Trung Quốc tung ra máy bay quân sự khổng lồ

18:38, 28/12/2012
|

(VnMedia) - Quân đội Trung Quốc hôm qua (27/12) đã lần đầu tiên tung ra một loạt những bức ảnh nóng hổi của nguyên mẫu chiếc máy bay vận tải quân sự khổng lồ mới toanh của nước này. Đây là chiếc máy bay vận tải hạng nặng đầu tiên do Trung Quốc tự chế tạo. Tuy nhiên, có một điều đáng chú ý là chiếc máy bay quân sự “khủng” của Trung Quốc lại rất giống với những chiếc máy bay khác cùng loại, đặc biệt là máy bay C-17 của Lực lượng Không quân Mỹ.
 
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc – ông Dương Vũ Quân hôm qua đã lên tiếng xác nhận, nước này đang phát triển loại máy bay vận tải cỡ lớn Y-20 để đáp ứng nhu cầu hiện đại hóa của quân đội.
 
"Chúng tôi phát triển loại máy bay vận tải cỡ lớn để cải thiện khả năng vận tải trên không. Chiếc máy bay tầm xa tối tân đó được phát triển để phục vụ nỗ lực hiện đại hóa của quân đội cũng như đáp ứng các yêu cầu trong công tác cứu trợ thảm họa và viện trợ nhân đạo trong tình huống khẩn cấp”, ông Dương Vũ Quân cho biết tại một cuộc họp báo định kỳ hàng tháng sau khi một loạt bức ảnh chiếc nguyên mẫu Y-20 được tung lên mạng.
 
Ông Dương Vũ Quân không cho biết cụ thể khi nào Y-20 mới chính thức được đưa vào hoạt động, chỉ nói rằng “công tác nghiên cứu và phát triển chiếc máy bay vận tải cỡ lớn đang tiến triển theo đúng kế hoạch”. Sẽ cần thực hiện một loạt bước đi nữa trước khi những chiếc Y-20 được hoàn thiện bởi “công nghệ của nó rất phức tạp”, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc khẳng định.
 
Về lý thuyết, chiếc máy bay vận tải quân sự mới có thể giúp Trung Quốc sánh ngang với cường quốc quân sự hàng đầu thế giới –Mỹ. Tuy nhiên, cũng như mọi chiếc máy bay khác của Trung Quốc, ở giai đoạn đầu, người ta thường có nhiều câu hỏi hơn là câu trả lời về máy bay Y-20. Đặc biệt là khi nguyên mẫu Y-20 dường như chỉ ấn tượng chứ không thực sự hữu ích.
 
Các nguồn tin từ Mỹ và Trung Quốc ước tính chiếc máy bay 4 động cơ tuabin quạt được gọi là Y-20 này nặng khoảng 200 tấn. Như vậy, máy bay vận tải quân sự mới của Trung Quốc nhẹ hơn một chút so với chiếc C-17 của Mỹ và nặng hơn chiếc A400M của Châu Âu. Y-20 dường như được trang bị các động cơ D-30 của Nga và nó có phần đầu giống tương tự như  máy bay Antonov An-70 của Nga. Trung Quốc thường sử dụng các động cơ cũ của Nga cho những phiên bản máy bay mới của họ cho đến khi nước này tự chế tạo được các động cơ riêng.
 
Trong nhiều năm nay, các nhà phân tích và giới báo chí đã nói về một chiếc máy bay vận tải mới của Trung Quốc. Loại máy bay này rõ ràng được bắt đầu phát triển từ năm 2005. 3 năm sau, một trận động đất khủng khiếp xảy ra ở tỉnh Tứ Xuyên giết chết hàng chục nghìn người và tàn phá nặng nề khu vực. Trận động đất này được cho là đã thúc đẩy qua trình thiết kế và chế tạo Y-20 của Trung Quốc.
 
Sau trận động đất trên, Lực lượng Không quân Trung Quốc không thể triển khai được một vài chiếc máy bay vận tải để giúp cho công việc cứu trợ. Thực tế này đã bộc lộ rõ năng lực hạn chế của Không quân Trung Quốc trong việc đối phó với các thách thức lớn”, ông Nirav Patel đã nhận định như vậy.
 
Tuy nhiên, người Mỹ đã đem một cặp máy bay vận tải quân sự khổng lồ C-17 đến giúp và điều này rõ ràng làm Trung Quốc cảm thấy xấu hổ. Những năm sau đó, Trung Quốc bắt đầu đặt việc chế tạo máy bay vận tải quân sự khồng lồ là “ưu tiên mới”.Nước này đã rót hàng tỉ USD vào dự án này. Và Y-20 đã ra đời nhanh chóng. Tuy nhiên, không rõ khi nào nó có thể cất cánh được. Cũng không rõ là liệu Bắc Kinh có sao chép công nghệ từ chiếc máy bay C-17 của Mỹ hay không dù nó rất giống với chiếc máy bay này. Bất kỳ khi nào Trung Quốc trình làng một máy bay chiến đấu mới, các nhà quan sát nước ngoài đều nhận định những loại máy bay đó giống với một thiết kế nào đó từ Mỹ, Nga, Châu Âu hoặc Israel. Những câu hỏi này không phải lúc nào cũng sai. Quân đội Trung Quốc từng sở hữu những phiên bản không được cấp phép loại máy bay chiến đấu Su-27 và Su-30 của Nga.
 
Năm 2010, một thẩm phán quận ở Mỹ từng kết án một kỹ sư Boeing gốc Trung Quốc có tên là Dongfan Chung 15 năm tù vì tội cung cấp những tài liệu mật về công nghệ tên lửa của Mỹ cho Trung Quốc. Chung cũng bị cáo buộc từ lâu đã cung cấp thông tin về máy bay C-17 cho Trung Quốc mặc dù sau đó, cáo buộc này được hủy bỏ.
 
Y-20 về ngoại hình giống hệt với C-17 của Mỹ dù những loại máy bay vận tải thường có bề ngoài tương đối giống nhau.
 
Trong bất kỳ trường hợp nào, bề ngoài của một chiếc máy bay không nói được gì nhiều về tiềm năng quân sự của nó. Trong một chừng mực nào đó, hiệu quả của một chiếc máy bay phụ thuộc vào động cơ của nó. Công nghệ chế tạo động cơ của một chiếc máy bay vận tải quân sự được cho là phức tạp hơn nhiều so với động cơ của máy bay chiến đấu. Trong khi đó, Trung Quốc đang phải chật vật trong nhiều năm nay để chế tạo động cơ của máy bay chiến đấu. Y-20 có thể phải chờ nhiều năm nữa mới có được động cơ riêng giúp nó phát huy tác dụng tối đa.


Kiệt Linh - (theo Wired)

Ý kiến bạn đọc