cận Bình đã nói rằng, Trung Quốc cam kết với “sự phát triển chung và giải pháp khu vực hòa bình cho các cuộc tranh chấp”.
 
Tuy nhiên, mong muốn duy trì hòa bình và sự ổn định của các bên có tranh chấp ở Biển Đông chưa đủ để đảm bảo một sự ổn định lâu dài cho khu vực trong tương lai. Khả năng của các chính phủ trung ương trong việc thuyết phục các thể chế khác nhau ở trong nước và người dân chấp nhận một giải pháp hòa bình, toàn diện, các bên cùng có lợi cũng rất là quan trọng.
 
Cho đến nay, Trung Quốc vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong việc thuyết phục các thể chế khác nhau ở trong nước và cả những người có tư tưởng, lập trường hiếu chiến ở nước này nhận thức rõ về tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và sự ổn định trong khu vực như là điều kiện tiên quyết cho phát triển kinh tế.


Kiệt Linh - (theo Jakarta Post)

Ý kiến bạn đọc