(VnMedia) - Trung Quốc đã cho chiếc tàu tuần tra lớn nhất và hiện đại nhất - Yuzheng 206 thực hiện hải trình đầu tiên bằng chuyến đi tuần tra ở vùng biển gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Động thái này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản leo thang vì những tranh chấp xung quanh quần đảo ở Biển Hoa Đông này, tờ Tân Hoa xã đưa tin.
Tàu Yuzheng 206 hôm qua (12/12) đã bắt đầu hành trình từ Thượng Hải đến vùng biển quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Tàu Yuzheng 206 có trọng tải 5.872 tấn và dài khoảng 130m. Đây là một trong những con tàu tuần tra ngư nghiệp lớn nhất và tối tân nhất của Trung Quốc, Cục Quản lý Ngư nghiệp Khu vực Biển Đông thuộc Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cho biết. Tuy nhiên, cơ quan này không cho biết các thông số chi tiết về chiếc tàu tuần tra mới.
Ông Zhao Xingwu, Cục trưởng Cục Ngư nghiệp Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, phát biểu tại lễ khởi hành của tàu Yuzheng 206 rằng, con tàu này sẽ đóng vai trò tích cực trong những chuyến tuần tra thường xuyên ở vùng biển gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, củng cố năng lực thi hành luật và bảo vệ tốt hơn cho sự an toàn của các ngư dân Trung Quốc.
Trong khi đó, ông Yang Bojiang, một giáo sư chuyên nghiên cứu về Nhật Bản tại trường Đại học Quan hệ Quốc tế ở Bắc Kinh, cho biết, Trung Quốc đang tăng cường năng lực thực thi pháp luật ở ngoài biển sau khi “Nhật Bản mua lại bất hợp pháp quần đảo Điếu Ngư”.
"Chúng tôi đã cử các tàu tuần tra và hải giám thường xuyên đến khu vực lãnh hải quanh quần đảo và đã đóng thêm nhiều tàu thuyền. Điều này phản ánh chính sách của Trung Quốc đối với quần đảo Điếu Ngư”, ông Yang cho biết thêm.
Theo các nhà phân tích, động thái đưa tàu tuần tra lớn nhất và hiện đại nhất đến khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đã cho thấy quyết tâm của Trung Quốc trong việc tranh giành chủ quyền quần đảo này với phía Nhật Bản.
Trung Quốc thường dùng tàu tuần tra để bảo vệ quyền lợi của các ngư dân nước này đồng thời ngăn chặn những hành động mà họ gọi là “đánh bắt cá bất hợp pháp”. Trong khi đó, tàu hải giám được Trung Quốc dùng để giám sát và bảo vệ môi trường cũng như các lợi ích hàng hải của họ. Gần hai thập niên trở lại đây, để thực hiện tham vọng trên biển của mình, Trung Quốc đã đẩy mạnh phát triển các đội tàu tuần tra và hải giám.
Việc Trung Quốc cử tàu tuần tra lớn nhất và hiện đại nhất đến quần đảo Senkaku/Điếu Ngư diễn ra chỉ 2 ngày sau khi Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản tố cáo, 4 tàu hải giám Trung Quốc đi vào vùng tiếp giáp lãnh hải ngay bên ngoài quần đảo tranh chấp.
Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản liên tục cảnh báo tàu thuyền Trung Quốc không được đi vào vùng lãnh hải của Nhật Bản. Sau khi nhận được cảnh báo từ phía Nhật Bản, một tàu của Trung Quốc đã trả lời qua sóng radio rằng, quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Trung Quốc, yêu cầu phía Nhật Bản tôn trọng các quy định và luật pháp của Trung Quốc, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản cho biết.
Cả Bắc Kinh và Tokyo đều đòi chủ quyền đối với một quần đảo ở biển Hoa Đông mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, còn Nhật Bản thì gọi là Senkaku. Chùm đảo này nằm giữa Nhật Bản và Vùng lãnh thổ Đài Loan. Senkaku/Điếu Ngư là quần đảo có nguồn cá dồi dào và có thể có cả dầu mỏ. Quần đảo này cũng gần với các tuyến đường biển quan trọng.
Cuộc tranh chấp xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là nguyên nhân chính dẫn đến mối quan hệ căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản trong nhiều thập kỷ nay.
Kiệt Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc