Trung Quốc khiến Biển Đông thành "điểm nóng" số 1?

21:39, 21/12/2012
|

Với việc giành chiến thắng trước ông Moon Jae-in (Đảng Dân chủ Thống nhất) trong cuộc bầu cử Tổng thống Hàn Quốc lần thứ 18, bà Park Geun-hye (Đảng Cầm quyền) đã trở thành nữ tổng thống đầu tiên của nước này và điều đó đồng nghĩa với việc căng thẳng giữa Hàn Quốc và Nhật Bản xung quanh quần đảo Takeshima/Dokdo lại có nguy cơ gia tăng.

Ngoài ra, dư luận trong và ngoài khu vực cũng đang quan tâm tới nhận định của nhiều nhà bình luận cho rằng, Biển Đông và biển Hoa Đông sẽ là “điểm nóng nhất” tại châu Á - Thái Bình Dương trong năm 2013 bởi Trung Quốc tiếp tục leo thang trong việc tranh chấp biển đảo với các nước láng giềng, nhất là trên mặt trận pháp lý, kiểm soát thực tế cũng như phô trương sức mạnh quân sự.

Việc này càng trở nên hiện hữu sau khi Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ đều đưa ra những tuyên bố liên quan tới Biển Đông và biển Hoa Đông.

Mỹ - Nhật liên minh, Trung Quốc quan ngại

Ngày 18/12, Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do (LDP) Shinzo Abe cho biết, sẽ gặp Tổng thống Mỹ Barack Obama trong tháng 1/2013. Đây sẽ là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Shinzo Abe sau khi nhậm chức thủ tướng hôm 26/12, khác với cách chọn lựa khi Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do (LDP) làm thủ tướng giai đoạn 2006-2007: chọn Trung Quốc là quốc gia đầu tiên đến thăm khi đứng đầu nội các Nhật Bản. Thông tin này xuất hiện sau cuộc điện đàm giữa Tổng thống Barack Obama với ông Shinzo Abe hôm 18/12 và cả hai ông bên đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thắt chặt quan hệ liên minh.
 

Ảnh minh họa

Ông Shinzo Abe - Thủ tướng tương lai của Nhật


Trong cuộc điện đàm ngày 18/12, Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch LDP Shinzo Abe đã nhất trí tăng cường mối quan hệ song phương và thảo luận hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật cũng như các vấn đề kinh tế. Theo người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney, ông Shinzo Abe và Tổng thống Barack Obama đều tái khẳng định tầm quan trọng của liên minh Mỹ - Nhật Bản, bởi đó là nền tảng của hòa bình và an ninh trong khu vực.

Trước đó (17/12), Thư ký báo chí của Lầu Năm Góc Georgle Litte cho biết, liên minh an ninh giữa Nhật Bản và Mỹ vẫn vững vàng và Washington đang hướng tới việc hợp tác với chính phủ mới của Nhật Bản.

Ngày 18/12, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta cho biết, trong năm 2017, Mỹ có kế hoạch sẽ triển khai máy bay tiêm kích tàng hình F-35 (do tập đoàn chế tạo máy bay khổng lồ Lockheed Martin của Mỹ đứng đầu phát triển loại máy bay này) tại căn cứ không quân Iwakuni ở tỉnh Yamaguchi của Nhật Bản. Đây là lần đầu tiên Mỹ triển khai loại máy bay đa năng này ở nước ngoài và điều này nằm trong nỗ lực của Washington nhằm tái cân bằng hoạt động bố trí và sự hiện diện tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương trước sự tăng cường sức mạnh quân sự của Trung Quốc.

Tuy nhiên, ông Leon Panetta không tiết lộ số lượng máy bay cụ thể nằm trong kế hoạch này cho dù Lầu Năm Góc đặt mục tiêu tái bố trí hạm đội hải quân Mỹ nhằm đạt tỷ lệ 60/40 giữa Thái Bình Dương và Đại Tây Dương tới năm 2020.

Ảnh minh họa

Ông A.K Antony - Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ


 
Ngày 17/12, Hãng Thông tấn Kyodo Nhật Bản đưa tin, cơ quan lập pháp thành phố Ishigaki, thuộc tỉnh Okinawa, địa phương chủ quản hành chính đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đã ra nghị quyết phản đối hành động xâm nhập không phận Nhật Bản tại khu vực này của máy bay Trung Quốc hôm 13/12. Đồng thời gọi hành động kể trên của Trung Quốc là “vô cùng tồi tệ” và yêu cầu Bắc Kinh chấm dứt ngay lập tức các hoạt động “xâm nhập khiêu khích” tại không phận, hải phận Senkaku/Điếu Ngư do Nhật Bản kiểm soát.

Cơ quan lập pháp thành phố Ishigaki cũng nhất trí cho rằng, Tokyo nên có một lập trường vững chắc chống lại ý đồ của Bắc Kinh trong việc muốn chiếm đoạt quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Ngày 18/12, tại cuộc họp báo thường kỳ, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết, mong Nhật Bản nhận thức sâu sắc, xử lý thỏa đáng những khó khăn và vấn đề đặt ra cho hai nước. Trước đó (17/12), bà Hoa Xuân Oánh (Doanh) cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc về hướng đi trong tương lai của Nhật Bản dưới thời Thủ tướng tương lai Shinzo Abe, Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do (LDP), người vừa giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Hạ viện hôm 16/12.

Ảnh minh họa

Ông Kevin Maher - Một cựu quan chức cao cấp của Bộ Ngoại giao Mỹ


Bà Hoa Xuân Oánh (Doanh) tiếp tục khẳng định quan điểm của Bắc Kinh đối với tranh chấp tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông - đây là lãnh thổ của Trung Quốc, đồng thời khẳng định Trung Quốc sẵn sàng cải thiện các mối quan hệ với Nhật Bản. Tuyên bố kể trên được đưa ra sau khi Thủ tướng tương lai Shinzo Abe khẳng định: sẽ không có thỏa hiệp trong vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư bởi Tokyo sở hữu và kiểm soát quần đảo này theo luật pháp quốc tế.

Ấn Độ không muốn “lép vế” trước Trung Quốc

Ngày 20/12, tại thủ đô New Delhi, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh chủ trì cuộc họp với lãnh đạo của 10 nước ASEAN tại hội nghị thượng đỉnh Ấn Độ - ASEAN. Tại cuộc họp này, các nhà lãnh đạo ASEAN đưa ra văn bản trong đó tập trung chủ yếu vào vấn đề tự do hàng hải và tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa các nước thành viên với Ấn Độ.

Dư luận cho rằng, Ấn Độ đang nỗ lực sử dụng ảnh hưởng ngày càng gia tăng của mình đối với các nước ASEAN để giảm bớt những gây hấn gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông. Bởi New Delhi đang tích cực trong việc triển khai chính sách “hướng Đông” mới của mình. Trong khi đó Trung Quốc cảm thấy “bất an” trước việc ASEAN và Ấn Độ tăng cường quan hệ hợp tác.

Ngày 17/12, tờ Thời báo Kinh tế Ấn Độ dẫn lời phát biểu của Giáo sư luật quốc tế Đại học Denver, Mỹ, ông Ved Nanda (người Mỹ gốc Ấn Độ) tại một hội nghị “quan hệ Trung - Ấn” do Ấn Độ và Quỹ Nghiên cứu di dân Ấn Độ tổ chức, trong đó kêu gọi Ấn Độ cần áp dụng thái độ cứng rắn đối với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, đồng thời cho rằng, Ấn Độ cần điều phi đội máy bay và hạm đội đến Biển Đông để làm đối trọng với Trung Quốc.

Theo Giáo sư Ved Nanda, hiện Trung Quốc coi Ấn Độ là đối thủ cạnh tranh chủ yếu ở khu vực châu Á, do đó Ấn Độ cần đưa ra các biện pháp chống lại Trung Quốc một cách mạnh mẽ. Phát biểu của Giáo sư Ved Nanda được đưa ra sau khi Tư lệnh Hải quân Ấn Độ, Đô đốc D.K. Joshi tuyên bố: Nếu cần thiết, Hải quân Ấn Độ sẽ can thiệp để bảo vệ hoạt động đầu tư khai thác dầu khí của Tập đoàn Dầu khí onGC Videsh ở ngoài khơi bờ biển của đối tác tại Đông Nam Á.

Đô đốc D.K. Joshi nhấn mạnh, mối quan tâm của Ấn Độ là tự do hàng hải và sẵn sàng triển khai lực lượng hải quân tới Biển Đông cho dù ước này không có nhiều lợi ích lãnh thổ ở khu vực này. Ngày 18-12, Philippines công khai ca ngợi những phát biểu gần đây của Đô đốc D.K. Joshi trong vấn đề Biển Đông. Phó tổng thống Philippines Jejomar Cabauatan Binay cho rằng, tự do hàng hải và hoạt động thương mại hợp pháp là lợi ích chung.

Tuyên bố trước Quốc hội của Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ A.K.Antony (17/12) cũng khiến các nước trong khu vực quan ngại về khả năng xảy ra một cuộc khẩu chiến mới xung quanh tranh chấp lãnh thổ giữa nước này với Trung Quốc. Ông A.K.Antony cho rằng, Ấn Độ đang theo dõi chặt chẽ mọi hoạt động của Trung Quốc và đã chuẩn bị đầy đủ để đáp ứng mọi nhu cầu an ninh của đất nước.

Tuyên bố trên được Bộ trưởng A.K.Antony đưa ra khi trả lời câu hỏi tại Quốc hội về việc Trung Quốc sắp lập một đài quan sát thiên văn tại khu vực Aksai Chin (Trung Quốc gọi là Sư Tuyền Hà) thuộc Tây Tạng. Giới chuyên môn cho rằng, kế hoạch lập đài quan sát thiên văn ở Aksai Chin/Sư Tuyền Hà của Trung Quốc nhằm làm phức tạp hóa vấn đề chủ quyền tại khu vực đang có tranh chấp với Ấn Độ.

Trung Quốc không ngừng gia tăng “hoạt động biển đảo”

Phó cục trưởng Cục Hải dương Quốc gia Trung Quốc Trần Liên Tăng vừa cho rằng, việc Bắc Kinh nộp các tài liệu tuyên bố tại vùng biển Hoa Đông lên Liên Hiệp Quốc hôm 14/12 nhằm mở rộng bên ngoài khu đặc quyền kinh tế 370km tới rìa thềm lục địa, tức cách đảo Okinawa của Nhật Bản khoảng 200km, là một hành động chính trị - ngoại giao quan trọng, có ý nghĩa chiến lược đối với việc mở rộng vùng biển quản lý quốc gia và không gian phát triển tương lai.

Tân Hoa Xã dẫn lời quan chức Trung Quốc cho rằng, vì nơi rộng nhất của biển Hoa Đông chỉ có 360 hải lý nên khi phân định vùng đặc quyền kinh tế giữa Trung Quốc và Nhật Bản không tránh khỏi bị chồng lấn và bất đồng này đã diễn ra từ lâu. Trung Quốc muốn lấy rãnh biển Okinawa làm ranh giới phân chia bởi Bắc Kinh coi đó là sự kéo dài tự nhiên của thềm lục địa Trung Quốc.

Ảnh minh họa

Máy bay vận tải MV.22 Osprey của Mỹ



Giới chức Trung Quốc đã ngụy biện cho hành động kể trên của mình bằng cách viện dẫn những quy định của “Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển”, “Quy định về thủ tục của Ủy ban Ranh giới thềm lục địa” và “Nguyên tắc khoa học - kỹ thuật của Ủy ban Ranh giới thềm lục địa”… Trung Quốc luôn cho rằng, có chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hiện do Nhật Bản kiểm soát trên thực tế và sở hữu chủ quyền.

Ông Kevin Maher, người từng là Giám đốc Văn phòng Các vấn đề Nhật Bản của Bộ Ngoại giao Mỹ và hiện là cố vấn chính cho Công ty Tư vấn NMV có trụ sở tại New York cho rằng, cuộc tranh chấp xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư chỉ là một ví dụ cho thấy mối đe dọa khu vực ngày càng gia tăng xuất phát từ hành động hiếu chiến của Trung Quốc; đồng thời nhấn mạnh, việc Tokyo thể hiện mong muốn củng cố năng lực quốc phòng sẽ phát đi một thông điệp mạnh mẽ cho Bắc Kinh rằng: Nhật Bản sẵn sàng bảo vệ chủ quyền lãnh thổ bên cạnh đồng minh an ninh then chốt là Mỹ.

Ông Kevin Maher cho rằng, Tokyo cần tăng ngân sách quốc phòng để mở rộng và tăng tốc thực hiện các chương trình liên quan đến quốc phòng như mua máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 F-35 và các tàu chiến được trang bị hệ thống chiến đấu tối tân Aegis cũng như việc phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa có khả năng bắn hạ những tên lửa đạn đạo tầm trung.

Được biết, Nhật Bản đã quyết định mua 42 chiến đấu cơ F-35 cho lực lượng không quân giai đoạn từ nay đến năm 2030. Ông Kevin Maher cũng kêu gọi Nhật Bản thiết lập căn cứ quân sự trên dãy đảo Sakishima và Yonaguni thuộc quần đảo Okinawa. Hãng Kyodo vừa đưa tin, 3 chiếc máy bay vận tải MV-22 Osprey, được triển khai ở sân bay Futenma của quân đội Mỹ (nằm ở thành phố Ginowan, tỉnh Okinawa), vừa tham gia diễn tập quân sự tại Guam và quần đảo Northern Mariana.

Đây là lần đầu tiên máy bay Osprey rời khỏi Nhật Bản tham gia diễn tập kể từ khi triển khai ở sân bay Futenma hồi tháng 10/2012. Tư lệnh quân đội Mỹ tại Nhật Bản Salvatore Angelella cho biết, 12 máy bay MV-22 Osprey triển khai ở sân bay Futenma đã chính thức đưa vào sử dụng có khả năng vận chuyển gấp 3 lần, bán kính hoạt động gấp 4 lần, tốc độ tối đa gấp 2 lần so với máy bay trực thăng CH-46. Đây là trang bị tốt nhất nhằm thực hiện chiến lược “ưu tiên nhất châu Á” của Mỹ.

Ngày 18/12, tại cái gọi là “thành phố Tam Sa”, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc, chính quyền địa phương và Công ty TNHH Công nghiệp nặng tàu thuyền Bột Hải đã ký hợp đồng đóng tàu tiếp tế giao thông đời mới với tên gọi “Tam Sa-1”. Phó chủ tịch tại cái gọi là “thành phố Tam Sa” Phùng Văn Hải cho biết,theo đà triển khai xây dựng kinh tế, nhiệm vụ giao thông nơi này ngày càng nặng nề nên tàu “Quỳnh Sa-3” không đáp ứng nổi nhu cầu tiếp tế.

Được biết, tàu “Tam Sa-1” có thể đi lại bình thường trong bão cấp 8, gặp bão cấp 10 vẫn có thể đảm bảo an toàn. Hành động này của Trung Quốc tiếp tục vi phạm chủ quyền Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Việc này diễn ra đúng thời điểm trò chơi trực tuyến Chinh Đồ 2.0 của Công ty Giant Interactive (Trung Quốc) do Công ty VNG phân phối duy nhất tại Việt Nam đang bị game thủ phản ứng dữ dội vì để “đường lưỡi bò xuất hiện trên bản đồ Biển Đông”.

Bởi trong bản đồ các bang hội của trò chơi này, phần thể hiện mười quốc gia trong phiên bản “anh hùng thập quốc” có một hình bản đồ nhỏ bên góc phải phía dưới thể hiện vùng Biển Đông gồm quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam nhưng lại nằm trong hình “lưỡi bò” của Trung Quốc.
Nhiều game thủ kiến nghị cơ quan chức năng phải rà soát thật kỹ tất cả trò chơi trực tuyến xuất xứ từ Trung Quốc hiện đang lưu hành tại thị trường Việt Nam thông qua các công ty trong nước bởi Trung Quốc đang lợi dụng chuyện kinh doanh để làm chính trị.


(Theo Petrotimes)

Ý kiến bạn đọc